Cứu ‘cậu nhỏ’ của một người đàn ông đang bị dần hoại tử

Thông tin Y học - Ngày đăng : 18:18, 01/08/2024

Bỗng dưng “cậu nhỏ” của ông H. sưng đỏ vùng bìu phải, tím bìu trái, mông trái viêm đỏ kèm chảy dịch mủ rất hôi. Mặc dù đưa đi điều trị nhưng “cậu nhỏ” của bệnh nhân dần dần bị hoại tử, đe dọa đến tính mạng.
Thông tin Y học

Cứu ‘cậu nhỏ’ của một người đàn ông đang bị dần hoại tử

Hồ Quang {Ngày xuất bản}

Bỗng dưng “cậu nhỏ” của ông H. sưng đỏ vùng bìu phải, tím bìu trái, mông trái viêm đỏ kèm chảy dịch mủ rất hôi. Mặc dù đưa đi điều trị nhưng “cậu nhỏ” của bệnh nhân dần dần bị hoại tử, đe dọa đến tính mạng.

Theo người nhà của ông N.V.H (56 tuổi, ngụ tại Long An) trước nhập viện 4 ngày, ông H. bỗng dưng cảm thấy sưng đau vùng mông trái và bìu hai bên. Gia đình đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhà điều trị nhưng không thuyên giảm. Tình trạng trên ngày càng nặng, “cậu nhỏ” của bệnh nhân bắt đầu hoại tử và dần lở loét. Quá hoảng sợ, gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An trong tình trạng sưng đỏ vùng bìu phải, tím bìu trái, mông trái viêm đỏ kèm chảy dịch mủ rất hôi.

cuu-cau-nho-nguoi-dan-ong-56-tuoi-dang-dan-dan-ho-tu-hinh-anh.png
Các bác sĩ phẫu thuật xử lý tình trạng "cậu nhỏ" của bệnh nhân đang hoại tử dần dần - Ảnh: BVCC

BSCK2 Nguyễn Vũ An - Trưởng khoa Ngoại Tổng quát của bệnh viện này cho biết qua thăm khám và thực hiện chỉ định xét nghiệm máu, chụp cộng hưởng từ vùng chậu, nội soi trực tràng, dựa trên những triệu chứng kết hợp với kết quả cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hoại tử Fournier tầng sinh môn, hoại tử tinh hoàn trái.

Sau khi hội chẩn cùng chuyên khoa Ngoại Tiết niệu, các bác sĩ khoa Ngoại Tổng quát đã thống nhất phẫu thuật mở bìu phá ổ áp xe, cắt lọc da hoại tử, cắt tinh hoàn trái.

“Chúng tôi chia 2 ekip thực hiện khá vất vả, cố gắng làm sạch vết mổ để hạn chế tối đa khả năng lây lan nhanh tại chỗ, và các biến chứng toàn thân như sốc nhiễm trùng nhiễm độc. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi, chăm sóc vết mổ tích cực hàng ngày và sử dụng kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ, điều chỉnh đường huyết. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, vết mổ khô, lành tốt, bệnh nhân ăn uống tốt và đi lại bình thường”, bác sĩ Nguyễn Vũ An cho biết thêm.

Theo bác sĩ Nguyễn Vũ An bệnh hoại tử Fournier, hay còn gọi là viêm mô tế bào hoại tử Fournier, là một loại nhiễm trùng hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mô mềm của vùng sinh dục, đáy chậu và vùng hậu môn. Bệnh thường xảy ra với nam giới, đặc biệt là những người có hệ miễn dịch suy giảm, mắc bệnh tiểu đường hoặc những người có vết thương hở ở vùng sinh dục.

Nguyên nhân của bệnh hoại tử Fournier chủ yếu là do nhiễm trùng từ vi khuẩn yếm khí và hiếu khí, như Escherichia coli, Streptococcus và Staphylococcus. Những vi khuẩn này thường xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương, viêm nhiễm hoặc phẫu thuật vùng sinh dục và hậu môn. Khi nhiễm trùng xảy ra, vi khuẩn sẽ nhanh chóng lan rộng và gây ra hoại tử mô mềm.

Khi mắc bệnh này, người bệnh sẽ thấy đau nhức dữ dội ở vùng sinh dục, hậu môn và bẹn, kèm theo sưng tấy, đỏ và nóng, có thể có sốt cao, mệt mỏi và chóng mặt. Nếu không được điều trị kịp thời, hoại tử Fournier có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, suy đa tạng và tử vong.

Đây là một bệnh nhiễm trùng nặng có nguy cơ tiến triển rất nhanh và nguy hiểm nên cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Việc điều trị ban đầu thường bao gồm sử dụng kháng sinh phổ rộng để kiểm soát nhiễm trùng. Phẫu thuật là cần thiết để loại bỏ mô hoại tử và ngăn chặn sự lan rộng của nhiễm trùng. Các bác sĩ cũng sẽ tiến hành các biện pháp hỗ trợ khác như điều chỉnh đường huyết cho bệnh nhân tiểu đường, tăng cường dinh dưỡng và chăm sóc vết thương.

Để phòng ngừa bệnh hoại tử Fournier, bác sĩ An khuyến cáo người dân cần duy trì vệ sinh cá nhân tốt, điều trị kịp thời các vết thương và kiểm soát các bệnh lý nền như: tiểu đường là rất quan trọng. Khi có các dấu hiệu bất thường tại cơ quan sinh dục hay vùng tầng sinh môn hãy đến ngay bệnh viện để phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

Hồ Quang