Cho phép thanh toán Nhân dân tệ ở biên giới: Lo ngại ngoại tệ hóa là có thật

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 15:12, 02/09/2018

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, việc quy định vùng biên mậu của Việt Nam được phép sử dụng Nhân dân tệ cần được quản lý chặt chẽ để loại tiền này không đi ra khỏi khu vực cho phép. Đồng thời, Việt Nam cần thúc đẩy phía Trung Quốc chấp nhận chính thức cho dùng Việt Nam đồng tại khu vực lãnh thổ thuộc biên giới nước họ.
Việc cho phép dùng Nhân dân tệ thanh toán tiểu ngạch đã có từ năm 2004? - Ảnh minh họa

PGS. Đinh Trọng Thịnh: Chỉ là nối dài quyết định từ 2004

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ký ban hành Thông tư 19/2018 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Theo văn bản mới, các thương nhân, cư dân biên giới Việt Nam, Trung Quốc có hoạt động thương mại qua biên giới giữa 2 nước sẽ được sử dụng đồng tiền thanh toán gồm VND (Việt Nam đồng) hoặc CNY (Nhân dân tệ) và ngoại tệ tự do chuyển đổi.

Thông tư quy định hoạt động thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa dịch vụ của cư dân biên giới tại chợ biên giới với đồng tiền thanh toán là VND hoặc CNY. Các phương thức thanh toán bao gồm qua ngân hàng (với các hình thức: Thanh toán bằng CNY, VND qua chi nhánh ngân hàng biên giới); tiền mặt; chênh lệch trong giao dịch bù trừ hàng hóa...

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc cho phép dùng CNY thanh toán tiểu ngạch đã có từ năm 2004. Lúc đó, NHNN ra Quyết định 89 cho phép cư dân biên giới, thương nhân ở đó được quyền mua bán, trao đổi bằng CNY hoặc VND trong giao dịch. Cuối ngày, CNY phải dược đổi thành VND thông qua các chi nhánh ngân hàng vùng biên.

Theo ông Thịnh, suốt từ 2004 đến nay, việc này vẫn tiến hành bình thường và xuất hiện các một hình thức đổi tiền chợ đen, chuyển tiền qua biên giới và nảy sinh ra rất nhiều hình thức lừa đảo, tội phạm. Do đó, Thông tư 19/2018 ra đời có thể tạo điều kiện cho buôn bán của dân cư và thương nhân biên giới vì không cần phải đổi tiền nữa. Trước kia việc chờ đợi đổi tiền tốn chi phí, mất thời gian. Việc nâng cấp quyết định ngoại tệ này cũng là nâng cấp quan hệ chính trị, kinh tế của 2 quốc gia vùng biên.

“Việc này cũng chỉ có hiệu lực ở khu vực biên giới của 7 tỉnh, ở những đường mòn lối mở chứ chứ không phải toàn bộ 7 tỉnh này hay cửa khẩu chính thức là được thanh toán. Việc này không ảnh hưởng gì nhiều đến cách điều hành tiền tệ ở nội địa”, ông Thịnh nói và cho hay, việc sử dụng đồng tiền của nhau ở khu vực biên giới tương đối phổ biến trên thế giới, như biên giới Việt Nam với Lào, Campuchia.

Tuy nhiên cũng theo ông, việc quy định vùng biên mậu của Việt Nam được phép sử dụng CNY cũng cần được quản lý để loại tiền này không đi ra khỏi khu vực cho phép. Đồng thời, Việt Nam cần thúc đẩy phía Trung Quốc chấp nhận chính thức cho dùng VND tại khu vực lãnh thổ thuộc biên giới nước họ.

Về vấn đề ngoại tệ hóa nền kinh tế, ông Thịnh cho rằng điều này không đáng lo. Năm 2015, một số nhà đầu tư Trung Quốc đề xuất cho dùng CNY cho thanh toán ở các khu vực có doanh nghiệp Trung Quốc, tuy nhiên việc này đã bị NHNN bác bỏ.

Theo nguyên tắc, trên lãnh thổ Việt Nam chỉ được sử dụng VND, nếu cho dùng song hành một loại tiền khác thì dễ dẫn đến ngoại tệ hóa. “Rõ ràng chúng ta đang chống cả đô la hóa thì không có lý do gì lại cho CNY lưu hành sâu trong lãnh thổ”.

Bên cạnh đó, cũng theo Thông tư 19/2018, nếu thương nhân Việt Nam xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, họ có thể được nhận thanh toán bằng tiền mặt (VND, CNY) nhưng vẫn phải nộp vào ngân hàng trên cơ sở xuất trình các chứng từ hợp lệ. Còn cư dân biên giới và thương nhân giao dịch tại chợ biên giới chỉ được dùng CNY và VND để thanh toán, không được sử dụng ngoại tệ. Nếu thanh toán bằng tiền mặt thì chỉ được dùng VND, tuyệt đối không thể dùng CNY.

Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo: Lo tình hình diễn biến như vết dầu loang

Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM lại cho rằng việc cho phép thanh toán trực tiếp bằng CNY ở các vùng biên giới giáp với Trung Quốc là chính thức mở ra một cánh cổng để CNY dần dần len lỏi vào nền kinh tế Việt Nam. Cùng với các hoạt động kinh tế khác của Trung Quốc như đầu tư, kinh doanh, du lịch sẽ trở nên phổ biến, làm thay đổi thói quen và hành vi của công chúng trong các giao dịch kinh tế, tiết kiệm và đầu tư, làm gia tăng sâu sắc hơn nữa sự lệ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc.

Theo pháp luật, VND là đồng tiền duy nhất được sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam. Có thời người dân đã quá chuộng dùng USD cho các giao dịch có giá trị cao đã gây không ít khó khăn cho nền kinh tế, khiến tỷ giá USD/VND ngày càng trở nên quan trọng và là vấn đề nhạy cảm. Nếu CNY được chấp nhận hay thừa nhận giao dịch một cách rộng rãi, ngày càng có tính thanh khoản cao như USD, vấn đề cũng sẽ trở nên nghiêm trọng. Lúc đó, hiệu quả của chính sách tiền tệ sẽ suy yếu do vai trò của đồng tiền quốc gia không được tuyệt đối hóa.

Chưa kể hiện nay người Trung Quốc sang Việt Nam làm ăn, sinh sống rất đông. Trước đây, có những doanh nghiệp, thương lái Trung Quốc chọn một đầu mối, chủ hàng người Việt Nam để thu mua trái cây rồi vận chuyển lên khu vực cửa khẩu, xuất sang Trung Quốc. Nhưng hiện nay, có những doanh nghiệp Trung Quốc trực tiếp cử đại diện xuống tận nơi trồng trọt, mở ra các doanh nghiệp làm nhiệm vụ thu mua, tổ chức vận chuyển, tạo thành quy trình khép kín từ đầu tới cuối.

“Điều gì đảm bảo rằng CNY không đi theo những “chuỗi giá trị” này để len lõi sâu vào nền kinh tế Việt Nam và càng ngày thì điều này sẽ càng khó kiểm soát. Làm như vậy nghĩa là chúng ta tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Trung Quốc. Đồng thời, khiến người dân và doanh nghiệp Việt Nam chịu thiệt thòi”, ông Bảo nói.

Bên cạnh đó, quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn và Việt Nam đang mua hàng từ Trung Quốc nhiều hơn bán được hàng cho Trung Quốc. Nếu cho phép sử dụng CNY để thanh toán trực tiếp đối với hoạt động thương mại biên giới sẽ làm cho cán cân mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể thâm hụt lớn hơn và lợi ích ròng sẽ thiên về phía Trung Quốc; tăng sức ép của hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên hàng hóa nội địa.

Cùng với đó, hiện Mỹ - Trung có chiến tranh thương mại, khi hàng hóa Trung Quốc không thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ, họ sẽ tìm tới các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Giá cả của hàng hóa Trung Quốc vốn đã rẻ do giá nhân công, giá nguyên vật liệu đều rẻ thì còn có một yếu tố hết sức quan trọng là chính sách tỷ giá khi họ làm suy yếu CNY. Vậy nên, sức ép với Việt Nam là hàng hóa Trung Quốc vốn đã rẻ, nay còn rẻ hơn. Việt Nam trước đây đã nhập siêu từ Trung Quốc, bây giờ khi hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn, Việt Nam sẽ nhập siêu nhiều hơn vì sức mua của VND đối với hàng hóa Trung Quốc lớn hơn.

Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo lo lắng mọi việc sẽ diễn biến giống như vết dầu loang. Đầu tiên, CNY sẽ được thanh toán trực tiếp ở các vùng biên, các chi nhánh ngân hàng ở các tỉnh vùng biên rồi dần dần sẽ lan rộng ra. Điều này có thể làm tăng tỷ lệ lệ thuộc của kinh tế Việt Nam vào kinh tế Trung Quốc khi chúng ta chấp nhận sử dụng rộng rãi tiền của họ.

“Phương trình chính sách tiền tệ có thêm một biến Nhân dân tệ sẽ càng khó giải hơn. Trước đây, NHNN điều hành chính sách tiền tệ chỉ có biến USD và giá vàng đã rất khó khăn. NHNN đã tốn nhiều công sức để loại vàng ra khỏi phương trình đó, để câu chuyện điều hành tỷ giá chỉ có USD/VND. Nhưng chỉ mỗi tỷ giá USD/VND cũng đã gây sức ép rất lớn lên chính sách khi chiến tranh thương mại xảy ra”, ông Bảo nói.

Lam Thanh