TP.HCM: Đề xuất thành lập tổng công ty đường sắt đô thị

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 11:42, 15/07/2024

Sáng 15.7, HĐND TP.HCM khóa 10, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức khai mạc Kỳ họp thứ 17 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2024). Kỳ họp dự kiến kéo dài trong 2,5 ngày, từ 15 - 17.7.
Hạ tầng và bất động sản

TP.HCM: Đề xuất thành lập tổng công ty đường sắt đô thị

Ánh Dương 15/07/2024 11:42

Sáng 15.7, HĐND TP.HCM khóa 10, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức khai mạc Kỳ họp thứ 17 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2024). Kỳ họp dự kiến kéo dài trong 2,5 ngày, từ 15 - 17.7.

Kỳ họp tập trung thảo luận, xem xét thông qua các nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, đô thị, văn hóa - xã hội, giáo dục… trên địa bàn TP như điều chỉnh chỉ tiêu thu chi ngân sách tại Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025; danh mục dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng...

Quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2024-2025 và các năm học tiếp theo; về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2030; nghe báo cáo về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM…

Tại kỳ họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải trình bày tờ trình của UBND TP về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, đề án hướng tới phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2030 đạt từ 15-20%, đến năm 2035 đạt 40-50% và sau năm 2035 đạt 50-60%.

5-metro-1-2-.jpg
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang hoàn thiện các khâu cuối cùng để vận hành thương mại vào cuối năm 2024 - Ảnh: Lê Toàn

Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và vận hành khai thác sơ bộ (chưa tính lãi vay khi xây dựng) từ nay đến năm 2035 khoảng 837.250 tỉ đồng (khoảng 35 tỉ USD), không gồm vốn đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 1.

Báo cáo tại kỳ họp, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm thông tin thêm, vốn đầu tư công là chủ đạo, phát huy nguồn lực nhà thầu trong nước. Do đó, đề án xin cơ chế cho nhà thầu tham gia vào khâu thiết kế thi công, TP.HCM sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lựa chọn công nghệ phù hợp.

Đặc biệt, để thực hiện mục tiêu đến năm 2035 xây dựng được 183km đường sắt đô thị, đề án đề xuất với Quốc hội, Chính phủ 28 cơ chế, chính sách thuộc 6 nhóm vấn đề. Trong đó có nhóm chính sách về quy hoạch; về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư; về huy động vốn; trình tự thủ tục, thẩm quyền đầu tư xây dựng và triển khai dự án; tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và nhóm chính sách về cơ chế tổ chức quản lý, khai thác.

Cụ thể, đề án đề xuất cho phép TP.HCM phê duyệt các chỉ tiêu trong đồ án quy hoạch đối với khu vực phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) khác với tiêu chuẩn, quy hoạch hiện hành. Đặc biệt, đề xuất cho phép TP.HCM được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương với lãi suất ưu đãi.

Đề án đề xuất cho phép TP.HCM thành lập Tổng công ty Đường sắt đô thị do TP.HCM nắm 100% vốn điều lệ, có chức năng huy động vốn, quản lý đầu tư xây dựng và kinh doanh đa ngành để khai thác hiệu quả các tài sản thuộc quản lý của Tổng công ty...

Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các công trình, dự án trọng điểm đã có nhiều chuyển động khả quan, các vướng mắc pháp lý đã được tập trung tìm cách tháo gỡ để triển khai thực hiện bước đầu mang lại kết quả khích lệ.

Trong đó, có việc khởi công tuyến đường sắt đô thị số 2; Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Nhiều dự án giao thông trọng điểm được thi công xuyên Tết như: Dự án đầu tư Xây dựng đường Vành đai 3; nút giao thông An Phú; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 50; hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa sẽ chuyển sang 1 giai đoạn mới...

Theo bà Lệ, đó là giai đoạn thi công đồng bộ tất cả các gói thầu xây lắp, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn thành các công trình phục vụ người dân.

Ánh Dương