Đạo đức là gốc của người cách mạng
Góc bình luận - Ngày đăng : 10:27, 15/07/2024
Đạo đức là gốc của người cách mạng
Những nội dung của Quy định 144 chính là tấm gương để mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng nếu còn đau đáu với vận mệnh đất nước, hạnh phúc của nhân dân sẽ dùng làm tấm gương để tự soi, tự sửa.
Trước hết, cần khẳng định rằng đạo đức là gốc của con người. Vì bài này nói về nội dung trong Quy định số 144-QĐ/TW “Về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” (gọi tắt là Quy định số 144) nên xin được đặt tiêu đề như trên.
Quy định 144 đưa ra 5 chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay, gồm:
- Yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc.
- Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập.
- Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
- Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm.
- Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời.
Nếu Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25.10.2021 của Ban Chấp hành trung ương quy định về những điều đảng viên không được làm, thì Quy định 144 quy định nhiều điều mà đảng viên "phải làm" xoay quanh vấn đề tu dưỡng, rèn luyện đạo đức.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là người sớm quan tâm đến việc rèn luyện, giáo dục đạo đức cách mạng. Năm 1927, trong bài giảng cho những người tham dự lớp cán bộ ở Quảng Châu (Trung Quốc), nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã nêu ra những yêu cầu cần có về tư cách một người cách mạng. Đến Di chúc lúc cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không quên căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên về tu dưỡng và thực hành đạo đức cách mạng. Câu hỏi đặt ra là vì sao người sáng lập Đảng, Nhà nước Việt Nam và cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng. Hẳn nhiên ai cũng biết rằng con người có lý trí, vì vậy con người luôn dùng lý trí của mình để điều chỉnh hành vi. Có lẽ vì vậy mà mỗi người luôn hướng về những điều cao cả, tốt đẹp.
Dưới chế độ phong kiến, tiền nhân khi ra làm quan bao giờ cũng thuộc nằm lòng lời dặn của người xưa: “Qua điền bất nạp lý/Lý hạ bất chỉnh quan” (Ngang ruộng dưa không nên xỏ giày/Đừng chỉnh lại mũ dưới cành mận) bởi rất dễ bị nghi ngờ.
Ở nơi mà pháp luật không soi chiếu tới thì đã có đạo đức điều chỉnh hành vi. Thiện ác đều có trong mỗi người, thanh liêm hay tham đều có ở mỗi người, giống như hai mặt sáng và tối. Những người có đạo đức, đề cao tu dưỡng về đạo đức chắc chắn sẽ bỏ tối theo sáng, còn kẻ tham lam ắt hẳn sẽ vô minh và bị dẫn vào con đường tối. Vậy thì, đối với những đảng viên chân chính của Đảng, chắc chắn họ sẽ biết đi vào con đường sáng.
Đạo đức giống như chiếc gương soi, khi người ta không “soi gương” hoặc không để “người khác” mách bảo, thì bảo sao mặt mũi không nhơ bẩn? Đi vào con đường sáng để trước hết không vô ơn, không phản bội lại lý tưởng của những lớp người đi trước đã đổ máu xương, mồ hôi nước mắt. Đi vào con đường sáng để không hổ thẹn với chính mình, với cộng đồng xã hội và để không vướng vào vòng lao lý bởi “danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất” như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở.
Trong tác phẩm Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải gương mẫu rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư" để tránh tình trạng “Chân mình còn lấm bê bê/Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”, “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, “Cấp trên ở chẳng chính ngôi/Cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào”...
Những nội dung của Quy định 144 chính là tấm gương để mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng nếu còn đau đáu với vận mệnh đất nước, hạnh phúc của nhân dân sẽ dùng làm gương soi để tự soi, tự sửa.