Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua lời kể của những người đồng nghiệp

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:46, 20/07/2024

13 giờ 38 phút ngày 19.7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng ta đã ra đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng bào, chiến sĩ cả nước.
Theo dòng thời sự

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua lời kể của những người đồng nghiệp

TTXVN 20/07/2024 17:46

13 giờ 38 phút ngày 19.7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng ta đã ra đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Với 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, con người của Tổng bí thư là hình mẫu về đạo đức cách mạng khiêm tốn, giản dị, gần gũi với đồng chí, với nhân dân.

Chú thích ảnh
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc các buôn, thôn của xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, sáng 11.11.2018 - Ảnh: TTXVN

Gần gũi với nhân dân

Nhắc tới Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định: “Đó là người thầy, người thủ trưởng, người anh của tôi. Tôi vào nghề báo được sự dẫn dắt, chỉ bảo của Tổng bí thư, lúc bấy giờ là Phó vụ trưởng Vụ Xây dựng Đảng của Tạp chí Cộng sản. Trong suốt quá trình làm việc và học tập, tôi luôn nhận được sự yêu thương, trìu mến từ người thầy, người anh, đồng thời là thủ trưởng”.

Trong suốt 40 năm làm báo chuyên nghiệp, nhà báo Nhị Lê rất vinh dự luôn nhận được sự gửi gắm, tin cậy của Tổng bí thư. Đặc biệt là tình cảm của Tổng bí thư đối với cơ quan lý luận về chính trị của Trung ương Đảng, nơi Tổng bí thư có 29 năm 8 tháng công tác. Mỗi lần về thăm Tạp chí, Tổng bí thư luôn căn dặn Tạp chí Cộng sản hãy xứng đáng với truyền thống của mình, xứng đáng với Đảng, xứng đáng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã sáng lập ra Tạp chí Cộng sản hiện nay.

“Qua mỗi lần được làm việc với Tổng bí thư, Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản nói chung, cá nhân tôi nói riêng luôn nhận được sự động viên, khích lệ, cũng có thể là giao nhiệm vụ cho chúng tôi trong việc xây dựng Tạp chí Cộng sản một cách toàn diện, xứng đáng là ngọn cờ tư tưởng, lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam”, nhà báo Nhị Lê nhấn mạnh.

Chia sẻ về những kỷ niệm khi cùng công tác với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Tạp chí Cộng sản, nhà báo Nhị Lê cho biết, khi chế độ Xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu tan rã, ngay trong bản thân Tạp chí có ý kiến đề nghị đổi tên Tạp chí Cộng sản trở về với tên gọi cũ là Tạp chí Học tập.

Lúc đó, với cương vị là Tổng biên tập, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hết sức kiên quyết cho rằng, dù có thế nào đi chăng nữa, Tạp chí Cộng sản vẫn nguyên vẹn là cơ quan lý luận về chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những ngọn cờ đầu về lý luận, chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho nên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng quyết định không đổi tên Tạp chí Cộng sản trở về với tên gọi Tạp chí Học tập.

“Tôi cứ nghĩ mãi, phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” hết sức độc lập, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Tổng bí thư tiếp nối và xác quyết những vấn đề quan trọng của cơ quan lý luận về chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”, nhà báo Nhị Lê chia sẻ.

Nhà báo Nhị Lê cũng nhớ mãi chuyến công tác về Văn Chấn (Yên Bái) cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - khi đó là Phó Vụ trưởng Vụ Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản vào tháng 12.1986. Lúc đó là mùa đông, rất buốt rét. “Tổng bí thư chỉ vào đôi chân trần của những cháu học sinh đến trường rồi quay sang hỏi tôi “Em nghĩ gì?”. Tôi thưa lại với Tổng bí thư rằng hôm nay là khai mạc Đại hội lần thứ 6, Đại hội đổi mới của Đảng ta, em kỳ vọng cuộc đổi mới sẽ làm cho những đôi chân trần kia có đôi dép để đi tới lớp những ngày đông giá rét. Lúc này, tôi nhìn thấy trên gương mặt của đồng chí Nguyễn Phú Trọng có hai giọt nước mắt. Đấy là hình ảnh mà tôi nhớ mãi cho đến tận bây giờ”, nhà báo Nhị Lê xúc động nhớ lại.

Qua gần 40 năm đổi mới, những thành tựu của đất nước đã gặt hái được rất quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. “Cách đây ít lâu, nhắc lại chuyện đó với Tổng bí thư, tôi nói với Tổng bí thư mình đã trở lại Lai Châu, Yên Bái, trở lại thăm Văn Chấn và thấy điều ước nguyện lúc bấy giờ đã trở thành hiện thực. Những đứa trẻ không đi chân đất đến trường nữa”, nhà báo Nhị Lê cho biết. Việc rất nhỏ như vậy nhưng nói thay tất cả suy nghĩ, khát vọng, hành động của Tổng bí thư suốt mấy chục năm qua. Đó cũng là một trong những thành quả quan trọng đem lại hạnh phúc cho nhân dân, là cơm ăn, áo mặc, là đôi dép cho những đôi chân trần ngày xưa của các cháu giữa mùa đông giá rét.

“Tổng bí thư là Tư lệnh của lòng dân, là sự kết tinh phẩm giá, nhân cách của Đảng. Tổng bí thư là sự hiện thân của hòa bình, thống nhất và tiến bộ, cùng với đất nước Việt Nam góp phần xây dựng một thế giới tiến bộ, văn minh và đạo đức”, nhà báo Nhị Lê khẳng định.

Tầm tư duy lớn, chiến lược

Chú thích ảnh
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi nhân dân xóm Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, tháng 5.2017 - Ảnh: TTXVN

Là người chuyên nghiên cứu về Đảng nên Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) có tình cảm đặc biệt với các thế hệ lãnh đạo của Đảng, trong đó có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn khi nghe tin Tổng bí thư ra đi, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, ở thời điểm lịch sử này, Tổng bí thư là niềm tin của toàn Đảng, toàn dân ta. Người dân, cán bộ, đảng viên dành tất cả sự kính trọng, quý mến và cả biết ơn đối với Tổng bí thư.

Chia sẻ về kỷ niệm sâu sắc nhất của mình đối với Tổng bí thư, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc nhớ lại thời điểm Tổng bí thư làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương từ năm 2001 - 2006 và ông được tham gia là thành viên của Hội đồng. “Qua làm việc, tôi cảm nhận được Tổng bí thư là một con người có tầm tư duy lớn, tư duy chiến lược nhưng đồng thời lại hướng vào xử lý và giải quyết những vấn đề cụ thể của đất nước khi nghiên cứu lý luận”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc khẳng định.

Việc nghiên cứu lý luận để xử lý những vấn đề thực tiễn của đất nước, nhất là lúc đó bắt đầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tất cả đều đặt ra những vấn đề cấp thiết cần giải quyết.

Sau này, tiếp xúc trong công việc hay trong đời sống cá nhân, ông luôn cảm thấy con người của Tổng bí thư là hình mẫu về đạo đức cách mạng khiêm tốn, giản dị, gần gũi với đồng chí, đồng sự, gần gũi với nhân dân, có tình thương yêu rất sâu sắc với mọi người. Đó là ấn tượng sâu sắc nhất và đến hôm nay, ấn tượng đó vẫn giữ nguyên trong lòng Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc.

Với 57 năm tuổi Đảng, 30 năm làm Ủy viên Trung ương Đảng, 27 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, 13 năm làm Tổng bí thư, bề dày công tác đó thể hiện Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm. Trải qua nhiều chức vụ từ cơ sở rồi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội 2 khóa, Chủ tịch nước, Tổng bí thư, ông luôn dồn hết sức lực, trí tuệ của mình phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, trên cương vị người đứng đầu Đảng ta, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hết sức coi trọng lý luận, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới. Ở Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa một chính khách, một nhà lãnh đạo với một nhà lý luận, một nhà khoa học. Tổng bí thư quyết đoán trong lãnh đạo nhưng đồng thời lại biết lắng nghe các cộng sự, lắng nghe cấp dưới, lắng nghe tiếng nói của nhân dân. Đây cũng là phẩm chất cao quý của người lãnh đạo.

Một điểm đặc biệt nữa là Tổng bí thư luôn nhắc nhở phải học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ và chính ông là người học tập theo tấm gương của Bác rõ nhất. Tổng bí thư luôn khiêm tốn, giản dị, lắng nghe, thương yêu mọi người, quyết đoán nhưng rất tình cảm. Tổng bí thư cũng rất quyết liệt trong đấu tranh chống những sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong Đảng, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

TTXVN