Tesla tung bản cập nhật phần mềm cho 1,68 triệu ô tô điện ở Trung Quốc để khắc phục sự cố nắp ca pô

Thế giới số - Ngày đăng : 23:06, 06/08/2024

Tesla đang triệu hồi hầu hết ô tô điện đã bán trong 4 năm qua tại Trung Quốc đại lục để khắc phục sự cố phần mềm liên quan đến hệ thống khóa nắp ca pô.
Thế giới số

Tesla tung bản cập nhật phần mềm cho 1,68 triệu ô tô điện ở Trung Quốc để khắc phục sự cố nắp ca pô

Sơn Vân {Ngày xuất bản}

Tesla đang triệu hồi hầu hết ô tô điện đã bán trong 4 năm qua tại Trung Quốc đại lục để khắc phục sự cố phần mềm liên quan đến hệ thống khóa nắp ca pô.

Tổng cộng 1,68 triệu ô tô điện được sản xuất từ ​​ngày 17.10.2020 đến ngày 17.7.2024 sẽ tham gia vào đợt triệu hồi này. Đây là đợt triệu hồi lớn nhất của hãng sản xuất ô tô Mỹ tại Trung Quốc đại lục, theo tuyên bố do Cục Quản lý Thị trường Nhà nước công bố hôm 8.6

Cơ quan quản lý này cho biết thêm rằng nắp ca pô không khóa có thể cản trở tầm nhìn của tài xế, gây ra nguy cơ tai nạn. Tesla cho biết sẽ triển khai bản cập nhật phần mềm qua mạng để khắc phục sự cố.

Các ô tô điện trong danh sách triệu hồi gồm Model 3 và Model Y được sản xuất ở Trung Quốc cũng như Model S, Model X nhập khẩu từ Mỹ.

Gao Shen, nhà phân tích độc lập tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), cho biết: "Số lượng ô tô điện bị triệu hồi khó có thể ảnh hưởng đến doanh số bán hàng và hoạt động của Tesla. Thái độ của Tesla về kiểm soát chất lượng cần được tôn trọng ở Trung Quốc vì họ liên tục triệu hồi xe để giảm thiểu rủi ro”.

Vào tháng 1, Tesla đã triệu hồi 1,6 triệu ô tô điện tại Trung Quốc, thị trường xe điện và ô tô lớn nhất thế giới, để khắc phục sự cố với hệ thống hỗ trợ lái xe Autopilot nhằm giảm thiểu nguy cơ va chạm.

tesla-tung-ban-cap-nhat-phan-mem-cho-1-68-trieu-o-to-dien-o-trung-quoc-de-khac-phuc-su-co-nap-capo.jpg
Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của Tesla sau Mỹ - Ảnh: AFP

Doanh số ô tô điện Tesla ở Trung Quốc đại lục đã tăng 37% lên 603.664 xe vào năm 2023, trở thành thị trường lớn thứ hai của công ty sau Mỹ. Tại Mỹ, doanh số ô tô điện Tesla tăng 25% lên 654.888 chiếc vào năm 2023.

Tesla đã trở thành công ty dẫn đầu trong phân khúc ô tô điện cao cấp của Trung Quốc kể từ khi Gigafactory 3 tại Thượng Hải, nhà máy lớn nhất của công ty trên toàn cầu, bắt đầu giao xe vào tháng 1.2020. Hiện tại, nhà máy này chỉ sản xuất Model 3 và Model Y.

Nhà máy ở Thượng Hải cũng xuất khẩu hai mẫu ô tô điện này của Telsa sang các thị trường khác, gồm cả Nhật Bản.

Kể từ năm 2021, Tesla đã có một số lần gặp rắc rối với các cơ quan quản lý cùng khách hàng ở Trung Quốc đại lục liên quan đến chất lượng và an toàn của ô tô điện.

Tesla đã củng cố mối quan hệ với các cơ quan quản lý của Trung Quốc sau chuyến thăm Bắc Kinh của Giám đốc điều hành Elon Musk hồi tháng 4. Tesla đã trở thành nhà sản xuất ô tô nước ngoài đầu tiên giành được sự chấp thuận từ các cơ quan quản lý an ninh dữ liệu của Trung Quốc, với việc Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Trung Quốc đưa Model 3 và Model Y vào danh sách các mẫu xe đáp ứng tiêu chuẩn an ninh quốc gia về sử dụng dữ liệu.

Tesla dự kiến ​​sẽ thử nghiệm phần mềm lái xe tự động Full Self-Driving (FSD) tại Trung Quốc vào cuối năm 2024.

FSD và Autopilot của Tesla khác nhau như thế nào?

1. Autopilot là hệ thống hỗ trợ người lái (ADAS) tiên tiến cung cấp các tính năng như:

- Giữ cho ô tô điện di chuyển với tốc độ đã cài đặt, tự động điều chỉnh tốc độ để phù hợp với xe phía trước.

- Giúp giữ cho xe đi đúng làn đường bằng cách sử dụng camera và cảm biến để theo dõi vạch kẻ đường.

- Tự động chuyển làn đường trên đường cao tốc khi được kích hoạt bằng đèn xi nhan.

- Tự động đỗ xe song song hoặc vuông góc với lề đường chỉ bằng một lần nhấn nút.

- Cho phép bạn gọi xe ra khỏi vị trí đỗ bằng ứng dụng điện thoại.

2. FSD là một hệ thống tự lái hoàn chỉnh hơn, xây dựng dựa trên Autopilot và bổ sung thêm các tính năng như:

- Tự động điều khiển xe trên đường cao tốc, bao gồm tự động vào/ra, đổi làn đường và xử lý nút giao thông.

- Khả năng tự lái trong môi trường đô thị, bao gồm điều hướng giao thông, xử lý biển báo và đèn giao thông, di chuyển an toàn qua các ngã tư.

- Tự động đỗ xe trong những không gian hẹp hoặc phức tạp hơn.

- Cho phép gọi xe đến vị trí của bạn từ bất cứ đâu.

FSD đang được Tesla cung cấp cho khách hàng ở dạng phiên bản Beta. Ngoài những điểm khác biệt chính nêu trên, FSD còn có một số tính năng bổ sung khác như:

- Có thể học hỏi từ kinh nghiệm lái xe của người dùng và điều chỉnh hành vi của nó cho phù hợp.

- Được cập nhật qua mạng với các tính năng và cải tiến mới.

- Tương tác với các phương tiện khác trên đường, chẳng hạn như ô tô tự lái và xe được kết nối với mạng lưới giao thông.

Elon Musk thúc đẩy kế hoạch sử dụng dữ liệu ô tô điện ở Trung Quốc cho tham vọng AI của Tesla

Tesla đang thúc đẩy kế hoạch sử dụng dữ liệu từ Trung Quốc để phát triển hệ thống hỗ trợ lái ô tô điện của mình toàn cầu, những người có kiến thức về công việc này chia sẻ với hãng tin Reuters.

Là một phần trong nỗ lực đó, Tesla đã triển khai kế hoạch cho một trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc để đào tạo thuật toán cần thiết cho các ô tô điện tự lái hoàn toàn, theo hai nguồn tin của Reuters.

Gần đây, Tesla đã tập trung vào nỗ lực đảm bảo được các cơ quan quản lý chấp thuận để chuyển dữ liệu do ô tô điện của họ tạo ra ở Trung Quốc khỏi nước này để phục vụ cho hệ thống FSD.

Chưa rõ liệu Tesla có tiến hành cả hai lựa chọn để xử lý dữ liệu lái tự động từ Trung Quốc là chuyển ra nước ngoài và xây trung tâm dữ liệu ở địa phương, hoặc triển khai hai kế hoạch song song như một biện pháp phòng ngừa.

Những nỗ lực này nhấn mạnh việc chuyển hướng của Tesla nhằm tạo đột phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) vào thời điểm nhu cầu ô tô điện đang chậm lại và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc.

Nỗ lực sử dụng đầy đủ hơn dữ liệu từ các ô tô điện ở Trung Quốc để phát triển AI cho việc hỗ trợ lái xe của Tesla diễn ra khi chính phủ Mỹ đang cố gắng hạn chế việc chuyển giao công nghệ AI từ các công ty Mỹ sang quốc gia châu Á này.

Tesla vẫn chưa thể cung cấp phiên bản đầy đủ của FSD (có giá tương đương gần 9.000 USD) tại Trung Quốc.

Thị trường rộng lớn hơn cho FSD ở Trung Quốc sẽ thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận của Tesla vào thời điểm gặp áp lực từ các đối thủ trong nước này, chẳng hạn BYD (hãng sản xuất ô tô điện lớn nhất Trung Quốc).

Việc xây một trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc để phát triển FSD sẽ yêu cầu Tesla phải hợp tác với một đối tác nước này, theo hai nguồn tin của Reuters. Ngoài ra, hãng ô tô điện Mỹ còn gặp thách thức tiềm năng về tìm nguồn cung ứng phần cứng.

Tesla đã có các cuộc thảo luận với Nvidia về việc mua các bộ xử lý đồ họa (GPU) cho một trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc, theo một trong những người được thông báo về các cuộc thảo luận. Tuy nhiên, chính quyền Biden đã cấm Nvidia và các công ty Mỹ khác xuất khẩu chip AI tiên tiến nhất sang Trung Quốc.

Nvidia từ chối bình luận về việc liệu hãng có đàm phán với Tesla hay không.

Chiến dịch tận dụng nhiều hơn dữ liệu từ Trung Quốc của Tesla đã được đẩy mạnh khi Elon Musk có chuyến đi gấp rút tới Bắc Kinh vào tháng 4 và gặp các quan chức nước này, trong đó có Thủ tướng Lý Cường.

Trong cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc, Elon Musk tìm cách để được cấp phép cho việc chuyển dữ liệu của Tesla ra nước ngoài, hai nguồn tin của Reuters cho biết. Khả năng Tesla đầu tư xây một trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc cũng được đề cập đến.

Elon Musk cũng thảo luận về khả năng Tesla cấp phép hệ thống FSD của mình cho các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc. Hồi tháng 4, tỷ phú 52 tuổi người Mỹ cho biết Tesla đang nói chuyện với một nhà sản xuất ô tô lớn khác về về việc cấp phép FSD nhưng không nêu tên.

Tác động từ Trung Quốc

Trung Quốc sở hữu đội ô tô được trang bị cảm biến lớn nhất có khả năng thu thập dữ liệu từ các thành phố đông đúc với mô hình giao thông phức tạp, khiến dữ liệu được tạo ra ở đây trở nên có giá trị với các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp AI. Trung Quốc cũng chính là thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

Trước đây, Elon Musk phản đối ý tưởng Tesla xây dựng một trung tâm dữ liệu tại Trung Quốc, cho rằng việc chuyển dữ liệu sang Mỹ là lựa chọn hiệu quả nhất.

Kể từ năm 2021, Tesla đã lưu trữ dữ liệu, mà các ô tô điện ở Trung Quốc của hãng thu thập, tại thành phố Thượng Hải. Trong thời gian đó, đội ngũ của Tesla ở Trung Quốc đã tìm kiếm sự chấp thuận từ các cơ quan quản lý để chuyển dữ liệu ra khỏi nước này.

Theo dự án thí điểm kéo dài một năm, các công ty ở khu vực Lingang của Thượng Hải, nơi đặt nhà máy Tesla, sẽ được phép chuyển một số dữ liệu nhất định mà không cần đánh giá thêm về bảo mật, Reuters đưa tin.

Một số nhà phân tích nói rằng Elon Musk đang cố gắng biến Trung Quốc thành bệ phóng cho ô tô điện tự lái giống như cách Tesla đặt cược vào nhà máy ở Thượng Hải năm 2019, giúp hãng này bứt phá trở thành nhà sản xuất xe điện cho thị trường đại chúng.

Yale Zhang, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Automotive Foresight có trụ sở tại Thượng Hải, nhận xét: “Đây chắc chắn sẽ là cột mốc quan trọng với Tesla nếu hãng triển khai FSD ở Trung Quốc và tận dụng dữ liệu Trung Quốc để đào tạo thuật toán. Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng quy mô sản xuất ô tô điện cho Tesla thông qua nhà máy ở Thượng Hải. Nước này sẽ một lần nữa đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng quy mô áp dụng rộng rãi các công nghệ lái xe tự động”.

Nhiều chuyên gia trong ngành dự báo sẽ phải mất nhiều năm nữa ô tô tự lái hoàn toàn mới trở nên phổ biến, nhưng các dự đoán rất khác nhau.

Các tính năng hỗ trợ lái ô tô hiện được cung cấp ở Trung Quốc là hệ thống cấp độ 2, nghĩa là yêu cầu tài xế sẵn sàng can thiệp. FSD và tùy chọn Autopilot kém tiên tiến hơn của Tesla cũng là hệ thống cấp độ 2, yêu cầu tài xế phải luôn tập trung.

Nhiều đội ô tô tự động hơn của Baidu (hãng điều hành công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc) và Pony.ai (công ty khởi nghiệp về xe tự lái) được chạy trong các khu vực thử nghiệm hạn chế.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc, gồm cả BYD, đã ưu tiên các hệ thống hỗ trợ người lái và xe tự lái tiên tiến. Mercedes và BMW đã được cấp giấy phép để thử nghiệm hệ thống cấp độ 3 cho phép tài xế rời tay khỏi vô lăng và nhìn sang chỗ khác trên nhiều tuyến đường hơn ở Trung Quốc.

Ít nhất 5 nhà sản xuất ô tô, gồm Hyundai, Mazda, Toyota, Volkswagen và Nissan, được chấp thuận chuyển một số dữ liệu của họ ra khỏi Trung Quốc, nhưng không có sự phê duyệt nào trong số đó dành cho dữ liệu được sử dụng để đào tạo hệ thống AI, theo các luật sư, phương tiện truyền thông nhà nước và các nhà phân tích.

Các hình phạt với hành vi vi phạm luật bảo mật dữ liệu có hiệu lực ở Trung Quốc vào năm 2021 là yếu tố rủi ro chính với hoạt động chia sẻ dữ liệu, theo các nhóm đại diện cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc.

Khi được hỏi về sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc, Elon Musk cho biết Tesla nên được xem như một công ty AI nhiều hơn.

Ông tin tưởng hệ thống FSD của Tesla sẽ hoạt động “khá tốt mà không cần sửa đổi ở hầu hết mọi thị trường”. Elon Musk nói FSD sẽ hoạt động tốt hơn với chương trình đào tạo “dành riêng cho từng quốc gia”.

Sơn Vân