Ông Nguyễn Hoàng Anh làm Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 13:50, 16/01/2018
Theo quyết định trên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ là Tổ trưởng Tổ công tác; ông Nguyễn Hoàng Anh (cựu Bí thư Cao Bằng) - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm Tổ phó thường trực. Các ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng KH-ĐT và ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Tài chính là Tổ phó.
Các thành viên Tổ công tác gồm: Ông Nguyễn Duy Thăng - Thứ trưởng Nội vụ; ông Lê Tiến Châu - Thứ trưởng Tư pháp, ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Công Thương; ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và bà Hoàng Thị Ngân - Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính Nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ, thư ký Tổ công tác.
Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các công việc phục vụ việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiệm vụ sẽ kết thúc khi hình thành được bộ máy của ủy ban này.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh từng là Bí thư Cao Bằng, sinh năm 1963 tại Hải Phòng, có trình độ thạc sĩ kinh tế và từng kinh qua nhiều chức vụ tại Quốc hội như Ủy viên chuyên trách Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng khóa 11; Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế...
Theo dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 được Chính phủ đưa ra lấy ý kiến tại phiên họp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tổ chức phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn đầu tư vào doanh nghiệp.
Ủy ban này là mô hình được Bộ KH-ĐT đưa ra trong dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, sẽ trở thành cơ quan chuyên trách quản lý doanh nghiệp nhà nước với quy mô vốn và tài sản lên tới 5,4 triệu tỉ đồng.
Dự thảo đã công bố danh sách dự kiến 30 doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chuyển giao cho ủy ban này quản lý, trong đó có 9/10 tập đoàn kinh tế (ngoại trừ Viettel là doanh nghiệp quốc phòng) và 21 tổng công ty đang thuộc sự quản lý của 7 bộ: Công Thương, Giao thông Vận tải, NN-PT-NT, Tài chính, TT-TT, Xây dựng và Y tế.
Chính phủ đặt mục tiêu đến 2020 cổ phần hóa 137 DNNN, hoàn thành thoái vốn theo danh mục đã được Thủ tướng phê duyệt; tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, trọng tâm là 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương.
Đáng chú ý, Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu không chi thường xuyên đối với tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước mà số tiền này được quản lý tập trung và chỉ chi cho đầu tư phát triển; đảm bảo đưa vào cân đối vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 là 250.000 tỉ đồng, trong đó năm 2017 là 60.000 tỉ đồng.
Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu tiêu chí đánh giá, bắt buộc DNNN phải xây dựng hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích; tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý của DNNN móc ngoặc với cán bộ, công chức nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành “nhóm lợi ích”, “sân sau”, lạm dụng chức vụ, quyền hạn thao túng hoạt động của DNNN, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp.
Hoài Phong