Nợ công vượt 5.000 tỉ đồng so với báo cáo

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 17:55, 21/05/2018

Theo báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước gửi đến kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 vừa khai mạc, dư nợ công đến ngày 31.12.2016 là 2,868 triệu tỉ đồng, tăng 5.012 tỉ đồng so với số báo cáo của Chính phủ, bằng 63,71% GDP.
Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016

Nợ công 2,8 triệu tỉ, tăng 5.000 tỉ so với báo cáo của Chính phủ

Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), dư nợ công đến ngày 31.12.2016 là 2,868 triệu tỉ đồng, tăng 5.012 tỉ đồng so với số báo cáo của Chính phủ, bằng 63,71% GDP nằm trong giới hạn cho phép của Quốc hội (65% GDP).

Tuy nhiên, nợ công tiếp tục gia tăng so với năm 2015, gần chạm ngưỡng được Quốc hội cho phép; hệ số thanh toán trả nợ là khá cao, tính cả đảo nợ là 20,6% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN), đang có xu hướng tăng lên, gây áp lực bố trí nguồn trả nợ của NSNN.

Cũng theo KTNN, công tác quản lý và thu tiền sử dụng đất đô thị còn nhiều bất cập. Điển hình là phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch của các dự án, vượt quá số tầng và chiều cao, giảm diện tích cây xanh…

“Đây là yếu tố cơ bản gây áp lực lớn tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là giao thông đô thị, y tế, giáo dục làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của cộng đồng dân cư”, báo cáo nêu.

Ngoài ra, phương pháp xác định giá đất hiện nay còn nhiều bất cập, không rõ ràng, vướng mắc trong quá trình thực hiện và là kẽ hở gây thất thoát NSNN.

Qua kết quả kiểm toán, đối chiếu 329 dự án, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 7.778 tỉ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi NSNN 3.856 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, thu NSNN năm 2016 mặc dù vượt dự toán 92.881 tỉ đồng nhưng tăng thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất 49.619 tỉ đồng và lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp 19.346 tỉ đồng. Như vậy vượt thu chỉ còn 23.916 tỉ đồng.

Một số bộ, ngành, địa phương lập, giao dự toán thu chưa đúng quy định; dự kiến chưa đầy đủ, bao quát hết nguồn thu trên địa bàn; chưa đảm bảo mức phấn đấu tăng thu bình quân tối thiểu 15% theo quy định...

KTNN xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 19.109 tỉ đồng, trong đó: Sabeco 2.668 tỉ đồng; Habeco 1.852 tỉ đồng; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam 1.753 tỉ đồng…

Các dự án BT tạo lỗ hổng gây thất thoát tài sản công

Việc thực hiện dự án BT theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng còn thiếu chặt chẽ, minh bạch, chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng tạo lỗ hổng để thất thoát ngân sách và tài sản công.

Qua kiểm toán các dự án BT trong năm 2017 cho thấy hầu hết đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư; thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất không thông qua hình thức đấu giá là vi phạm Luật Đất đai và là kẽ hở do định giá thấp hơn giá thị trường dẫn đến thất thoát NSNN.

Việc giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán và tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát; công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao dẫn đến để xảy ra sai sót ở tất cả các khâu, gây thất thoát lớn trong quá trình thực hiện dự án.

Qua kiểm toán tại 30 dự án BT từ trước đến nay, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỉ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án được kiểm toán.

Bên cạnh đó, qua kiểm toán 40 dự án đầu tư theo hình thức BOT, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.467 tỉ đồng (năm 2016 trở về trước, KTNN đã kiến nghị giảm 107,4 năm của 27 dự án).

Đồng thời, qua kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, KTNN đã xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước 9.639 tỉ đồng, trong đó kiểm toán toàn diện 7 doanh nghiệp xác định tăng 9.140 tỉ đồng và rà soát báo cáo của 7 doanh nghiệp tăng 499 tỉ đồng.

Nhiều sai phạm trong quản lý chi ngân sách nhà nước

Về lập và giao dự toán chi đầu tư, Bộ Tài chính đã giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2016 nguồn ngân sách nhà nước 3 lần (năm 2015 là 11 lần) sau ngày 20.12.2015 không đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Bộ đã giao vốn cho 967 dự án khởi công mới, bằng 17,44% tổng số dự án được giao (5.545 dự án), trong khi còn 37 dự án hoàn thành, bàn giao trước ngày 31.12.2015 và 6 dự án dự kiến hoàn thành năm 2016 không được giao đủ vốn.

Bộ KH-ĐT giao kế hoạch vốn cho 4 dự án đường cao tốc của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) 3.866 tỉ đồng để chuyển đổi vốn vay ODA từ hình thức Nhà nước cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp theo Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 8.11.2013 của Thủ tướng Chính phủ song chưa có nghị quyết chấp thuận của Quốc hội, UBTVQH.

KTNN nêu rõ vẫn còn tình trạng các bộ, ngành và địa phương phân bổ kế hoạch vốn chưa sát thực tế dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp; bố trí vốn khi chưa đủ điều kiện, sai nội dung nguồn vốn đầu tư, không tuân thủ thứ tự ưu tiên, không phân bổ hết ngay từ đầu năm, trong đó: TP.Hải Phòng 4.244 tỉ đồng; TP.HCM 3.493 tỉ đồng; tỉnh Quảng Nam 3.266 tỉ đồng…

Ngoài ra, dự kiến vốn ngoài nước cần bổ sung thêm 109.630 tỉ đồng (phát sinh nhưng không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn khoảng 72.680 tỉ đồng; giải ngân cao hơn dự toán trung hạn 36.950 tỉ đồng) dẫn đến vi phạm hạn mức vốn 300.000 tỉ đồng (bao gồm 10% dự phòng) đã được Quốc hội thông qua giai đoạn 2016-2020.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn còn giao 22.010 tỉ đồng cho 4 dự án VEC chưa tuân thủ nghị quyết của Quốc hội, Bộ Chính trị.

Về lập và giao dự toán chi thường xuyên, Bộ Tài chính giao dự toán cho một số bộ, cơ quan trung ương sau thời điểm 31.12.2016; giao kinh phí thường xuyên cho các đơn vị thực hiện theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP không phù hợp.

Ngoài ra vẫn còn tình trạng các bộ ngành và địa phương phân bổ dự toán vượt định mức hoặc ngoài định mức; hỗ trợ kinh phí không đúng quy định; giao dự toán cao hơn chỉ tiêu biên chế được trung ương giao hoặc giao hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế được giao làm tăng chi NSNN...

Qua kiểm toán 1.497 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 10.125 tỉ đồng. Một số dự án của các tập đoàn, tổng công ty có hiệu quả đầu tư thấp do trữ lượng không đạt như khảo sát, giá sản phẩm tiêu thụ giảm mạnh hoặc đang thua lỗ lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn. Cá biệt, Tập đoàn TKV đã áp dụng lựa chọn nhà thầu không đúng quy định và ký hợp đồng vượt giá gói thầu.

Việc chấp hành quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức tại một số đơn vị được kiểm toán còn thiếu chặt chẽ; một số bộ, ngành, địa phương sử dụng sai nguồn kinh phí 1.952 tỉ đồng; chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi 121 tỉ đồng...

KTNN đã kiến nghị thu hồi, nộp NSNN, giảm thanh toán, dự toán năm sau 882 tỉ đồng.

Lam Thanh