TP.HCM chi hơn 96.000 tỉ đồng xây 49 cây cầu và làm đường
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 12:50, 10/10/2018
Theo đó, trong năm nay, TP.HCM hướng tới làm mới và đưa vào sử dụng 33,5km đường bộ và 14 cây cầu. Mật độ đường giao thông đạt 2,06km/km². Tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 8,97% đất xây dựng đô thị. Khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng từ 9,6% nhu cầu giao thông đô thị. Số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông giảm 5% so với năm 2017.
Năm 2019, TP.HCM đặt mục tiêu làm mới và đưa vào sử dụng 75km đường bộ và 17 cây cầu. Mật độ đường giao thông đạt 2,14km/km². Tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 10,01% đất xây dựng đô thị. Khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng được từ 11,2% nhu cầu giao thông đô thị. Số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông giảm 5% so với năm 2018.
Năm 2020, TP.HCM phấn đấu làm mới và đưa vào sử dụng 81km đường bộ và 18 cây cầu. Mật độ đường giao thông đạt 2,2km/km². Tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,2% đất xây dựng đô thị. Khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng được từ 15% nhu cầu giao thông đô thị. Số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông giảm 5% so với năm 2019.
Tổng nguồn lực thực hiện chương trình trong giai đoạn này là 96.159 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí thực hiện các dự án là 84.645 tỉ đồng, kinh phí đầu tư đoàn phương tiện phục vụ hoạt động vận tải hành khách cộng cộng đến năm 2020 là 11.514 tỉ đồng.
Để thực hiện các mục tiêu đề ra trong chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, TP.HCM cũng đề ra nhiều giải pháp thực hiện. Cụ thể, thành phố ưu tiên sử dụng ngân sách để thực hiện các công trình giao thông thực sự cần thiết để đầu tư, đảm bảo phát huy hiệu quả khi đưa vào sử dụng.
Đồng thời, ứng dụng các công nghệ hiện đại của thế giới trong quá trình thiết kế và thi công để đảm bảo chất lượng công trình, tránh lãng phí và hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Cùng với đó, thành phố sẽ xây dựng đề án huy động tổng thể các nguồn lực để phục vụ cho đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2018 - 2022. Tập trung các nguồn lực để phát triển vận tải hành khách công cộng (đường bộ, đường thủy), hệ thống bến bãi phục vụ vận tải nhằm thu hút người dân tham gia và triển khai thực hiện các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.
Đáng chú ý, thành phố còn đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến BRT số 1 trên Đại lộ Đông Tây, tiến độ thực hiện dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành - Tham Lương.
TP.HCM tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng liên quan trong việc kiểm soát các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông và điểm đen về tai nạn giao thông. Hoàn thành và đưa vào sử dụng dự án nâng cấp hệ thống điều khiển giao thông hiện hữu phục vụ công tác điều hành giao thông đô thị trong năm 2018. Rà soát, sắp xếp lại các vị trí dừng đỗ xe dưới lòng đường, vỉa hè. Có giải pháp hạn chế sử dụng lòng đường làm chỗ đỗ xe, mở rộng việc thu phí đỗ xe dưới lòng đường trên toàn địa bàn thành phố.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ tập trung xử lý nghiêm các công trình xây dựng có chiếm dụng lòng đường, vỉa hè, để vật liệu rơi vãi, có ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
UBND TP.HCM cũng quyết định thành lập Ban Điều hành chương trình hành động giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2018 - 2020 gồm 35 thành viên, do Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến làm Trưởng ban.
Phan Diệu