Nhiều băn khoăn về dự án cáp treo 1.500 tỉ ở Cần Thơ
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 16:42, 04/08/2018
Khá... dị ứng
Dự án Cáp treo và Khu Du lịch cồn Khương, do Sở VH-TT-DL đề xuất với vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỉ đồng, vừa được đưa ra tại buổi họp báo Hội nghị Xúc tiến đầu tư TP.Cần Thơ năm 2018.
Theo thông tin được công bố, dự án này triển khai tại quận Bình Thủy với diện tích khoảng 60ha. Mục tiêu là nhằm khai thác tiềm năng du lịch của cồn Sơn, cồn Khương; tạo đểm nhấn vui chơi, giải trí cao cấp kết hợp du lịch và nghỉ dưỡng đặc thù sông nước có tầm cỡ của khu vực ĐBSCL. Trong đó, phần cáp treo có tổng chiều dài khoảng 4,47 km, điểm đầu từ đường Cách Mạng Tháng Tám đến cồn Sơn, cồn Khương. Ngoài ra, dự án còn có các khu chức năng như: du lịch, vui chơi, giải trí...
Đại diện Sở VH-TT-DL TP.Cần Thơ cho biết đã mời một tập đoàn qua tìm hiểu và sau đó họ có liên lạc lại nói rằng đang mời tư vấn nước ngoài đến khảo sát lập dự án và khẳng định "nếu dự án được thực hiện thì đây là một sản phẩm du lịch rất thu hút khách".
Thế nhưng những người đang làm du lịch tại cồn Sơn lại khá dị ứng với dự án trên.
Bà Phan Kim Ngân, người đã cùng đã cùng 17 hộ dân khác thành lập CLB Liên thế hệ cùng nhau làm du lịch cộng đồng trên cồn Sơn từ năm 2016 băn khoăn: Sông Hậu rộng như thế thì làm cáp treo cao cỡ nào? Nếu cao cỡ cầu Cần Thơ thì ai dám đi? Mỗi ngày cồn Sơn đón 100-500 lượt khách, nếu có cáp treo, lượng khách đông hơn thì cồn không tải nổi, những nét đặc trưng của vùng sông nước sẽ bị phá vỡ.
"Chúng tôi làm du lịch dân dã, văn hóa bản địa ai cũng khen và đang phát triển loại hình du lịch homestay, khách cùng ăn, cùng ở với người dân. Nếu làm cáp treo qua đây, chắc gì họ không mở công ty du lịch thì những hộ dân làm du lịch hiện nay lấy gì sống", bà nói.
Ông Lê Thành Khánh (40 tuổi, ngụ Bến Tre) cho biết: "Tôi đã 2 lần đi du lịch ở cồn Sơn, thật sự rất thích. Vừa được chiêm ngưỡng đàn "cá lóc bay" lần đầu tiên được thấy, tôi còn tham gia đổ bánh xèo với người dân địa phương. Ở đây, tôi tìm được ký ức tuổi thơ của mình. Nếu làm cáp treo thì liệu chính quyền địa phương có còn giữ nét bình dị, chân quê như vậy?".
Nguy cơ xói lở
Xói lở cũng là vấn đề được GS.TS Lê Quang Trí - nguyên Viện Trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi Khí hậu tại Đại học Cần Thơ lo ngại nhất.
Theo ông, phát triển du lịch phải dựa trên nền tảng bền vững, đặc biệt, phải lưu ý tới các vấn đề về môi trường, sinh thái, cũng như nguy cơ làm thay đổi dòng chảy tại khu vực này. Lý do là khi phát triển du lịch bắt buộc phải phải triển hạ tầng và các hoạt động dịch vụ, nghỉ dưỡng kèm theo và "như vậy sẽ rất nguy hiểm".
Việc xây dựng cáp treo đi cùng với hoạt động xây dựng các mố cầu, trụ cầu, khoan lắp. Với địa hình của ĐBSCL, nếu muốn xây cáp treo thì thiết kế phải tương đương như cầu Cần Thơ mới có thể chịu nổi sức lún. Như vậy về mặt kỹ thuật cũng rất phức tạp, khó khăn và tốn kém mới bảo đảm được an toàn.
Thứ nữa, nếu xây cáp treo cũng như phát triển dự án du lịch tại 2 cồn trên, chủ đầu tư phải nghiên cứu đánh giá tác động môi trường cũng như thực hiện báo cáo điều tra tác động xói lở tại khu vực này. Hiện nguy cơ xói lở, thay đổi dòng chảy tại hai cồn này cũng đang trong phạm vi cần cảnh báo.
GS Lê Quang Trí cảnh báo trong trường hợp 2 cồn bị xói lở, tốc độ dòng chảy sẽ bị thay đổi, tốc độ chảy nhanh hơn, diện tích mặt chảy cũng rộng hơn, nguy cơ xỏi lở cho toàn vùng chứ không còn riêng Cồn Sơn, Cồn Khương nữa.
Cồn Sơn chỉ cách đất liền khoàng 5-10 phút đi đò. Ảnh: Vietnammoi
Làm cáp treo là để phục vụ cho ai?
GS Lê Quang Trí cho biết Cần Thơ đã có cầu kết nối từ đường Cách Mạng Tháng Tám đến cồn Sơn, giao thông khu vực này đi lại khá thuận lợi, nhanh chóng, nếu làm thêm cáp treo sẽ phải tính toán cho hiệu quả, tránh lãng phí.
"Tôi không rõ chủ đầu tư muốn làm cáp treo nối từ đường CMT8 tới thẳng Cồn Sơn, Cồn Khương hay chỉ nối từ Cồn Sơn qua Cồn Khương? Nếu làm cáp treo thẳng ra Cồn Khương thì đoạn đường này rất dài, với chiều dài như vậy du khách có muốn đi cáp treo cũng phải bỏ chi phí rất lớn.
Nếu vì mục đích này, tôi nghĩ cáp treo chắc chỉ để phục vụ một số nhóm người có điều kiện, có tiền chứ người dân bình thường khó có điều kiện để hưởng thụ. Đặc biệt là người dân ĐBSCL, chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, thu nhập thấp, làm gì có tiền để đi cáp treo", GS Trí nói
Tổng hợp từ NLĐO, ĐVO