Đồng Nai: Nhiều vấn đề nóng được báo chí quan tâm
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:52, 30/07/2024
Đồng Nai: Nhiều vấn đề nóng được báo chí quan tâm
Ngày 30.7, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.
Tăng trưởng tốt dù còn nhiều khó khăn
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 122.941,06 tỉ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt qua mục tiêu cả năm 2024 là từ 6,5 - 7%. Mức tăng trưởng này cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm tăng 6,62%, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 11,34 tỉ USD, tăng 9,05%, và kim ngạch nhập khẩu đạt trên 8,27 tỉ USD, tăng 7,13% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 30.444,4 tỉ đồng, đạt 54% so với dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 6 tháng qua, tỉnh đã thu hút mới 57 dự án đầu tư, đăng ký thành lập mới 2.181 doanh nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công đạt 33,48% kế hoạch Thủ tướng giao.
Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn gặp phải một số khó khăn như tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đột phá còn chậm so với yêu cầu; việc xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp gặp khó khăn do cơ chế chính sách về phát triển nhà ở chưa thống nhất, đồng bộ.
Về nhiệm vụ trong các tháng cuối năm 2024, ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh sẽ tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết, kế hoạch của Chính phủ, Tỉnh ủy, và HĐND tỉnh. Tỉnh sẽ chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các động lực tăng trưởng kinh tế; đồng thời tỉnh cũng sẽ quan tâm đến các lĩnh vực văn hóa, xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân; thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, chính sách người có công với cách mạng, xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân.
Vụ nguyên Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch bị lừa hơn 171 tỉ đồng có yếu tố nước ngoài
Cũng tại buổi họp báo, Đại tá Nguyễn Mạnh Toàn, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã thông tin đến báo chí vụ việc nguyên Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thị Giang Hương bị lừa hơn 171 tỉ đồng.
Theo đó, Công an Đồng Nai xác định nhóm người Việt sống ở Campuchia - dưới sự chủ mưu cầm đầu của người nước ngoài - đã sử dụng 109 tài khoản ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt hơn 171 tỉ đồng của bà Hương.
Đại tá Nguyễn Mạnh Toàn cho biết, quá trình điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã phát hiện 12 đối tượng người Việt Nam, cấu kết sử dụng căn cước công dân giả đăng ký mở 7 tài khoản rồi bán cho các nhóm đối tượng lừa đảo.
“Các trường hợp này đã cũng cố hồ sơ và tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai thông tin.
Hiện Cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ để điều tra làm rõ theo quy định.
Liên quan đến vụ việc này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã thi hành kỷ luật bà Nguyễn Thị Giang Hương, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, bằng hình thức cách chức.
Toàn tỉnh còn 18 điểm ngập
Tại buổi họp báo, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Thành Phương cho biết, tại TP.Biên Hòa có 3 điểm, tại huyện Tân Phú có 2 điểm, huyện Trảng Bom 1 điểm, huyện Long Thành 2 điểm, huyện Xuân Lộc 2 điểm, huyện Nhơn Trạch 3 điểm, huyện Vĩnh Cửu 4 điểm và huyện Cẩm Mỹ 1 điểm.
Theo đánh giá của Phó giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai, tiến độ triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất chậm. Những chậm trễ này bắt nguồn từ nhiều khâu, bao gồm đề xuất chủ trương, giải phóng mặt bằng, và đặc biệt là công tác bồi thường kéo dài nhiều năm nhưng chưa hoàn thành. Kết quả là tình trạng ngập vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Một trong những nguyên nhân chính gây ngập là rác thải. Công tác nạo vét, khơi thông dòng chảy vẫn chưa được các địa phương triển khai một cách thường xuyên và đồng bộ. Theo ông Phương, với những khó khăn và vướng mắc hiện tại, rất khó để giải quyết hoàn toàn các điểm ngập đang tồn tại ở tỉnh trong năm nay.