Thêm ưu đãi thuế cho đặc khu, Việt Nam chưa chắc được EU đánh giá cao

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 05:41, 04/06/2018

Ưu đãi thuế không phải là điều khiến doanh nghiệp quyết định đầu tư vào Việt Nam, mà cái họ quan tâm là sự ổn định chính sách, sự thông thoáng về môi trường đầu tư, kinh doanh, chất lượng của nhân lực… “, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nói.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) - Ảnh: VTV

Không cần thiết ưu đãi

Dự thảo luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đưa ra nhiều ưu đãi về thuế đối với các nhà đầu tư, ví dụ như dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, đặt cược được áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 15% trong thời hạn 10 năm kể từ khi có doanh thu từ dịch vụ; giảm thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm đầu và 50% trong các năm tiếp theo; miễn 100% tiền thuê đất, thuê mặt nước tại đặc khu trong thời gian từ 20 - 30 năm tùy từng dự án; miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu và 50% trong 9 năm tiếp theo…

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc ưu đãi thuế ở các đặc khu sẽ “lợi bất cập hại” và không cần thiết.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng đáng lẽ Việt Nam phải xây dựng đặc khu từ 20 năm trước, còn bây giờ mới thực hiện thì đã muộn. Lý do là hiện nay, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, là quốc gia ký các hiệp định thương mại thuộc loại nhiều nhất và nhanh nhất thế giới.

Ông Thịnh đánh giá những ưu đãi thuế trong dự thảo luật là không cần thiết. “EU xếp 17 nước trong danh sách đen về thiên đường thuế và hơn 40 nước thuộc danh sách xám, trong đó có Việt Nam”. Một trong những lý do mà họ xếp Việt Nam vào danh sách này là Việt Nam có những ưu đãi vươt khung như các khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu… Nếu ưu đãi hơn nữa thì thế giới xếp chúng ta vào thiên đường thuế và sẽ có phân biệt đối xử”.

Bên cạnh đó, ông Thịnh cho hay, lợi nhuận doanh nghiệp FDI tạo ra gần 50% nhưng chỉ đóng thuế ở mức 26%, trong khi khu vực tư nhân đóng tới 46%. “30 năm thu hút đầu tư nhưng chưa đánh giá việc ưu đãi thuế tạo ra lực hút thế nào đối với các nhà đầu tư nước ngoài, bao nhiêu lợi ích với nền kinh tế. Bây giờ nếu tiếp tục ưu đãi hơn nữa với các đặc khu thì cần phải xem xét lại”, ông Thịnh nêu.

Ông Thịnh cũng không đồng tình với việc đầu tư vào đặc khu nguồn vốn 1,5 triệu tỉ đồng trong khi ngân sách đang thâm thủng. “Chúng ta cũng không nên bỏ ra một số tiền lớn như vậy, nó không đáng. Bỏ ra thì phải tính thu lại nhiều hơn, nhưng đầu tư nhiều, ưu đãi lớn thì liệu có thu được gì không”.

Theo chuyên gia này, bản thân những ngành như casino, bất động sản vốn đã hút vốn, không cần ưu đãi. Vân Đồn đã công bố thu hút được 100.000 tỉ rồi, dù chưa có ưu đãi. “Đừng có làm những việc nó không đáng làm, chi mà không đáng chi. Nếu không ưu đãi thì thu thêm được một số tiền nữa”.

Thuế không phải yếu tố để DN quyết định đầu tư

Ông Đinh Trọng Thịnh cho biết, Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức lấy ý kiến vào năm 2014 và 85% doanh nghiệp được hỏi thì trả lời rằng ưu tiên thuế không phải là điều khiến họ quyết định đầu tư vào Việt Nam, mà cái họ quan tâm là sự ổn định chính sách, sự thông thoáng về môi trường đầu tư, kinh doanh, chất lượng của nhân lực…

“Vậy việc gì chúng ta phải cố tạo ra ưu đãi về thuế cao hơn như vậy? Chỉ cần giữ mức như hiện nay là ưu đãi rồi, không cần ưu đãi hơn nữa”, ông Thịnh cho hay.

Theo báo cáo của Oxfam, chính sách ưu đãi và miễn giảm thuế của Việt Nam cho các doanh nghiệp và dự án lớn chưa mang lại hiệu quả, tác động kinh tế như mong đợi, trong khi đó lại tạo ra sự thất thu về ngân sách, cũng như các tác động tiêu cực về môi trường và xã hội.

Từ góc độ công bằng thuế, Oxfam khuyến nghị Quốc hội và Chính phủ cẩn trọng xem xét lại các chính sách ưu đãi thuế (từ điều 40 đến điều 43) của dự thảo luật đặc khu lần này. Lý do là các chính sách ưu đãi thuế trong dự thảo là không cần thiết vì các lĩnh vực ưu đãi không có gì mới so với các luật khác.

“Các ngành công nghiệp nằm trong đề xuất ưu tiên của các đặc khu gần như trùng lặp với các ngành ưu tiên của các khu công nghệ cao và các khu kinh tế khác đã triển khai”, Oxfam nêu.

Ưu đãi thuế của Việt Nam vốn đã khá cao so với một số nước trong khu vực. Chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam lớn và dàn trải. Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế dài hơn và có phạm vi rộng hơn một số nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, ba ngành mới là casino, nghỉ dưỡng, bất động sản thì vốn đã thu hút sẵn đầu tư khi chưa có luật đặc khu. Hiện nay Vân Đồn đã thu hút được 100.000 tỉ đồng.

Đối tượng mới khác được hưởng ưu đãi thuế trong dự thảo là lĩnh vực nghiên cứu phát triển, các doanh nghiệp khởi nghiệp và các trung tâm nghiên cứu sáng tạo có đặc thù là kết quả kinh doanh không ổn định. Do vậy, việc được miễn thuế trong ngắn hạn có thể cũng không mang lại nhiều lợi ích cho nhóm nhà đầu tư này.

Cùng với đó, các chính sách ưu đãi thuế có thể làm trầm trọng hóa vấn đề thất thu thuế từ hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp. Các nước đang phát triển (bao gồm Việt Nam) đang bị thất thu 100 tỉ USD hằng năm do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia.

Oxfam lo ngại rằng chính sách ưu đãi thuế trong dự thảo luật sẽ tạo ra một vùng trũng về thuế ngay trong chính Việt Nam, không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đa quốc gia chuyển giá, mà chính các doanh nghiệp Việt Nam có thể né thuế bằng cách chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp nằm ngoài đặc khu kinh tế sang các doanh nghiệp ở trong đặc khu.

Ngoài ra, chi phí quản lý thuế và hải quan cũng sẽ tăng lên, đặc biệt là ở các đặc khu có địa giới hành chính liền kề với với các khu vực không được áp dụng ưu đãi. Hơn nữa, các chính sách ưu đãi được đề xuất trong dự thảo luật đều là những ưu đãi dựa trên lợi nhuận (profit-based incentive) mà nhiều quốc gia đang phát triển đã không sử dụng nữa.

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai, đề nghị bỏ quy định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với một số dịch vụ đặc biệt như kinh doanh casino, đặt cược, trò chơi điện tử… Không phải mức giảm ít hay nhiều mà bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt là gánh trên mình nhiệm vụ điều tiết tiêu dùng, định hướng tiêu dùng, chúng ta chỉ áp dụng theo lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhiều nước trên thế giới không áp dụng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt. Để phù hợp thông lệ quốc tế, nên bỏ quy định miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tương tự, với thuế thu thập cá nhân, bà Mai cho rằng việc khuyến khích là cần thiết. Tuy nhiên, đặt ra vấn đề miễn thuế thu nhập cá nhân cũng là chưa phù hợp vì "bản chất của thuế thu nhập cá nhân là có thu nhập thì phải chịu thuế". Do đó, bà hướng theo phương án giảm 50% thuế với các nhà quản lý, chuyên gia trình độ chuyên môn cao…

Lam Thanh