Họ hàng của ông Trịnh Văn Quyết khai chỉ cho mượn giấy tờ, ‘không hưởng lợi’
Sự kiện - Ngày đăng : 19:45, 22/07/2024
Họ hàng của ông Trịnh Văn Quyết khai chỉ cho mượn giấy tờ, ‘không hưởng lợi’
Nhiều bị cáo là họ hàng của ông Trịnh Văn Quyết khai rằng họ chỉ cho mượn giấy tờ tùy thân; không được hưởng lợi.
Chiều 22.7, phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo trong vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và các đơn vị liên quan đã bước sang phần xét hỏi.
Trong đó, có nhiều bị cáo là người thân, anh em, cháu… của bị cáo Trịnh Văn Quyết. Họ đều thừa nhận tội danh bị truy tố.
Trước bục khai báo, bị cáo Trịnh Văn Đại (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Faros, anh họ của ông Quyết) cho biết bản thân có ký nhiều giấy tờ liên quan đến hoạt động của Công ty Faros, nhưng bị cáo chỉ ký khi bị cáo Trịnh Thị Minh Huế nhờ.
Theo lời khai của Đại, khi ký các văn bản, bị cáo nghĩ đó là việc của công ty; đến nay cũng không nhớ đã ký bao nhiêu tài khoản chứng khoán của FLC vì tất cả các tài khoản bị cáo ký đều do Trịnh Thị Minh Huế sử dụng và quản lý.
Bị cáo Đại nhấn mạnh bản thân không được hưởng lợi gì từ những tài khoản chứng khoán ấy, đồng thời thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng.
Trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Trịnh Tuân (cựu Giám đốc Công ty FLC Land, là cháu họ của ông Quyết) trình bày rằng bị cáo vào làm từ 2009 với vị trí nhân viên vật tư, đến năm 2020 là trưởng phòng vật tư chuyên tìm nhà cung cấp cho FLC. Bị cáo Tuân khai bản thân không phải là cổ đông Công ty Faros, không góp vốn.
Nhưng sau khi làm việc với CQĐT, Tuân mới nhớ có ký hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền mua cổ phần trị giá 15 tỉ đồng và một số chứng từ chưa có nội dung. Đến lúc này mới biết bị cáo có góp vốn vào Công ty Faros.
Ông Tuân khai được bà Trịnh Thị Minh Huế nhờ nên cho mượn giấy tờ tùy thân để thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán và nghĩ "ký chứng từ là để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty".
Cũng trong phiên xét hỏi chiều nay, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Dung khai rằng gia đình bị cáo là thông gia với gia đình ông Quyết. Bà Dung trình bày bản thân làm thợ may tại nhà, không phải cổ đông, không góp vốn, không cho Công ty Faros vay tiền. Tuy nhiên, do được nhờ nên bà Dung đã ký các hợp đồng theo lời đề nghị của bị cáo Huế và không được hưởng lợi gì.
Cũng như các bị cáo nói trên, bà Dung thừa nhận có cho mượn CMND để mở tài khoản nhưng không nhớ bao nhiêu tài khoản. “Tài khoản do bị cáo Huế quản lý sử dụng, bị cáo không sử dụng cũng không biết tài khoản”, bà Dung trình bày.
Ngoài ra, lời khai của những bị cáo khác được HĐXX tiến hành xét hỏi vào chiều 22.7 cũng thể hiện việc họ không góp vốn, không phải cổ đông Công ty Faros nhưng được nhờ đứng tên khi Faros tăng vốn điều lệ. Vì thế, họ bị truy cứu về hành vi giúp sức ở tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua việc niêm yết và bán cổ phiếu ROS của Công ty Faros.
Những người này còn cho mượn giấy tờ cá nhân theo đề nghị của bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Trịnh Văn Quyết) để mở các tài khoản chứng khoán, đứng tên pháp nhân phục vụ cho chuỗi hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Theo cáo buộc, từ tháng 5.2017 đến tháng 1.2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái cùng đồng phạm mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng.
Các bị cáo sau đó thực hiện chuỗi hành vi thao túng thị trường đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Sau khi giá cổ phiếu tăng, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, thu lợi bất chính hơn 723 tỉ đồng.
Ngoài ra, từ năm 2014 đến tháng 9.2016, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS), các công ty thuộc Tập đoàn FLC và người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, để thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn, qua đó nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng.
Tiếp đó, các bị cáo tạo lập hồ sơ, đề nghị chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống của Công ty Faros.
Niêm yết cổ phiếu thành công, Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu Công ty Faros, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của nhà đầu tư.