7 điều thú vị về sầu riêng
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:06, 14/07/2024
7 điều thú vị về sầu riêng
Đài Channel News Asia giới thiệu 7 điều thú vị về sầu riêng mà không phải ai cũng biết.
Được trồng trên khắp Đông Nam Á, sầu riêng là loại trái cây gây tranh cãi với mùi vị không thể nhầm lẫn. Nhiều người không chịu chúng trong khi không ít người lại ca ngợi đây là “vua của trái cây”.
Và không chỉ mùi vị đặc biệt, sầu riêng còn có nhiều điều thú vị khác.
Nhiều gien hơn con người
Các nhà khoa học của Viện nghiên cứu Ung thư Humphrey Oei, Trung tâm Ung thư quốc gia Singapore và Trường Y khoa Duke-NUS cho biết bộ gien sầu riêng (đặc biệt là giống musang king nổi tiếng) gồm khoảng 46.000 gien, gấp đôi bộ gien người.
Liên quan đến cây cacao
Nhóm nghiên cứu trên qua truy ngược quá trình tiến hóa của sầu riêng từ 65 triệu năm trước phát hiện loại trái cây này có liên quan đến cây cacao (thực vật cho chúng ta nguyên liệu làm sô cô la). Vì vậy sầu riêng cũng chứa tryptophan giống sô cô la. Tryptophan là axit min sẽ được chuyển đổi thành chất truyền dẫn thần kinh serotonin khiến con người cảm thấy vui vẻ và thư giãn.
Mùi giống lưu huỳnh
Mùi đặc biệt của sầu riêng do nhóm gien MGL quy định. Nhóm này thúc đẩy sản sinh hợp chất lưu hình dễ bay hơi (VSC).
Vậy tại sao sầu riêng ngoài tự nhiên phải tỏa mùi? Có thể nhằm mục đích thu hút động vật đến ăn và giúp phát tán hạt giống.
Rất giàu dinh dưỡng
Một cốc toàn phần cơm sầu riêng hoặc khoảng một nửa quả đã cung cấp 80% nhu cầu vitamin C hàng ngày (90 mg với nam và 75 mg với nữ).
Ngoài ra, sầu riêng còn giàu kali, chất xơ, sắt, vitamin B. Thứ chúng không có là cholesterol, đồng thời lại chứa chất béo không bão hòa đơn giúp giảm cholesterol xấu.
Nhưng đây không phải lý do để chúng ta ăn quá nhiều. Một quả sầu riêng nặng 1 kg thông thường có gần 1.350 calo và một hột khoảng 40 gam có 54 calo.
Có thể ăn hột sầu riêng
Hột sầu riêng chưa nấu chín không nên ăn. Nhưng phần nhân giàu tinh bột bên trong có thể là món thay thế khoai tây. Chỉ cần rửa sạch, luộc bằng nước muối, gọt vỏ, thái lát mỏng rồi chiên giòn là hột sầu riêng đã sẵn sàng để thưởng thức.
Biến vỏ sầu riêng thành băng dán vết thương
Đội ngũ nghiên cứu Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) đã tìm ra cách sử dụng phần vỏ đầy gai của sầu riêng. Họ chiết xuất cellulose từ vỏ rồi chế tạo thành gel mềm, ép gel thành từng tấm silicon, sau đó cắt chúng thành băng dán kích thước khác nhau. Tiếp theo phenolics (nấm men tự nhiên từ men bột làm bánh) được thêm vào để cho ra loại băng dán có tính sát khuẩn.
Lấy nhựa hột sầu riêng làm chất ổn định thực phẩm
Nhóm NTU còn thu thập thành công nhựa đặc có thể được dùng làm chất ổn định thực phẩm. Chất ổn định giúp thực phẩm giữ kết cấu, hình thức lẫn chất lượng, không tách thành nhiều thành phần khác nhau.
Không những vậy, loại nhựa đặc trên còn hỗ trợ men vi sinh và giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Chúng kéo dài tuổi thọ của men vi sinh thêm 20%.