Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp bán dẫn
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:30, 29/07/2024
Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp bán dẫn
Với nhiều lợi thế đặc thù, Hà Nội đang có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.
Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị "Kết nối đầu tư, phát triển công nghiệp bán dẫn thành phố Hà Nội 2024" chiều nay (29.7).
Ông Nguyễn Trần Quang, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP.Hà Nội (HPA) cho hay, là "huyết mạch" của nền kinh tế số, công nghệ bán dẫn là công nghệ nền tảng của nhiều giải pháp công nghệ hiện nay. Việt Nam đã và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu... đến tìm hiểu và đầu tư.
Với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, Hà Nội đang có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, TP đã thu hút 1,165 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, đăng ký cấp mới 120 dự án với số vốn 1,036 tỉ USD; bổ sung tăng vốn đầu tư 78 dự án, với 55 triệu USD; 104 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần trị giá 74 triệu USD. Với những kết quả tích cực nêu trên, Hà Nội vẫn là bến đỗ hấp dẫn đối với dòng vốn và các nhà đầu tư quốc tế.
Trên cơ sở các mục tiêu cụ thể, Hà Nội luôn khẳng định vị trí hàng đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài. TP.Hà Nội không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tích cực rà soát các thủ tục hành chính, đơn giản hóa và đẩy nhanh thời gian nhận, xử lý các thủ tục, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp...
Đồng thời, TP đã ban hành và triển khai các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, đối thoại doanh nghiệp, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh tại Hà Nội, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TP.
Theo ông Nguyễn Trần Quang, Luật Thủ đô đã xác định bán dẫn là lĩnh vực được ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Hà Nội. Nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn theo quy định vào lĩnh vực bán dẫn sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư của TP. "Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP.Hà Nội 2024" được tổ chức nhằm cung cấp thông tin tình hình phát triển, định hướng và các giải pháp thúc đẩy sự phát triển, hợp tác của các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ bán dẫn trên địa bàn TP; kết nối, xúc tiến đầu tư, giao thương vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn với các sản phẩm thuộc hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, công nghệ tương lai.
Chia sẻ về tiềm năng, lợi thế và một số chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp bán dẫn của Hà Nội, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP cho hay thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam nhiều nguồn tài nguyên, nguyên vật liệu phong phú, trong đó có ngành bán dẫn, do vậy chúng ta cần phải tạo mặt thể chế, pháp lý và con người để có thể phát triển tốt ngành công nghiệp bán dẫn.
Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, theo ông Hùng, Hà Nội sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp chung phát triển các loại hình doanh nghiệp số với phương châm "Chính quyền đồng hành - Doanh nghiệp hiến kế - Kinh tế phát triển". TP sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp; phát triển hạ tầng số, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học - công nghệ, tạo lập thị trường.
TP kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi; chủ động nghiên cứu thị trường, lựa chọn định hướng nghiên cứu phù hợp, phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Vietnam (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet vạn vật, vi mạch bán dẫn...).
Đồng thời, TP thúc đẩy phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung; hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực; ưu tiên trong việc lựa chọn thử nghiệm, đầu tư, thuê, mua sắm các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số của các doanh nghiệp.