Tăng giá điện 2 lần trong năm 2023, EVN vẫn kêu lỗ
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:55, 09/07/2024
Tăng giá điện 2 lần trong năm 2023, EVN vẫn kêu lỗ
Năm 2023, mặc dù có 2 lần điều chỉnh giá điện nhưng EVN vẫn ghi nhận lỗ sau thuế hơn 26.772 tỉ đồng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2023. Theo đó, năm qua, doanh nghiệp này đạt doanh thu hợp nhất 500.719 tỉ đồng, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu từ bán điện đạt hơn 498.436 tỉ đồng, chiếm 99%.
Lợi nhuận gộp của EVN đạt 13.041 tỉ đồng do giá vốn hàng bán chiếm 487.677 tỉ đồng, song vẫn tăng hơn 23% so với năm 2022.
Năm 2023, EVN cũng ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh, còn hơn 4.065 tỉ đồng, giảm gần 50% so với năm 2022. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng lên gần 22.686 tỉ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, EVN ghi nhận lỗ sau thuế hơn 26.772 tỉ đồng, trong khi năm 2022 lỗ 20.747 tỉ đồng. Lũy kế 2 năm 2022-2023, EVN lỗ hơn 47.519 tỉ đồng.
Tính đến thời điểm 31.12.2023, tổng tài sản của EVN đạt 648.983 tỉ đồng, giảm hơn 17.182 tỉ đồng so với đầu năm 2023. Cũng tính đến hết năm qua, EVN có số nợ vay tài chính hơn 311.092 tỉ đồng
Được biết, nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ của EVN là giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện (phát điện) tăng cao. Trong khi đó, giá thành khâu phát điện hiện chiếm tới hơn 82% giá thành nên những biến động của giá thành khâu phát điện ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản xuất điện.
Theo EVN, giá nhiên liệu năm 2023, mặc dù có giảm so với năm 2022, nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn các năm 2020-2021.
Tại hội nghị tổng kết của EVN đầu năm 2024, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc EVN cho biết doanh thu bán điện toàn tập đoàn năm 2023 đạt 497.000 tỉ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022.
Tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2023 là 630.537 tỉ đồng (bằng 94,7% so với năm 2022), trong đó vốn chủ sở hữu là 201.535 tỉ đồng (bằng 89,4% so với cùng kỳ năm 2022).
Giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần, tuy nhiên không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện do các thông số đầu vào vẫn duy trì ở mức cao nên EVN tiếp tục lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp.
Theo ông Tuấn, hiện nay, tổng chi phí bình quân các khâu phát điện, truyền tải, phân phối là 2.092,78 đồng/kWh, trong khi đó, giá bán ra là 1.950 đồng/kWh.
"Mặc dù chúng tôi đang cố gắng tối ưu hóa các chi phí để tiết giảm, nhưng việc cân đối tài chính của tập đoàn hết sức khó khăn. Do vậy, năm 2024 cần có sự điều chỉnh chính sách về giá bán lẻ điện thì mới giải quyết được những khó khăn về tài chính của EVN", ông Tuấn nói.