Tìm cách huy động 60 tỉ USD nhàn rỗi trong dân
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 17:36, 21/08/2018
60 tỉ USD nhàn rỗi trong dân
Bàn về giải pháp mở rộng thị trường vốn dài hạn cho Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ngày 21.8, ông Ketut Kusuma - chuyên gia cao cấp về Thị trường vốn (Ngân hàng Thế giới) cho biết cơ cấu thị trường vốn dài hạn tại Việt Nam thời gian vừa qua có nhiều tín hiệu khởi sắc, đang có xu hướng bắt kịp các nước khác trong khu vực.
Nói về giải pháp mở rộng thị trường vốn, ông Kusuma nói: "Một trong những vấn đề cần chú ý và giải quyết nhiều hơn là nhìn vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khả năng tăng trưởng, phần lớn tăng trưởng thể hiện ở thị trường tư nhân".
Về cơ sở nhà đầu tư tổ chức trong nước, chuyên gia tài chính cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, danh sách các nhà đầu tư tổ chức trong nước có số lượng ít với quy mô nhỏ, trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ bảo hiểm xã hội chỉ chiếm 16%.
"Nếu nhìn vào từng nhà đầu tư, chúng ta thấy doanh nghiệp bảo hiểm có đầu tư gián tiếp, trực tiếp, có chứng khoán doanh nghiệp, có trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh... Như vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong các hộ gia đình để họ yên tâm khi đầu tư vào các kênh khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, gửi ngân hàng... Khi chúng ta huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân chúng hiệu quả, đầy đủ, chúng ta sẽ đảm bảo nguồn vốn dài hạn, đáp ứng nhu cầu vay của người dân", ông Kusuma nói.
Theo ông Alwaleed Fareed Alatabani - chuyên gia trưởng thị trường Tài chính Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, tới khoảng 60 tỉ USD nằm trong dân mà chưa được huy động hết, đây là tiềm năng lớn.
"Khi đầu tư dài hạn, cần nghĩ xem làm cách nào để huy động được nguồn vốn nhàn rỗi của người dân, đồng thời, tạo ra môi trường tốt để có khoản đầu tư dài hạn, tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu chứng khoán của Việt Nam phát triển", ông Alatabani nói.
Phát triển cả nội lực và ngoại lực
Bàn tiếp về vấn đề huy động vốn, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết kinh tế Việt Nam ngày càng mở, nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng và câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phát triển cả nội và ngoại lực.
Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng trước đây, nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào vốn ODA và FDI nhưng những năm gần đây, vai trò của nội lực ngày càng thể hiện rõ nét. Dự kiến, vốn ODA trong thời gian tới sẽ giảm.
"Phải nhìn nhận trong thời gian tới, với thực trạng trái phiếu chính phủ và nợ công, nội lực sẽ tăng. Sự tham gia của khối ngoại với cổ phiếu còn thấp so với các nước trong khu vực nên cần có chính sách chỉ thu hút nhà đầu tư nước ngoài", ông Dũng nói.
Theo đó, thị trường vốn cần có chính sách để cần bằng thị trường tín dụng, thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Hiện nay, Việt Nam chỉ có khoảng 2.000 nhà đầu tư cổ phiếu - con số khiêm tốn so với các nước khu vực. Bài toán là làm sao để phát triển nhà đầu tư có tổ chức.
Bên cạnh đó, vấn đề ít được nhắc đến nhưng không kém phần quan trọng là phát triển nhà đầu tư cá nhân. Để phát triển, các chuyên gia cho rằng Việt Nam phải có sản phẩm, phát triển các loại quỹ đồng thời đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Một trong những vấn đề quan trọng là phát huy vai trò của các tổ chức, định chế tài chính, các công ty chứng khoán, quản lý quỹ.
Tuyết Nhung