Lần đầu tiên 5 hãng smartphone Trung Quốc giữ 5 vị trí dẫn đầu trong nước, doanh số iPhone giảm mạnh

Thế giới số - Ngày đăng : 22:23, 25/07/2024

Doanh số iPhone của Apple tại Trung Quốc đã giảm 6,7% trong quý 2/2024 khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ như Vivo, Oppo và Huawei, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Canalys.
Thế giới số

Lần đầu tiên 5 hãng smartphone Trung Quốc giữ 5 vị trí dẫn đầu trong nước, doanh số iPhone giảm mạnh

Sơn Vân {Ngày xuất bản}

Doanh số iPhone của Apple tại Trung Quốc đã giảm 6,7% trong quý 2/2024 khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ như Vivo, Oppo và Huawei, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Canalys.

Sự sụt giảm này nhấn mạnh những khó khăn mà Apple phải đối mặt ở thị trường lớn thứ ba của mình. Tổng doanh số iPhone của "Táo khuyết" trong quý 2/2024 là 9,7 triệu máy, giảm so với mức 10,4 triệu cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Canalys.

Ngược lại, doanh số smartphone Huawei tăng 41% trong quý 2/2024 so với cùng kỳ năm ngoái lên 10,6 triệu máy, được thúc đẩy bởi việc ra mắt dòng Pura 70 vào tháng 4. Dữ liệu từ Canalys cho thấy thị phần smartphone của Apple trong quý 2/2024 ở Trung Quốc giảm xuống còn 14%, từ 16% trong cùng kỳ năm 2023.

Hậu quả là thứ hạng Apple trên thị trường smartphone ở Trung Quốc từ vị trí thứ 3 rơi xuống thứ 6. Tổng doanh số smartphone của tất cả hãng Trung Quốc đã tăng 10% trong quý 2/2024, với Vivo là nhà cung cấp hàng đầu (chiếm 19% thị phần), tiếp theo là Oppo, Honor, Huawei và Xiaomi.

"Các nhà sản xuất smartphone trong nước đã chứng tỏ sự dẫn đầu thị trường, lần đầu tiên trong lịch sử chiếm 5 vị trí hàng đầu tại Trung Quốc đại lục. Trong khi đó, Apple đang phải đối mặt với áp lực tăng trưởng tại Trung Quốc và đang tích cực tập trung vào việc tối ưu hóa quản lý kênh phân phối", Lucas Zhong, nhà phân tích nghiên cứu tại Canalys, cho biết.

lan-dau-5-hang-smartphone-trung-quoc-giu-5-vi-tri-dan-dau-trong-nuoc-mot-quy-doanh-so-iphone-giam-manh.jpg
Một người phụ nữ đi ngang qua logo Apple ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Huawei đã trở lại phân khúc smartphone cao cấp vào tháng 8.2023 với việc phát hành Mate 60 Pro tích hợp chip Kirin 9000s hỗ trợ 5G được sản xuất trong nước, thách thức các lệnh trừng phạt từ Mỹ vốn cắt đứt quyền tiếp cận của họ vào chuỗi cung ứng chip toàn cầu. Kirin 9000s do đơn vị HiSilicon của Huawei thiết kế và SMIC sản xuất theo quy trình 7 nanomet. SMIC là hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc.

Trong nỗ lực thúc đẩy doanh số bán hàng, Apple đã tăng cường nỗ lực giảm giá iPhone vào năm nay để thu hút người tiêu dùng. Công ty Mỹ đã khởi động chiến dịch mạnh mẽ vào tháng 5 khi tăng gấp đôi quy mô của một chương trình khuyến mãi trước đó vào tháng 2 và cung cấp giảm giá lên tới 2.300 nhân dân tệ (318,84 USD) với một số mẫu iPhone.

Các nhà phân tích dự đoán Huawei sẽ duy trì sự tăng trưởng trên thị trường smartphone trong thời gian còn lại của năm 2024. Công ty nghiên cứu TechInsights (Canada) dự báo đầu năm nay rằng tổng doanh số smartphone Huawei tại Trung Quốc sẽ vượt 50 triệu máy vào năm 2024, với dòng Pura 70 chiếm 10 triệu trong số đó. Điều này sẽ biến Huawei trở thành hãng smartphone bán chạy nhất với 19% thị phần, tăng từ 12% vào năm 2023, TechInsights cho biết.

Huawei định tính phí mua hàng trong ứng dụng sau khi Harmony OS lần đầu vượt iOS ở Trung Quốc

Huawei đang cân nhắc trích một phần phí từ các giao dịch mua hàng trong ứng dụng trên hệ điều hành di động Harmony OS, trang Bloomberg đưa tin. Điều này cho thấy sự tự tin ngày càng tăng của Huawei trong việc cạnh tranh với Apple tại Trung Quốc, thị trường smartphone lớn nhất thế giới.

Theo những người quen thuộc với vấn đề này, Huawei (có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc) đang cân nhắc hoa hồng thấp hơn mức 30% mà Apple và Google áp dụng cho các khoản thanh toán được thực hiện thông qua cửa hàng ứng dụng trên thiết bị di động của họ cho nội dung như ứng dụng, game, phim ảnh và đăng ký nhạc. Đến nay, Huawei vẫn miễn phí hoa hồng cho Harmony OS để thu hút các nhà phát triển và nhà xuất bản tham gia.

Về các game nói riêng, vốn chiếm phần lớn doanh thu của các cửa hàng ứng dụng di động, Huawei đã thảo luận mức phí khoảng 20% với các nhà phát triển, theo nguồn tin của Bloomberg.

Nguồn tin của Bloomberg yêu cầu không tiết lộ danh tính vì thông tin này là riêng tư.

Các nhà điều hành cửa hàng ứng dụng Android cạnh tranh với Huawei ở Trung Quốc, chẳng hạn Xiaomi, tính phí tới 50% cho giao dịch mua hàng trong game. Theo Bloomberg, Huawei vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng và kế hoạch của hãng có thể thay đổi.

Động thái sắp tới cho thấy gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc cảm thấy đã phát triển cơ sở người dùng và nhà phát triển đến mức có thể bắt đầu thu phí. Huawei đã chuyển sang dùng Harmony OS nội bộ sau khi các lệnh trừng phạt từ Mỹ cắt đứt quan hệ hợp tác giữa họ với Google, chủ sở hữu hệ điều hành Android.

Mức hoa hồng dự kiến ​​của Huawei vẫn sẽ đặt hệ sinh thái Harmony OS (được 4 năm tuổi) thấp hơn các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Dù đạt được những tiến bộ đáng kể năm qua với việc quay trở lại vị thế nổi bật ở phân khúc smartphone cao cấp ở Trung Quốc, Huawei phải thuyết phục cả người dùng và nhà phát triển ứng dụng chấp nhận Harmony OS, lựa chọn thứ ba của họ sau iOS của Apple và Android.

Huawei đã chứng kiến ​​nhu cầu tăng cao với smartphone 5G của mình sau khi vào năm ngoái bán ra dòng Mate 60.

Lợi nhuận ròng của Huawei trong quý 1/2024 tăng 564% khi chiếm bớt thị phần từ Apple và các hãng khác trên thị trường smartphone.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, Harmony OS đã vượt qua iOS về thị phần để trở thành hệ điều hành di động lớn thứ hai ở Trung Quốc trong quý 1/2024.

HarmonyOS chiếm 17% thị phần trong quý này để lần đầu tiên vượt qua iOS tại thị trường smartphone lớn nhất thế giới, nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ với các smartphone 5G mới nhất của Huawei, thúc đẩy việc áp dụng hệ điều hành di động do công ty tự phát triển.

Huawei đã chứng kiến ​​sự hiện diện trong nước của HarmonyOS tăng hơn gấp đôi, từ 8% thị phần ở quý 1/2023, sau khi quay trở lại phân khúc smartphone 5G vào năm ngoái bằng dòng Mate 60.

iOS tụt lại phía sau một chút với 16% thị phần ở Trung Quốc vào quý 1/2024, trong khi Android tiếp tục thống trị thị trường với 68% thị phần trong cùng thời kỳ.

Theo Counterpoint Research, thị phần của HarmonyOS dự kiến ​​sẽ “tăng hơn nữa khi Huawei tập trung vào nội địa hóa chuỗi cung ứng”.

Trên toàn cầu, Android và iOS vẫn dẫn đầu trong quý 1/2024 với thị phần lần lượt là 77% và 19%. HarmonyOS có 4% thị phần trên toàn cầu trong cùng thời kỳ.

Việc áp dụng HarmonyOS ngày càng tăng trong nước cho thấy chiến lược của Huawei xây dựng giải pháp thay thế Android đã bắt đầu mang lại kết quả như thế nào, vượt qua tác động từ các hạn chế công nghệ do chính phủ Mỹ áp đặt khi đưa công ty Trung Quốc này vào danh sách đen thương mại hồi tháng 5.2019.

Sau khi bị đưa danh sách đen thương mại đó, Huawei bị cấm mua phần mềm, chip và các công nghệ khác có nguồn gốc ở Mỹ từ các nhà cung cấp nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ. Huawei ra mắt HarmonyOS vào tháng 8.2019.

Các phiên bản HarmonyOS đầu tiên bị chỉ trích là không khác gì một biến thể của Android. Tuy nhiên, phiên bản mới nhất HarmonyOS Next, được phát hành dưới dạng bản xem trước dành cho nhà phát triển vào tháng 2, đã mang đến sự khác biệt hơn. HarmonyOS Next sẽ không còn hỗ trợ các ứng dụng dựa trên Android nữa.

Huawei có kế hoạch phát hành HarmonyOS Next với dòng smartphone hàng đầu Mate 70 vào cuối năm 2024, Chủ tịch luân phiên Eric Xu Zhijun cho biết hồi tháng 5.

Theo Counterpoint Research, Huawei hoạt động tốt nhất trong số tất cả nhà cung cấp smartphone ở Trung Quốc trong quý 1/2024 khi doanh số bán hàng tăng 69,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Counterpoint Research cho rằng thành công đó phần lớn nhờ dòng Mate 60 và danh tiếng thương hiệu mạnh, giúp Huawei giành được nhiều thị phần hơn trong phân khúc cao cấp, có giá từ 600 USD.

Theo Huawei, tính đến tháng 1, hơn 200 đối tác đã bắt đầu phát triển các ứng dụng dựa trên HarmonyOS và công ty đặt mục tiêu có 5.000 đối tác tham gia vào cuối năm nay.

Nhiều doanh nghiệp lớn đã bắt đầu phát triển các ứng dụng dựa trên HarmonyOS, gồm cả Alibaba, Meituan, Ant Group, JD.com và McDonald ở Trung Quốc.

Giữa tháng 4, Huawei đã bán ra dòng smartphone Pura 70 tích hợp bộ xử lý tiên tiến Kirin 9010.

Dòng smartphone Pura có camera cao cấp và nổi tiếng với thiết kế đẹp mắt, trong khi dòng Mate chú trọng vào hiệu suất và các tính năng dành cho doanh nhân. Dòng Pura đã được đổi tên từ dòng P trong nỗ lực thay đổi thương hiệu của Huawei.

Theo các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Jefferies, dòng Pura 70 đã được bán hết trong vòng hai ngày kể từ ngày ra mắt.

Dòng Huawei Pura 70 có bốn biến thể gồm Pura 70, Pura 70 Plus, Pura 70 Pro và Pura 70 Ultra. Mẫu cao cấp nhất Pura 70 Ultra có giá khởi điểm 9.999 nhân dân tệ (1.377 USD), còn Pura 70 Pro có giá từ 6.499 nhân dân tệ.

Sự ra mắt dòng Pura 70 đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ trên mạng xã hội Trung Quốc, với một số người dùng đăng ảnh mua smartphone và xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng Huawei.

Sơn Vân