Hà Nội phát lệnh báo động lũ các sông Bùi, Tích, Nhuệ, Đáy
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:59, 24/07/2024
Hà Nội phát lệnh báo động lũ các sông Bùi, Tích, Nhuệ, Đáy
Ngày 24.7, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội cho biết TP đã phát lệnh báo động lũ và đề nghị các địa phương tập trung ứng phó.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP, vào lúc 7 giờ 50 ngày 24.7, mực nước sông Bùi tại trạm thủy văn Yên Duyệt là 7,02m, trên mức báo động 3 là 0,2m; lúc 6 giờ 45 ngày 24.7, mực nước sông Nhuệ tại cống Đồng Quan được ghi nhận 4m, ngang với mức báo động 1.
Mưa lớn kéo dài khiến mực nước sông Đáy tại trạm thủy văn Ba Thá vào lúc 4 giờ ngày 24.7 đã lên 5,51m, cao hơn so với mức báo động 1; mực nước sông Nhuệ tại trạm thủy văn Kim Quan (huyện Thạch Thất) và Vĩnh Phúc (huyện Quốc Oai) cũng vượt báo động 2.
Căn cứ quy định về phát lệnh cảnh báo lũ, sáng 24.7, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP đã ban hành lệnh báo động lũ trên sông Bùi tại địa phận các xã ven đê thuộc hai huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức.
Ban Chỉ huy đề nghị các địa phương có xã ven các sông Bùi, Tích, Nhuệ, Đáy tập trung triển khai nghiêm túc những quy định khi có báo động lũ cấp 1, 2, 3; báo cáo thường xuyên về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo để có chỉ đạo ứng phó kịp thời.
Liên quan đến tình hình mưa lũ, theo báo cáo của UBND huyện Quốc Oai, trên địa bàn huyện có một người dân bị nước cuốn trôi gây tử vong trên đường đi làm về. Sự việc xảy ra vào chiều 23.7, do mưa lớn trên diện rộng, các ngầm qua suối ở xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) dâng cao. Vào thời điểm đó, nam công nhân sinh năm 1968 hộ khẩu thường trú tại xã Hòa Thạch (huyện Quốc Oai) trên đường đi làm về qua ngầm Vai Trại, thôn Lập Thành (xã Đông Xuân) đã bị lũ cuốn trôi, tử vong.
Tính đến sáng 24.7, mưa lớn đã gây ngập úng hơn 872ha lúa, rau màu, cây ăn quả trên địa bàn các xã Cấn Hữu, Hòa Thạch, Phú Cát, Tuyết Nghĩa, Liệp Tuyết, Sài Sơn, Phượng Cách (huyện Quốc Oai). Hiện huyện tập trung vận hành các trạm bơm tiêu chống úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh...
Theo báo cáo của huyện Phúc Thọ, tính đến 8 giờ sáng 24.7, khoảng 112ha diện tích cây trồng, bao gồm 102ha lúa và 10ha rau màu trên địa bàn bị ngập sâu. Trong đó, các xã Hát Môn bị ngập 55ha lúa, Trạch Mỹ Lộc 20ha lúa, Tích Giang 20ha lúc, Thọ Lộc 5ha lúa, Thanh Đa 2ha lúa; diện tích rau màu bị ngập tập trung chủ yếu ở Thanh Đa với 10ha.
UBND huyện đã chỉ đạo lực lượng tổ chức khơi thông dòng chảy, thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình mưa, ngập úng và các sự cố trên địa bàn để xử lý, báo cáo kịp thời tình huống xảy ra, phân công cán bộ thường trực 24/24 giờ để báo cáo kịp thời tình hình về UBND huyện.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, cả ngày hôm qua đến sáng 24.7, nhiều tuyến đường tại Hà Nội ngập sâu trong nước. Tổng lượng mưa đo được thời điểm 6 giờ ngày 24.7 tại quận Hà Đông lên tới gần 300mm; Hoàng Mai trên 260mm và nhiều quận đều trên 200mm.
Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết tổng lượng mưa đo được đến thời điểm 6 giờ sáng 24.7 tại các quận: Hà Đông 295,8mm; Hoàng Mai 266,3mm; Nam Từ Liêm 212,2mm; Thanh Xuân 202,4mm; Hai Bà Trưng 190,4mm; Long Biên 171,8mm; Hoàn Kiếm 167,6mm; Cầu Giấy 161,3mm; Đống Đa 151,1mm...
Tại khu vực ngoại thành, lượng mưa lớn nhất đo được trên địa bàn Quốc Oai là 274,1mm; Thanh Oai 256,4mm; Thanh Trì 222,5mm; Đông Anh 215,7mm; Ứng Hòa 205,1mm; Đan Phượng 180,4mm; Gia Lâm 175,3mm...
Do mực nước tại các sông, hồ dâng cao, như hồ Trúc Bạch 6,38m; hồ Tây (tại cửa xả Hồ Tây A) 6,11m; hồ Văn Quán 5,69m; sông Tô Lịch (tại đập Thanh Liệt) 5,58m... nên sáng nay nhiều điểm trên địa bàn TP ngập sâu trong nước.
Cụ thể, khu vực các tuyến đường Đàm Quang Trung, Cổ Linh, Ngọc Lâm, Hoa Lâm, Vũ Xuân Thiều (quận Long Biên) ngập trung bình 20-25cm; Hoàng Như Tiếp 10cm. Các tuyến Phan Văn Trường, Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy); tòa nhà UDIC - Võ Chí Công (quận Tây Hồ); phố Triều Khúc (huyện Thanh Trì) ngập 15cm; tuyến Phùng Hưng (quận Hà Đông) ngập 20-25cm.
Trên quốc lộ 6, tại khu vực trước bến xe Yên Nghĩa, đường Quyết Thắng ngập trung bình 20-25cm. Tại đại lộ Thăng Long, các hầm chui ngập trung bình 15-20cm… Nước ngập khiến xe cộ lưu thông khó khăn trong đầu giờ sáng.
Tại thời điểm xảy ra mưa bão, công ty đã cho mở cửa phai của các hồ điều hòa như Thiền Quang, Bảy Mẫu, Tân Mai, Đống Đa… và vận hành các trạm bơm đầu mối Yên Sở (vận hành 20/20 tổ máy, 90m3/s), Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế… để hạ mức nước trên hệ thống theo đúng quy định; triển khai công tác ứng trực, giải quyết thoát nước, vớt rác tại miệng cống...