Tìm hiểu về hiện tượng tin học hóa xã hội

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 19:09, 01/08/2024

Dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, thế giới đang trải qua những biến đổi cực kỳ sâu sắc. Lực lượng sản xuất của xã hội đang trong quá trình chuyển biến với những bước tiến cơ bản về chất lượng.
Kiến thức - Học thuật

Tìm hiểu về hiện tượng tin học hóa xã hội

theo Giáo trình thông tin học 01/08/2024 19:09

Dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, thế giới đang trải qua những biến đổi cực kỳ sâu sắc. Lực lượng sản xuất của xã hội đang trong quá trình chuyển biến với những bước tiến cơ bản về chất lượng.

cpu.jpg
Con người ngày càng có nhu cầu về tin học

Tiến trình phát triển của khoa học và công nghệ

Sự chuyển dịch về công nghệ kéo theo sự chuyển dịch về kinh tế. Loài người đã trải qua hàng nghìn năm giai đoạn thứ nhất của nền văn minh - giai đoạn của nền sản xuất nông nghiệp thủ công. Tiếp đến giai đoạn thứ hai của nền văn minh nhân loại là giai đoạn của nền sản xuất cơ khí. Ngày nay với máy tính điện tử, với các thiết bị điều khiển tự động, các robot thông minh, loài người đang tiến tới giai đoạn thứ ba của nền văn minh, giai đoạn tin học hoá.

Trong giai đoạn của nền sản xuất nông nghiệp thủ công, con người sử dụng công nghệ thủ công. Đó là công nghệ mà nòng cốt là lao động chân tay của con người với các công cụ kỹ thuật thô sơ, bao gồm các ngành trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, các nghề thủ công. Năng lượng và công cụ sử dụng chủ yếu là năng lượng, công cụ có sẵn trong tự nhiên. Đó là năng lượng tự nhiên của con người, sức súc vật, sức gió, sức nước... Phạm vi tác dụng của công nghệ thủ công tới toàn bộ nền kinh tế xã hội của con người rất hạn hẹp, năng suất lao động rất thấp và của cải của xã hội được tạo ra rất hạn chế, vì nó bị giới hạn bởi khả năng lao động cơ bắp của con người, bởi các điều kiện sẵn có trong tự nhiên.

Trong giai đoạn của nền sản xuất cơ khí hoá, công nghệ cơ khí mà nòng cốt là các hệ thống máy móc đã nối dài bàn tay của con người trong việc chinh phục tự nhiên và xã hội. Với sự hỗ trợ của hệ thống máy móc (trong đó có máy phát lực, truyền lực và máy công tác) con người đã tạo ra năng suất lao động cao hơn nhiều so với lao động thủ công, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, góp phần nâng cao và hoàn thiện mọi mặt của đời sống con người.

Công nghệ cơ khí cũng tạo ra nhiều cơ sở hạ tầng mới phục vụ cho đời sống con người. Đó là các cơ sở năng lượng lớn, các hệ thống giao thông phát triển rộng khắp với các phương tiện vận tải bằng máy móc, giúp con người đi lại, vận chuyển hàng hoá nhanh chóng, thuận lợi bằng cả đường bộ, đường không và đường thuỷ. Công nghệ cơ khí cũng làm biến đổi khu vực sản xuất thủ công bằng cách hiện đại hoá hoặc thay thế nó ở những công đoạn cần thiết.

Công nghệ cơ khí giải phóng con người khỏi lao động chân tay đã làm thay đổi tốc độ phát triển kinh tế và cơ cấu kinh tế của các quốc gia. Giá trị của cải gia tăng, khu vực công nghiệp ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu sản phẩm của toàn xã hội.

Các thành tựu nghiên cứu về điện tử, về quá trình vận động của điện tử trong những môi trường vật chất khác nhau đã là nền tảng cho sự ra đời và phát triển nhanh chóng của kỹ thuật điện tử và vi điện tử. Nhờ đó con người giải quyết được những vấn đề phức tạp về đo lường, khuếch đại, biểu diễn và biến đổi tín hiệu. Đó là cơ sở của công nghệ thông tin, một ngành khoa học tiến nhanh như vũ bão trong mấy chục năm gần đây.

Hiện tượng tin học hoá xã hội

Sự ra đời và phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, mà cốt lõi của nó là hệ thống tri thức về tin học, thông tin viễn thông và hệ thống phương tiện kỹ thuật máy tính điện tử, kỹ thuật viễn thông, là cơ sở vững chắc của quá trình tin học hóa các hoạt động của con người trong mọi lĩnh vực sản xuất, kinh tế và xã hội.

Tin học hóa - đó là quá trình tự động hoá các hoạt động điều khiển, tức là tự động hoá các vận động thông tin. Quá trình đó đang tác động mạnh mẽ và xâm nhập vào các mặt hoạt động của con người: trong khoa học kỹ thuật, trong sản xuất và tổ chức sản xuất, trong thông tin liên lạc, trong các hoạt động kinh tế như ngân hàng, tài chính, thống kê, kế hoạch, trong điều tra cơ bản, trong các hoạt động dịch vụ, trong công tác hành chính văn phòng, trong quản lý kinh tế xã hội và trong quản lý sản xuất kinh doanh ...

Tin học hoá xã hội, đó là sự chuyển biến về chất của lực lượng sản xuất xã hội. Sự chuyển biến này kéo theo một loạt sự chuyển biến khác về tính chất lao động sản xuất của con người, về tổ chức sản xuất và kinh tế, về cơ cấu sản phẩm, cơ cấu lực lượng sản xuất và cơ cấu tạo thành giá trị của xã hội, về quan hệ xã hội ...

Ngày nay cùng với nhu cầu về vật chất (ăn, mặc, ở) nhu cầu về tinh thần (thông tin, tri thức, văn hoá nghệ thuật) của con người phát triển không ngừng. Ta thấy mấy chục năm gần đây cơ cấu sản phẩm tiêu dùng của thế giới thay đổi nhanh chóng. Các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thông tin của con người như máy thu thanh, thu hình, máy tính cá nhân, video, điện thoại truyền hình... đang không ngừng tăng lên nhanh chóng về chủng loại, số lượng và chất lượng.

Do khả năng ứng dụng rộng rãi trong đời sống kinh tế xã hội, nhu cầu của con người về thông tin và các sản phẩm về công nghệ thông tin ngày càng gia tăng. Trong công nghiệp thêm nhiều các sản phẩm là tư liệu sản xuất, công cụ lao động chứa các yếu tố xử lý thông tin và điều khiển tự động. Nền sản xuất xã hội hình thành nên một khu vực cung cấp các sản phẩm thông tin có giá trị gia tăng, các sản phẩm phần cứng và phần mềm. Từ đó ra đời khu vực thông tin trong nền kinh tế, còn gọi là kinh tế thông tin.

Việc sử dụng thông tin thiết kế và điều hành tự động sản xuất bằng máy tính và robot là một bước tiến mới trong kỹ thuật sản xuất, dẫn đến tạo ra một phương thức sản xuất mới - phương thức sản xuất linh hoạt. Với phương thức này, sản xuất không cần hàng loạt, không cần tiêu chuẩn hoá như trước đây mà linh hoạt, dễ dàng tạo nhiều mẫu mã khác nhau với số lượng nhỏ, thoả mãn yêu cầu đa dạng của khách hàng. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, quy mô sản xuất sẽ nhỏ lại, tính chất và công năng mặt hàng sẽ thay đổi liên tục nhằm đưa vào những đổi mới về kỹ thuật, chất lượng và mẫu mã.

Cơ cấu về nhu cầu sản phẩm và cơ cấu kinh tế thay đổi đã dẫn đến những thay đổi cơ bản trong cơ cấu tạo nên giá trị nền kinh tế quốc dân. Ở các nước có nền kinh tế phát triển hiện nay thì phần đóng góp giá trị của khu vực dịch vụ và thông tin cho nền kinh tế quốc dân ngày càng chiếm tỉ trọng lớn.

Những thay đổi trên đây trong nền sản xuất xã hội dẫn đến những thay đổi trong tính chất của lao động và cơ cấu thành phần lao động của xã hội. Ngày nay lao động điều khiển các máy móc cơ khí đã và đang được thay thế dần bằng các thiết bị tự động hoá. Kỹ thuật tin học phát triển đã làm mất đi một số lớn chỗ làm việc cũ, đồng thời cũng tạo ra nhiều chỗ làm việc mới. Nhiều nghề cũ mất đi, nhiều nghề mới ra đời. Như vậy, tin học hoá đã làm thay đổi tính chất lao động và cơ cấu nghề nghiệp. Trong xã hội tương lai, phần chủ đạo trong lao động của con người là lao động trí tuệ: thiết kế và tổ chức các hệ thống thông tin tự động hoá, các hệ thống điều khiển và quản lý bằng máy tính, thiết kế các loại máy tính thế hệ mới, các loại thiết bị chuyên dụng, các phần mềm, các hệ chuyên gia, các robot thông minh, ...

Một hệ quả của quá trình tin học hoá xã hội là ngày nay tính chất, chất lượng, quy mô và khả năng của việc sản xuất và truyền thông tin thay đổi khác hẳn thời kỳ trước, thể hiện tập trung ở các hệ thống thông tin viễn thông với các cơ sở dữ liệu và ngân hàng dữ liệu khổng lồ. Các hệ thống này cung cấp thẳng đến tận nhà những thông tin cần thiết vào lúc mà người ta yêu cầu.

Ngày nay do có khả năng với tới các thông tin một cách nhanh chóng từ mọi nơi, mọi câu hỏi đều được trả lời ngay, cho nên đã mở ra khả năng mới thực hiện sự đối thoại xã hội với quy mô lớn và chất lượng cao hơn. Thay cho các cộng đồng xã hội nhỏ, ở đó các thành viên trong xã hội đối thoại trực tiếp với nhau là mạng máy tính. Khả năng giao lưu giữa các nhóm người và các thành viên trong xã hội tăng lên. Độ phức tạp của xã hội cũng tăng lên nhanh chóng.

Kết cấu hạ tầng thông tin quốc gia là một hệ thống thống nhất của các mạng truyền thông, các máy tính, các cơ sở dữ liệu và ngân hàng dữ liệu, các phương tiện điện tử dân dụng, sẵn sàng cung cấp những lượng thông tin to lớn với mọi hình thức biểu hiện tới người sử dụng ở bất kỳ đâu, vào lúc mà họ cần. Như vậy công nghệ thông tin sẽ cung cấp những cách thức mới cho việc học tập, làm việc, giao lưu,... tóm lại là cách thức hoàn toàn mới cho việc ứng xử của con người.

Kết cấu hạ tầng thông tin quốc gia là cơ sở cho việc phát triển nhanh chóng nền kinh tế thông tin và xã hội thông tin trong tương lai.

theo Giáo trình thông tin học