Băn khoăn việc sửa Luật Đầu tư công
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 15:46, 20/09/2018
Nâng mức đầu tư dự án quan trọng lên 35.000 tỉ
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc như khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, một số quy định quá cứng nhắc, chưa đầy đủ nên dẫn tới tình trạng các quy định đã không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn như công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, tồn tại nhiều bất cập trong điều chỉnh dự án, điều chỉnh kế hoạch...
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết dự thảo luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến 3 nhóm chính sách chủ yếu. Thứ nhất là nhóm chính sách về quy định chung đối với các quy định về nguồn vốn đầu tư công; phân loại nguồn vốn; phạm vi điều chỉnh; điều kiện áp dụng; phân loại dự án...
Thứ hai là nhóm chính sách về quản lý dự án theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; giảm bớt, rút gọn hoặc bãi bỏ các thủ tục rườm rà, không cần thiết nhằm cải thiện chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư.
Thứ ba là nhóm chính sách về quản lý kế hoạch đầu tư công, trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy trình, trình tự, thủ tục liên quan đến lập, thẩm định, quyết định, giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm theo hướng phân cấp mạnh mẽ, tạo sự chủ động trong điều hành, tăng cường hậu kiểm.
Đặc biệt là đề xuất về kế hoạch đầu tư công 3 năm theo phương thức cuốn chiếu, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và đảm bảo sự đồng bộ giữa kế hoạch đầu tư công với kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn và hằng năm.
Ngoài ra Chính phủ đề xuất điều chỉnh tiêu chí tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỉ hiện nay lên 35.000 tỉ đồng.
Nhiều vấn đề cần hoàn thiện
Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải tán thành việc sửa đổi toàn diện tên của luật nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, khắc phục triệt để những khó khăn trong quản lý.
Về điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, ông Hải cho rằng điều này chỉ áp dụng trong trường hợp có biến động lớn về chỉ số giá tiêu dùng. Trong khi đó, 3 năm qua, tính từ thời điểm áp dụng luật, chỉ số giá tiêu dùng không biến động lớn.
Bên cạnh đó, quy định hiện hành về xác định mức vốn của dự án quan trọng quốc gia là từ 10.000 tỉ đồng trở lên đã được tính toán, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, với khả năng cân đối nguồn vốn của ngân sách.
Cũng theo ông Hải, hiện nay, số dự án có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỉ đồng vốn đầu tư công thời gian qua là rất ít, việc triển khai quy định này không phát sinh vướng mắc về mức trần vốn của dự án. Việc quy định mức 35.000 tỉ đồng khá lớn so với số vốn đầu tư hằng năm của ngân sách nhà nước (khoảng 10%).
Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ trong dự án luật, một số quy định chưa bảo đảm thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Xây dựng... đề nghị chỉnh lý để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Qua rà soát cho thấy trong số 106 điều luật thì có đến gần 30 điều luật quy định giao Chính phủ hướng dẫn. Do đó, đề nghị Chính phủ quy định chi tiết tối đa các điều, khoản trong dự án luật, đảm bảo tính cụ thể, minh bạch, phù hợp về thẩm quyền. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền hướng dẫn, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị định trình kèm dự thảo luật.
Nội dung dự thảo luật chưa thể hiện đầy đủ mục tiêu sửa đổi luật. Các quy định mới chỉ tập trung vào nội dung phân bổ vốn đầu tư công, dự thảo luật thiếu các quy định về quyết toán, thiếu yêu cầu về kết quả đầu ra, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu ra, trách nhiệm bảo đảm hiệu quả đầu tư, đặc biệt trong trường hợp đầu tư không hiệu quả, thất thoát, lãng phí; thiếu chế tài xử lý khi xảy ra vi phạm...
Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cũng nhấn mạnh một trong những yêu cầu quan trọng trong lần sửa đổi này là phải cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đối chiếu với dự thảo luật cho thấy còn nhiều thủ tục chưa được đơn giản hóa, thậm chí một số quy trình, thủ tục còn phức tạp hơn như quy trình xử lý nguồn vốn ODA; quy trình thẩm định, phê duyệt các dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Luật Đầu tư công có một số vấn đề cần sửa đổi, song nếu những khó khăn trong thực tế đổ thừa hết cho luật thì không đúng, vì có những cái do điều hành, do tổ chức thực hiện. “Chính phủ nói một số quy định quá cứng nhắc, nhưng lại nêu điển hình như thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, vốn ít không có tiền cân đối thì đâu phải do luật”.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng băn khoăn rằng Luật Đầu tư công mới thực hiện 3 năm, nếu sửa đổi toàn diện, phạm vi điều chỉnh rất rộng với 18 chính sách thay đổi thì hợp lý không. Nếu không cẩn thận sẽ phá vỡ hết cả Luật Ngân sách", ông Hiển lo ngại.
Lam Thanh