Lao động xa quê: Những nỗi niềm kẻ ở người đi
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 10:46, 31/07/2024
Lao động xa quê: Những nỗi niềm kẻ ở người đi
Những năm gần đây, lao động nông thôn tại An Giang rủ nhau rời quê hương đi nơi khác tìm kiếm việc làm. Thực tế, đằng sau câu chuyện người lao động ồ ạt ly hương là những nỗi niềm với cả người ra đi và người ở lại.
Nỗi niềm của người ra đi và ở lại
Vừa thắp nhang trên bàn thờ gia tiên, bà Võ Thị Phích (ngụ ấp Bắc sơn, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cho biết gia đình bà có 2 người con gái đều đã lập gia đình riêng và mỗi người đều có 2 đứa con nhỏ.
Nối nghiệp cha mẹ, gia đình 2 người con của bà làm nghề mua bán tôm cá tại chợ. Tuy nhiên, với mong muốn thu nhập cao nên năm 2017, gia đình 2 người con bà đã gửi lại 4 đứa cháu ngoại cho ông bà trông coi để lên Bình Dương làm công nhân tại một công ty may mặc.
“Trước đây tụi nó làm lương 7 - 8 triệu đồng/tháng, cắc củm chi tiêu để gửi về vợ chồng tôi mỗi tháng 2 - 3 triệu đồng lo cho mấy đứa cháu ăn học. Thời gian gần đây thu nhập thấp, mấy tháng nó mới gửi tiền về một lần. Nhiều lần vợ chồng tôi khuyên nhủ với các con về quê làm gần nhà, chăm lo mấy đứa nhỏ ăn học do vợ chồng tôi cũng lớn tuổi rồi. Tuy nhiên, tụi nó bảo tuy lương thấp nhưng vẫn có thu nhập hằng tháng, sợ về quê công việc không ổn định thì đói”, bà Phích bộc bạch.
Có người con trai đi làm công nhân nhà máy xay gạo ở tỉnh Long An, ông Phạm Văn Sinh ngụ ấp Bắc sơn, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang kể: “Năm 2017, con trai tôi ở quê làm nghề tự do, thu nhập không ổn định nên nó quyết gửi con gái lại cho vợ chồng tôi trông nuôi giùm, để đi tỉnh Long An làm công nhân. Thời gian đầu, lương hằng tháng được từ 4 - 5 triệu đồng. Vài năm gần đây, công ty làm ăn khó khăn nên không cần nữa. Vì vậy, con trai tôi đành lên TP.HCM để làm nghề chạy xe công nghệ".
“Chạy xe thì ngày trúng ngày thất, thu nhập bấp bênh nhưng hắn quyết bám trụ thành phố chờ cơ hội việc làm. Vợ chồng tôi thuyết phục nhiều lần nhưng hắn cũng không chịu về quê tìm việc”, ông Sinh nói.
Đưa con ra thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đón xe Huệ Nghĩa chạy tuyến An Giang - Bình Dương, ông Năm Nhỏ căn dặn: “Năm nay ráng kiếm lấy tấm chồng. Nếu đồng hương càng tốt, rồi tụi bây dẫn nhau về quê lập nghiệp. Nhà vắng người quá, cha mẹ già yếu ốm đau biết làm sao”. Người được cha dặn dò là chị Nguyễn Thị Tuyết Nga, con gái út ông Năm Nhỏ. Chị Nga (23 tuổi), lúc trước phụ bán quán cà phê, thu nhập thấp, được bạn bè rủ lên Bình Dương làm công nhân may.
Ông Năm Nhỏ có 3 con gái, hai đứa con lớn đều lấy chồng ở xã khác, làm thuê làm mướn không đủ sống. “Tụi nó thấy con Nga làm trên Bình Dương khá ổn định nên lại đi theo. Làm giấy tờ xong, mấy đứa lại lên đường, để lại đàn con cho hai vợ chồng già này nuôi. Mới rời con Nga thì lại nhận nuôi thêm cháu. Trời ơi, sao số phận vợ chồng tui khổ quá”, ông Năm Nhỏ mếu máo.
Tuy có 3 đứa con gái, nhưng nhiều năm nay hai ông bà sống đơn côi. Ngày ngày, ông Năm Nhỏ vừa chăm vợ, vừa sạ ruộng, đào ao thả cá, cũng chỉ đắp đủ cơm cháo. Mong ước của ông bà là các con không phải tha phương.
“Làm sao chúng nó có công ăn việc làm gần cha mẹ, vừa vui vừa đỡ đần cha mẹ khi về già. Nhưng không biết điều ước đó bao giờ mới thành, nghĩ đến nản lòng lắm, xa nhau cuộc sống cũng có khấm khá lên đâu. Tôi đã 70 tuổi rồi, thấy quê mình vắng vẻ, đìu hiu, đồng ruộng vắng bóng người cũng buồn. Giờ chỉ rặt có người già, trẻ con. Thanh niên, trai gái có chút bằng cấp là tìm cách thoát ly, số thất học thì đi làm lao động phổ thông", ông Năm Nhỏ kể tiếp.
Trong khi đó, vừa giúp cha mẹ làm mâm cơm chay đám giỗ ông nội, anh Nguyễn Văn Hận (27 tuổi, ngụ xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) vừa tranh thủ gói gém quần áo để ngày mai bắt xe đò lên Bình Dương.
Anh Hận cho biết: “Sau khi học xong cấp 3, cha mẹ muốn em ở nhà lấy vợ. Nhưng do thiếu trước hụt sau, em phải gác ý định đó lại lên Bình Dương làm công nhân, kiếm ít tiền lo cho gia đình trước đã”.
Hận kể tiếp: “Xa quê, đồng hương như tụi em đều nương tựa lẫn nhau, trai thì lấy vợ, gái lấy chồng sinh con đẻ cái gây dựng cuộc sống trên đó. Chắc em cũng theo gót thôi. Em làm thợ “chà nhám”, lương gần 7 triệu đồng/tháng. Đã 4 năm rồi, cha mẹ em sống cảnh vợ chồng già. Cứ đến đám giỗ hoặc Tết em cũng về quê. Còn 2 chị của em, lấy chồng trên Bình Dương thì vài năm mới về một lần”.
Theo chúng tôi tìm hiểu, đa số thanh niên An Giang rời quê, người thì đi Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước hái cà phê, tiêu, điều..., người xuống Ninh Thuận, Bình Thuận hái nho, thanh long. Đông nhất vẫn là vào các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM làm công nhân. Sau khi vào các khu công nghiệp, nam nữ gặp nhau rồi cưới xin, lập gia đình, sống đời công nhân cũng tạm ổn.
Cũng có gia đình vợ chồng con cái rời quê đi kiếm sống với hai bàn tay trắng, vài ba năm không về quê. Con cái họ không biết học chỗ nào. Rồi đây việc bỏ xứ đi như thế có làm nặng thêm gánh nặng cho các tỉnh khác nơi họ đến hay không.
Bán sức nơi xứ người, kéo theo nhiều hệ lụy
Việc bán sức nơi xứ người khiến cuộc sống nơi làng quê cũng có ít nhiều cải thiện, xe máy được đưa về xóm ấp, nhà tầng dựng lên... nhưng không phải ai cũng có được sự đổi đời như thế, ngược lại còn kéo theo biết bao hệ lụy, đặc biệt là với những người ở lại.
Đó là những người ông, người bà vừa phải làm cha làm mẹ cho những đứa cháu, vừa phải lao động để cáng đáng việc nhà, việc đồng áng.
Ngoài ra, những đứa trẻ bị thiếu vắng bàn tay chăm sóc của cha mẹ từ nhỏ sẽ sang chấn về tâm lý, lớn hơn là hư hỏng, bỏ học. Nguy hiểm hơn, mỗi cuộc ra đi như vậy tiềm ẩn biết bao rủi ro cho chính bản thân người lao động bởi họ ra đi không báo cáo chính quyền địa phương, không có một hợp đồng lao động bảo lãnh, thậm chí nhiều người lao động chui tại nước ngoài, không có cả giấy tờ tùy thân.
Một cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cho biết trào lưu bỏ xứ đi làm ăn xa đang xảy ra tại nhiều xã ít ruộng đất và nghề phụ không phát triển, đời sống người dân không đảm bảo.
“Nhất là thời điểm sau Tết, vào xóm ấp chỉ toàn thấy người già và trẻ nhỏ vì thanh niên, phụ nữ giờ đều đã đi làm thuê hết. Có những người đi làm thuê tận Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, nhiều nhất là ở các tỉnh Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai. Có người đi đã hơn chục năm cũng có những thanh niên vừa mới lớn đã bỏ học đi làm”, cán bộ này cho biết.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Phó chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang nói huyện Thoại Sơn là một trong những địa phương có lực lượng lao động khá lớn, với hơn 106.000 người. Trước đây, lao động trên địa bàn huyện đi làm việc ở ngoài huyện ngoài tỉnh chiếm trên 40%.
Nguyên do địa phương chủ yếu là kinh tế nông thôn nên sau khi thu hoạch mùa màng, nhiều lao động không có việc làm, một số hộ không có đất sản xuất nên họ phải đi tìm việc ở các đô thị và khu vực tập trung khu công nghiệp như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
“Song tất cả những điều đó không làm làn sóng lao động di cư dừng lại, đặc biệt là lực lượng lao động tự do, lao động chui. Thực tế, nhiều gia đình vẫn biết, khi quyết định rời quê đi làm ăn xa là phải đánh đổi nhiều thứ nhưng vì do không có việc làm, sản xuất nông nghiệp không đảm bảo cuộc sống nên họ vẫn buộc phải ra đi”, bà Chi nói.
An Giang tuyển hơn 13.000 người lao động
Theo Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh An Giang, trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh khởi sắc, thu hút lượng lớn lao động trên địa bàn tỉnh vào làm việc.
Tỉnh An Giang đã tổ chức 66 ngày hội việc làm tại 6 huyện, thị xã, thành phố như Long Xuyên, Châu Đốc, Phú Tân, Tri Tôn, Thoại Sơn, Chợ Mới với sự tham gia của 234 doanh nghiệp tuyển dụng, thu hút gần 11.700 lao động tham gia. Tại ngày hội việc làm, các doanh nghiệp đã tuyển dụng trên 5.000 lao động vào làm việc.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh An Giang đưa 487 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Nhật Bản, Đài Loan. Trong đó, 5 địa phương có người lao động đi làm việc ở nước ngoài cao là Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Thoại Sơn. Dự kiến đến cuối năm 2024, An Giang đưa thêm khoảng 210 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh An Giang, dự kiến 6 tháng cuối năm 2024 toàn tỉnh sẽ có 419 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, số lượng hơn 13.260 người lao động.
Nhóm ngành tuyển dụng nhiều như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; xây dựng. Trong đó, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật với số lượng lớn, gần 12.500 người.
Các doanh nghiệp trên địa bàn An Giang có nhu cầu tuyển lao động số lượng lớn như: Công ty cổ phần TBS An Giang cần tuyển 1.800 lao động, Công ty TNHH Universal Apparel tuyển 1.200 lao động, Công ty TNHH An Giang Samho tuyển 700 lao động, Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Đức Thành tuyển 350 lao động…