Hà Nội hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu

Thông tin Y học - Ngày đăng : 20:59, 11/07/2024

Trên địa bàn Hà Nội hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu, tuy nhiên cần đẩy mạnh các biện pháp nhằm ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Thông tin Y học

Hà Nội hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu

Tuyết Nhung {Ngày xuất bản}

Trên địa bàn Hà Nội hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu, tuy nhiên cần đẩy mạnh các biện pháp nhằm ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Trước tình hình tại tỉnh Nghệ An và Bắc Giang đã ghi nhận trường hợp mắc, tử vong do bệnh bệnh hầu, để chủ động trong công tác phòng chống, TP.Hà Nội đã chỉ đạo ngành y tế thực hiện quyết liệt các biện pháp chuyên môn giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh bạch hầu.

img_2511-2-.jpg.jpg
Ông Vũ Cao Cương, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu tại điểm cầu Sở Y tế.

Chiều 11.7, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức tập huấn phòng, chống bệnh bạch hầu cho 30 quận, huyện, thị xã và các bệnh viện trong và ngoài công lập trên địa bàn theo hình thức trực tuyến.

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đề nghị các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND TP và của Sở Y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu; theo dõi chặt chẽ, tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn để tham mưu, đề xuất và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

"Trên địa bàn Hà Nội hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu, tuy nhiên cần đẩy mạnh các biện pháp nhằm ứng phó với các tình huống có thể xảy ra liên quan đến dịch bệnh bạch hầu", ông Cương cho hay.

Tại buổi tập huấn, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và Bệnh viện đa khoa Đống Đa đã triển khai hướng dẫn giám sát, phòng, chống bệnh bạch hầu và hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu theo quy định của Bộ Y tế, đồng thời cập nhật thông tin, giải đáp, hướng dẫn quy trình chuyên môn phòng, chống bệnh bạch hầu cho các đơn vị.

Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn gửi các đơn vị trong toàn ngành tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu. Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý bệnh bạch hầu cho các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã; lưu ý các biện pháp phòng, chống cũng như vệ sinh khử khuẩn tại các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các cơ sở trông giữ trẻ...

Trung tâm giám sát chặt tình hình tại các cơ sở y tế được phân công, đồng thời thường xuyên tổng hợp báo cáo từ các đơn vị trong ngành để kịp thời báo cáo và tham mưu Sở Y tế trong việc chỉ đạo các biện pháp phòng, chống; hướng dẫn các đơn vị rà soát tránh bỏ sót đối tượng trong diện tiêm chủng mở rộng.

Các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập đảm bảo đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, tập huấn cho cán bộ y tế về các phác đồ cấp cứu bệnh bạch hầu; đảm bảo thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Theo các chuyên gia, bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có tính chất gây dịch, chủ yếu lây truyền theo đường hô hấp, do trực khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae) gây nên. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 70% là ở trẻ dưới 15 tuổi và chưa tiêm vắc xin.

Sau khi ủ bệnh từ 2-5 ngày, người bệnh thường có triệu chứng sốt nhẹ, đau họng, khó chịu, mệt mỏi, ăn kém, da xanh, chảy nước mũi, họng hơi đỏ. Đặc biệt, khám họng thấy amidan có giả mạc trắng, lúc đầu nhỏ sau lan dần bao trùm họng và lưỡi gà, màu trắng, dai, bóc ra dễ chảy máu, hạch cổ sưng to làm cho cổ bạnh ra (bạch hầu họng).

Sau đó có thể dẫn đến các triệu chứng nặng như: Viêm cơ tim, viêm thanh quản (gây khàn tiếng, ho ông ổng, thở rít), suy hô hấp, ngạt thở, suy thận, tổn thương thần kinh. Nếu không được điều trị bằng thuốc đặc hiệu thì có thể dẫn tới tử vong.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Y tế ngày hôm nay cũng đã có chỉ đạo tỉnh Nghệ An và Bắc Giang chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị bệnh.

Trước đó, qua phân tích mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh M.T.B (sinh năm 2006, quê ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), đang tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), chiều 10.7, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương xác định, có thêm một trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu.

Ca bệnh này là B.H.G (sinh năm 1995), tạm trú tại thôn Trung Hòa, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (thường trú tại xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình).

B.H.G là một trong 16 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh M.T.B. Từ ngày 25 đến 28.6, M.T.B ở chung phòng tại ký túc xá Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) với cô gái 18 tuổi tử vong do bạch hầu.

Tuyết Nhung