Thủ tướng: Phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm trong Đề án 06
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 22:52, 15/07/2024
Thủ tướng: Phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm trong Đề án 06
Thủ tướng yêu cầu TP.Hà Nội lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là động lực trong triển khai Đề án 06.
Ngày 15.7.2024, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 323/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị của TP.Hà Nội sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện Đề án 06; đánh giá kết quả thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID...
Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của TP.Hà Nội, đồng thời quán triệt TP cần có quyết tâm cao, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đấy; không dàn trải, manh mún, chia cắt; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ quy trình, rõ sản phẩm, rõ kết quả…
Đẩy mạnh hoàn thiện các cơ chế chính sách gắn với đánh giá, tổng kết từ thực tiễn để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. Đề xuất, thí điểm các mô hình mới, hiệu quả trong triển khai Đề án 06 trên địa bàn TP, phù hợp với đặc thù và xu thế phát triển.
“Phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là động lực trong triển khai Đề án 06; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp để trực tiếp thụ hưởng những thành quả của Đề án 06 mang lại”, Thủ tướng nêu và yêu cầu kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Để tháo gỡ các vấn đề vướng mắc của TP.Hà Nội nói riêng, các bộ, cơ quan, địa phương nói chung về quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên triển khai các nhiệm vụ Đề án 06, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện Nghị định quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, mở rộng, nâng cấp, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các địa phương nghiên cứu 19 nhiệm vụ triển khai Đề án 06 trên địa bàn TP.Hà Nội như: sổ sức khỏe điện tử; cấp lý lịch tư pháp trên VNeID; hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và thu thuế khoán; thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt..., những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo (như thu phí "không đồng"; thuê dịch vụ công nghệ thông tin...), lựa chọn, xây dựng kế hoạch và có lộ trình chi tiết để tổ chức triển khai, áp dụng phù hợp với địa bàn.
Thủ tướng nhấn mạnh TP.Hà Nội phải phấn đấu là địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, hướng tới xã hội văn minh, hiện đại.
Trong đó, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp theo thẩm quyền các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Phấn đấu cắt giảm, đơn giản hóa theo thẩm quyền ít nhất 50% số quy định, thủ tục hành chính và cắt giảm ít nhất 50% chi phí tuân thủ.
Xây dựng mô hình thí điểm Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND Thành phố là cơ quan hành chính có chức năng tiếp nhận, giải quyết và kiểm soát, theo dõi, đánh giá thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên địa bàn thành phố theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thí điểm thực hiện từ tháng 9.2024 đến ngày 30.11.2025.
Đẩy mạnh tái cấu trúc xây dựng dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia bảo đảm chất lượng, hiệu quả và vượt chỉ tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; xây dựng, nâng cấp các hệ thống thông tin, cơ cở dữ liệu của Hà Nội bảo đảm hoạt động ổn định, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành phục vụ chia sẻ, khai thác thông tin dữ liệu trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, bảo đảm đồng bộ 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính với Cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử đạt 100%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 80%; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa đạt tối thiểu 50%.
Triển khai hiệu quả việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn, phấn đấu 100% người dân được cấp Hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân. Đẩy mạnh triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học, phấn đấu 100% giáo viên, nhân viên được cấp chữ ký số cá nhân.
Ngoài ra, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế, phí và lệ phí trên địa bàn. Thực hiện quyết liệt các giải pháp về hóa đơn điện tử, nhất là hóa đơn điện tử bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng; phát triển hạ tầng số, nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả các công cụ chuyển đổi số, như: trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trợ lý ảo..., gắn với bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin…