Phải xem lại hiệu quả kênh tắt Quan Chánh Bố trước khi đổ tiền vào tiếp
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 15:02, 24/03/2018
Ngày 23.3, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu, cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã đi khảo sát luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu và làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh.
Đánh giá về kênh tắt Quan Chánh Bố, theo lãnh đạo tỉnh, tác động xấu trước mắt là gây xói lở 2 bờ kênh, và do kênh đào cắt qua quốc lộ 53, tỉnh lộ 913 khiến các xã Đông Hải, Long Vĩnh, Long Khánh và thị trấn Long Thành biến thành các xã đảo…
Và theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật thừa nhận, hiện nay luồng đang có hiện tượng bị bồi lắng gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của tàu bè. Hậu quả là tàu từ 10.000 tấn trở lên rất khó ra vào, nên Bộ phải chuẩn bị đến 250 tỉ đồng để nạo vét.
250 tỉ đồng nạo vét, cộng với 6.100 tỉ đồng đã chi cho dự án này (giai đoạn 1), vẫn chưa hết. Bởi lãnh đạo tỉnh Trà Vinh đề xuất, cần khoảng 1.829 tỉ đồng nữa để hỗ trợ đầu tư dự án trên địa bàn các xã đảo (sau khi đào kênh) nhằm ổn định cuộc sống của người dân. Chưa nói đến hàng ngàn tỉ đồng mà Bộ GTVT đang xin, cho giai đoạn 2.
Vậy hiệu quả con kênh tắt này thực sự được gì? Trước mắt, tàu trên 10.000 tấn không thể ra vào, giống hệt như cửa Định An mà nó định thay thế. Trong năm 2017, tuyến luồng chỉ thông qua được 781 lượt tàu với lượng hàng hoá 1,8 triệu tấn và 13.000 TEUS! Nếu tính về hiệu quả đầu tư, đây là dự án không hiệu quả, bởi hàng năm còn tốn hàng trăm tỉ đồng để nạo vét, bởi tình trạng bồi lắng sẽ vẫn diễn ra liên tục!
Những năm trước, sự bồi lắng của cửa Định An khiến chiều sâu của vùng bãi cạn tại luồng này chỉ ở mức 2-4 mét, không đáp ứng cho các tàu trên 10.000 tấn ra vào các cảng Cần Thơ, Mỹ Thới… khiến phần lớn hàng hoá xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL phải vận chuyển thông qua các cảng tại TP.HCM.
Khi đó, 3 giải pháp đã được đưa ra: đào kênh tắt thay thế cửa Định An; tiếp tục nạo vét cửa Định An hoặc xây dựng 1 cảng nổi ngoài khơi có thời gian sử dụng 20 năm.
Và các nhà tư vấn cũng cho rằng, có thể giải quyết chuyện bồi lắng ở cửa Định An bằng cách xác định tuyến tối ưu cho mỗi mùa bằng cách lập mô hình số chi tiết và đo đạc khảo sát chính xác tại cửa Định An để có cách nạo vét khả thi nhất. Khi đó, phương án nạo vét và đào kênh tắt đều đạt mục tiêu như nhau, chi phí lưu thông như nhau (dĩ nhiên, chi phí nạo vét rất thấp so với đầu tư cơ bản cho kênh tắt).
Nhưng thay vì chọn phương án cảng nổi ngoài khơi, thì cuối cùng, phương án đào mới 1 đoạn kênh dài 10km (kênh tắt) từ kênh Quan Chánh Bố hiệu hữu (thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh) nhằm mở đường mới thông ra biển được chọn, với số vốn hàng ngàn tỉ đồng.
Khi đó, nhiều nhà khoa học đã cảnh báo: cửa biển của con kênh mới có phải chịu cảnh bồi lắng như 9 cửa sông hiện hữu của ĐBSCL hay không? Bởi ĐBSCL là vùng đất trẻ chưa quá 10.000 năm tuổi, với diện tích khoảng 4 triệu héc-ta được hình thành từ những trầm tích phù sa và bồi dần qua những kỷ nguyên thay đổi mực nước biển.
Phó giáo sư Đào Công Tiến, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng chính phủ, cho rằng: “Sự bồi lắng này vẫn đang có dấu hiệu gia tăng”. Thực tế cho thấy, lâu nay ĐBSCL chỉ còn 8 cửa vì cửa Bát Thát đã bị bồi lắng. Ngay cả kênh Quan Chánh Bố trước khi đào kênh tắt, cửa biển cũng bồi lắng trầm trọng, khi nước kém người dân có thể ung dung lội qua.
Sơ đồ kênh tắt Quan Chánh Bố và cửa Định An - Ảnh: Bộ GTVT
Hàng năm có khoảng 150 triệu mét khối phù sa theo dòng Mêkông, tách theo 2 con sông Tiền và sông Hậu bồi lắng cả vùng ĐBSCL và phần còn lại chia theo các cửa đổ ra biển. Con kênh mới, dĩ nhiên sẽ tải một phần lượng phù sa này. Phù sa đến cửa biển, gặp nước mặn và dòng chất đáy (hình thành dưới tác động của sóng biển vỗ vào bờ), chúng sẽ ngưng kết thành bãi cạn cửa sông.
Nếu dòng sông chảy mạnh sẽ tạo thành bãi cạn hình móng ngựa, hoặc thành bãi cạn hình vành khăn nếu dòng chảy yếu. Dưới tác động của sóng gió thịnh hành và dòng chảy, thì tuyến luồng đi qua bãi cạn đó như 1 cái rãnh giữa bãi bồi, không thể nào giữ được độ sâu ổn định.
Và giờ, thực tế đã đúng như cảnh báo. Cửa biển của con kênh tắt, thậm chí phía trong kênh, đã bị bồi lắng dữ dội!
Khi lập dự án kênh tắt Quan Chánh Bố, ngay trong thuyết trình của các chuyên gia tư vấn, cũng nêu rất mơ hồ về khả năng sử dụng của con kênh: nạo vét duy tu trong luồng kênh mới hy vọng hiệu quả hơn là nạo vét tích luỹ hàng năm (ở cửa Định An); 20 năm mới nạo vét một lần nhưng chưa đi kèm những dẫn chứng thuyết phục.
“Xét về hiệu quả kinh tế, giả như toàn bộ các cảng trong sông Hậu phát huy hết công suất là 7 triệu tấn/năm nhờ kênh tắt thì hiệu quả vẫn không tương xứng với mức đầu tư khổng lồ như trên”, Phó giáo sư Đào Công Tiến phân tích. Và năm 2017, như đã nói, chỉ có 781 lượt tàu với lượng hàng hoá 1,8 triệu tấn và 13.000 TEUS thông qua tuyến kênh này!
Nhưng giờ, ngoài 250 tỉ đồng chuẩn bị nạo vét, và sắp tới khó tránh việc phải nạo vét tiếp, thì Bộ GTVT vẫn “hăng hái” xin đầu tư giai đoạn 2 cho dự án này với số vốn khoảng 3.000 tỉ đồng nữa. Nên nhớ, trước đây cửa Định An, mỗi năm chỉ tốn bình quân 10 tỉ đồng nạo vét, và vận hành trơn tru được 3-4 tháng mới bị bồi lắng trở lại. Và chuyện tàu trên dưới 10.000 tấn ra vào - y hệt như kênh tắt bây giờ!
Phải chấp nhận một thực tế là rất khó có cửa biển hoàn hảo để vào sông Hậu, sông Tiền, tức rất khó để tìm giải pháp thay thế cửa Định An. Bởi thiên nhiên đã mặc định vậy! Nhiều nhà khoa học trước đây đã đề xuất, chỉ có cách xây cảng nổi ngoài khơi, hoặc nghiên cứu xây dựng cảng nước sâu ở Sóc Trăng.
Mới đây, đã có nhà đầu tư nước ngoài xin bỏ vốn đầu tư xây dựng cảng nước sâu ở Sóc Trăng. Họ tự bỏ vốn, ngân sách không tốn gì, sao không xúc tiến làm mà cứ “hăng hái” rót vốn liên tục vào kênh tắt Quan Chánh Bố?
Hồ Hùng