Ông Trump từng nói điều tốt đẹp về Tim Cook và ép Apple sản xuất ở Mỹ
Thế giới số - Ngày đăng : 17:00, 17/07/2024
Ông Trump từng nói điều tốt đẹp về Tim Cook và ép Apple sản xuất ở Mỹ
Cựu Tổng thống Donald Trump đã có một số điều tốt đẹp để nói về Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook trong cuộc phỏng vấn gần đây với tạp chí Bloomberg Businessweek.
Cuộc phỏng vấn ông Trump diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, quận Palm Beach, bang Florida (Mỹ) vào cuối tháng 6 nhưng mới được công bố hôm 16.7.
Bloomberg Businessweek phỏng vấn ông Trump trước khi cựu Tổng thống Mỹ thoát chết sau vụ nổ súng hôm 13.7 tại buổi mít tinh ở hạt Butler (bang Pennsylvania, Mỹ).
Trong cuộc phỏng vấn do Bloomberg Businessweek thực hiện, Trump đã thảo luận về các giao dịch với Apple vào thời gian ông giữ chức Tổng thống Mỹ và nỗ lực đưa công việc sản xuất trở lại Mỹ. Ngoài ra, Trump đã đề cập đến một số khía cạnh của kinh doanh, công nghệ và việc tái tranh cử, gồm cả đề xuất giảm thuế suất doanh nghiệp xuống 15% và việc ông không muốn cấm TikTok nữa.
Trump kể lại lần tiếp xúc với Tim Cook vào năm 2019, khi ông công bố mức thuế 25% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Sau khi Bloomberg Businessweek đưa tin Apple đề nghị miễn thuế cho các linh kiện sản xuất tại Trung Quốc được sử dụng trong máy tính Mac Pro, ông Trump đã công khai bác bỏ ý kiến này.
“Apple sẽ không được miễn thuế hoặc giảm nhẹ thuế với các linh kiện của Mac Pro được sản xuất tại Trung Quốc. Hãy sản xuất chúng ở Mỹ, sẽ không có thuế!", ông Trump viết trong một bài đăng trên Twitter (nay là X).
Trump cho biết đã nhượng bộ sau khi Tim Cook liên hệ trực tiếp với ông để hẹn gặp. Cựu Tổng thống Mỹ nói rằng điều đó thật "ấn tượng" và bảo Giám đốc điều hành Apple hãy đến gặp mình.
Trước đây, Trump hứa sẽ đưa công việc sản xuất trở lại Mỹ nên đã yêu cầu Tim Cook mở rộng sản xuất trong nước.
Theo Bloomberg Businessweek, ông Trump nhớ lại: “Tim Cook nói với tôi: Tôi cần giúp đỡ, ông áp mức thuế 25% và 50% với các sản phẩm Apple nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều đó thực sự sẽ gây tổn hại cho hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Có khả năng quyết định đó sẽ phá hủy hoạt động kinh doanh của chúng tôi".
Trump cho biết ông đã đáp lại Tim Cook bằng cách nhấn mạnh rằng Apple phải sản xuất tại Mỹ.
“Tôi đã nói: Tôi sẽ làm điều gì đó cho các bạn, nhưng các bạn phải xây dựng ở đất nước này", ông Trump nói.
Bốn tháng sau, Apple thông báo đang bắt đầu xây dựng một khuôn viên ở thành phố Austin (bang Texas, Mỹ).
Bloomberg Businessweek lưu ý rằng kế hoạch xây dựng khuôn viên này đã được Apple công bố một năm trước đó và không chắc ông Trump tác động dẫn đến việc nhà sản xuất iPhone thực hiện việc này.
"Việc tạo ra Mac Pro, thiết bị mạnh nhất của Apple từ trước đến nay, tại Austin vừa là niềm tự hào vừa là minh chứng cho sức mạnh bền bỉ của sự sáng tạo của người Mỹ. Với việc xây dựng khuôn viên mới tại Austin đang được tiến hành, Apple làm sâu sắc thêm mối quan hệ gần gũi với thành phố, lực lượng lao động tài năng và đa dạng gọi đây là nhà. Chịu trách nhiệm cho 2,4 triệu việc làm tại Mỹ và còn tiếp tục tăng, Apple háo hức viết tiếp chương tiếp theo của chúng tôi tại đây và tiếp tục đóng góp vào câu chuyện đổi mới của Mỹ", Tim Cook nói trong một thông cáo báo chí thông báo về dự án này thời điểm đó.
Sau đó, Tim Cook đã tặng ông Trump chiếc Mac Pro trị giá 6.000 USD, một trong những chiếc đầu tiên được sản xuất tại nhà máy của Apple ở thành phố Austin, theo lời cựu Tổng thống Mỹ.
Trump hầu như duy trì mối quan hệ làm việc tốt đẹp với Tim Cook trong thời gian ông làm Tổng thống Mỹ. Thế nhưng, mối quan hệ giữa hai tỷ phú này không phải lúc nào cũng êm đẹp.
Tim Cook dường như đã giữ khoảng cách với ông Trump sau cuộc bạo loạn ở Điện Capitol vào ngày 6.1.2021 khiến 5 người thiệt mạng. Giám đốc điều hành Apple gọi cuộc bạo loạn này là "đáng buồn và đáng xấu hổ", cho rằng những người vi phạm pháp luật cần phải chịu tội.
Dù vậy, Trump từng gọi Tim Cook là "giám đốc điều hành tuyệt vời vì ông ấy gọi cho tôi và những người khác thì không" khi có vấn đề xảy ra.
"Những người khác thì thuê các nhà tư vấn rất đắt tiền. Tim Cook gọi trực tiếp cho Donald Trump", ông Trump nói vào năm 2019, trang CNBC đưa tin.
Ở một phần khác của cuộc phỏng vấn với Bloomberg Businessweek, ông Trump đã bỏ ý định trước đó rằng muốn cấm TikTok, nền tảng mạng xã hội thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc), vì điều đó sẽ mang lại sự khó khăn cho chủ sở hữu Facebook là Mark Zuckerberg.
Tài khoản ông Trump từng bị cấm vô thời hạn trên Facebook và Instagram sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6.1.2021.
"Giờ đây, tôi đang nghĩ về điều đó. Tôi ủng hộ TikTok, vì cần có sự cạnh tranh. Nếu không có TikTok mà chỉ có Facebook và Instagram, bạn biết đấy, đó là Mark Zuckerberg", ông Trump cho biết.
Ông Trump từng gọi TikTok (được 170 triệu người Mỹ sử dụng) là mối đe dọa an ninh quốc gia nhưng đã đăng ký tài khoản trên mạng xã hội video này vào tháng trước.
Từng chỉ trích Facebook và Instagram do Meta Platforms sở hữu vì chặn tài khoản của ông hai năm, Trump nói vào tháng 6 rằng ông sẽ không bao giờ ủng hộ lệnh cấm TikTok
TikTok từ chối bình luận. Thời còn là Tổng thống Mỹ, ông Trump đã cố gắng cấm TikTok và WeChat của công ty Tencent (Trung Quốc) vào năm 2020 nhưng động thái này đã bị tòa án chặn lại. Hồi tháng 6.2021, Tổng thống Joe Biden đã rút lại hàng loạt lệnh hành pháp thời chính quyền Trump nhằm cấm WeChat và TikTok.
Cuối tháng 4, ông Trump cho biết Tổng thống Biden đang thúc đẩy lệnh cấm TikTok và sẽ là người chịu trách nhiệm nếu lệnh này được áp dụng, đồng thời kêu gọi cử tri trẻ tuổi chú ý.
Ông Trump, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, cho biết trong một bài đăng trên nền tảng Truth Social của mình: “Biden sẽ chịu trách nhiệm về lệnh cấm TikTok. Ông ấy là người thúc đẩy việc đó và làm điều này để giúp bạn bè của ông ở Facebook trở nên giàu có hơn và chiếm ưu thế hơn”.
Cựu Tổng thống Mỹ sau đó kêu gọi các cử tri trẻ tuổi, chiếm một phần đáng kể trong cơ sở người dùng TikTok, xem xét quan điểm của ông Biden trong ngày bầu cử.
Đầu tháng 3, ông Trump cho biết TikTok là mối đe dọa an ninh quốc gia nhưng nói rằng lệnh cấm với ứng dụng video ngắn phổ biến này sẽ gây tổn hại cho một số trẻ nhỏ và chỉ làm tăng sức mạnh của Facebook mà ông từng chỉ trích mạnh mẽ.
"Tôi không muốn làm cho Facebook trở nên to lớn gấp đôi. Nếu bạn cấm TikTok thì Facebook và những công ty khác, nhưng chủ yếu là Facebook, sẽ được hưởng lợi lớn. Và tôi nghĩ Facebook đã rất không trung thực", ông Trump nói với trang CNBC.
Ông Trump hiện nắm giữ phần lớn cổ phần trong công ty truyền thông xã hội Trump Media and Technology Group, điều hành mạng xã hội Truth Social.
Trump Media and Technology Group có vốn hóa thị trường 7 tỉ USD dù doanh thu quý chỉ khoảng 770.000 USD, bằng hai cửa hàng Starbucks ở Mỹ.
Vào tháng 9, một tòa phúc thẩm Mỹ sẽ tổ chức phiên tranh luận bằng miệng về các thách thức pháp lý với luật mới yêu cầu ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok tại Mỹ trước ngày 19.1.2015 hoặc ứng dụng này phải đối mặt với lệnh cấm.
Số phận TikTok sẽ rõ ràng sau phiên điều trần trước Tòa Phúc thẩm tại quận Columbia vào giữa những tuần cuối cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024.
Được Tổng thống Biden ký vào ngày 24.4, luật này cho ByteDance thời hạn đến ngày 19.1.2025 để thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ hoặc phải đối mặt với lệnh cấm.
Do các nhà làm luật Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu người dùng TikTok ở Mỹ hoặc theo dõi họ bằng ứng dụng này, biện pháp nêu trên đã được Quốc hội thông qua với số phiếu áp đảo vào tháng 4, chỉ vài tuần sau khi dự luật được đưa ra.
Nhà Trắng cho biết muốn thấy quyền sở hữu của Trung Quốc trong TikTok chấm dứt vì lý do an ninh quốc gia, chứ không phải lệnh cấm ứng dụng này. Chiến dịch tái tranh cử của ông Biden đã tham gia TikTok vào tháng 2.