Đề xuất công khai ngân sách 'hao hụt' bao nhiêu vì ưu đãi thuế
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 07:21, 10/07/2018
Vấn đề trên được Bộ Tài chính đưa ra trực tiếp tại dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi vừa được Bộ này công bố lấy ý kiến. Bộ Tài chính cho biết hiện nay, tại các Luật quản lý thuế, Luật thuế và Luật ngân sách nhà nước chưa có quy định về nội dung chi phí thuế. Nhưng tại Luật Đầu tư và các Luật thuế hiện hành hiện đã có khá nhiều quy định về ưu đãi thuế nhằm thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện ưu đãi về lĩnh vực, địa bàn và lao động...
Về bản chất, Bộ Tài chính cho biết chi phí thuế là phần thu ngân sách mất đi khi thực hiện các ưu đãi thuế. Dưới góc nhìn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chi phí thuế bao gồm các hình thức như: Nguồn thu nhập được giảm trừ từ cơ sở tính thuế, giảm trừ thuế hoặc giảm trừ nghĩa vụ thuế, thuế suất ưu đãi, thuế suất thấp cho một nhóm đối tượng được ưu đãi thuế hoặc các hoạt động kinh doanh được ưu đãi thuế...
Trên một phương diện khác, có thể hiểu chi phí thuế là chi ngân sách qua thuế, đó là số giảm thu ngân sách do chính sách đối xử khác nhau hoặc ưu đãi đối với ngành, hoạt động, khu vực hay cá nhân.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ở nhiều nước phát triển, Chính phủ đã phải có báo cáo về chi ngân sách qua thuế cùng với báo cáo ngân sách tổng thể. Ban đầu là Đức, Mỹ, sau đó là một loạt nước như Úc, Canada, Pháp, Tây Ban Nha... Theo Bộ Tài chính, trong thời gian gần đây, hầu như tất cả các quốc gia thuộc OECD đều xây dựng báo cáo chi phí thuế.
Ở châu Á, Pakistan cũng đã công bố báo cáo chi phí thuế 2014 - 2015 một cách khá minh bạch về các khoản ưu đãi đối với thuế thu nhập, thuế hải quan, thuế bán hàng và các loại thuế khác. Thái Lan gần đây cũng đã bắt đầu tiến hành việc thực hiện báo cáo về chi phí thuế.
Tại Mỹ Latin, Brazil là một trong những nước đầu tiên công bố báo cáo báo cáo chi phí thuế đầu tiên vào năm 1989. Sau đó Argentina công bố báo cáo chi phí thuế vào năm 1999. Chile, Colombia, Guatemala, Mexico và Peru bắt đầu thực hiện đo lường khoản chi phí thuế một cách có hệ thống vào giai đoạn năm 2000 - 2005.
Bộ Tài chính nhìn nhận mục đích chính của việc báo cáo chi phí thuế là đánh giá, thúc đẩy và hỗ trợ cho việc tranh luận công khai, minh bạch trong cải cách và xây dựng hệ thống thuế. Theo đó, Bộ này cho rằng cần thiết phải bổ sung quy định về chi phí thuế để tăng cường tính minh bạch của việc thu - chi ngân sách nhà nước, làm cơ sở quan trọng để đánh giá hiệu quả các chính sách ưu đãi thuế. Đồng thời bổ sung quy định ban đầu về việc tính toán, công bố chi phí thuế của nhà nước tại Luật quản lý thuế.
Theo Bộ Tài chính, con số thất thu thuế năm 2016 do các ưu đãi thuế (bao gồm cả phí, lệ phí, tiền thuê mặt đất và mặt nước) ước tính 64.000 tỉ đồng, tương đương với 5,8% tổng thu ngân sách, 33% tổng chi thường xuyên cho giáo dục và đào tạo, và 84% chi thường xuyên cho y tế. Con số thất thu này chủ yếu từ ưu đãi thuế khu vực FDI.
Báo cáo Công bằng Thuế Việt Nam 2017 ước tính, khu vực FDI đang nhận được tổng ưu đãi tới 91,9% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
Điều bất cập ở đây theo giới chuyên gia là trước khi đưa ra các điều khoản ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, các cơ quan chức năng không có báo cáo đánh giá về lợi ích và chi phí từ việc ưu đãi này.
Cơ chế tự khai, tự nộp, người nộp thuế tự xác định mức thuế mình phải nộp đã phát sinh tình trạng doanh nghiệp, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp FDI gian lận từ khâu lập hồ sơ (cố tình đưa vào các điều kiện để đươc miễn thuế). Trong khi, tỷ lệ phát hiện sai phạm được nhiều chuyên gia cho là nhỏ rất nhiều so với con số thực tế. Vì tỷ lệ thanh tra thuế hàng năm chỉ chiếm khoảng 5% tổng số người nộp thuế.
Tuyết Nhung