Vì sao dự án ‘siêu nhà máy giấy’ 220 triệu USD bị phản đối?
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 09:54, 18/10/2018
Như Báo điện tử Một Thế Giới đã thông tin, UBND tỉnh Tiền Giang vừa quyết định hủy bỏ,thu hồi dự án “siêu" Nhà máy giấy Đại Dương trị giá 220 triệu USD tại Khu công nghiệp (KCN) Long Giang (xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước). Đây là dự án có tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh.
Lý do UBND tỉnh quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy giấy Đại Dương của Công ty TNHH NMG Đại Dương chủ yếu là do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường có thể xảy ra từ loại hình sản xuất đặc thù này, ô nhiễm không chỉ riêng địa bàn Tiền Giang mà có thể ảnh hưởng đến nhiều tỉnh lân cận.
Hồi năm 2016, ngay sau khi UBND tỉnh Tiền Giang công bố thông qua việc cho đầu tư dự án “siêu nhà máy giấy” đã gặp sự phản đối gay gắt từ phía người dân trong khu vực và các nhà khoa học về môi trường, chủ yếu là do quan ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ xảy ra khi nhà máy giấy hoạt động.
Theo công bố của Sở TN&MT tỉnh Tiền Giang, ở giai đoạn đầu dự án “siêu nhà máy giấy” sản xuất 175.000 tấn sản phẩm/năm, có lượng nước xả thải khoảng 5.000 m3/ngày đêm ra kênh Năng, tuyến thủy lộ quan trọng nối vùng Đồng Tháp Mười và sông Bảo Định, sông Tiền. Khi dự án đạt công suất tối đa thì lượng nước thải xả ra môi trường tự nhiên sẽ cao hơn.
Lúc bấy giờ điều làm dư luận lo ngại là nước thải của nhà máy giấy có nhiều thành phần hóa học gây ô nhiễm rất nguy hại đối với sức khỏe con người, nguồn nước mặt tự nhiên và nghề nuôi trồng thủy sản trong toàn khu vực. Theo các nhà khoa học, công nghệ sản xuất giấy phải sử dụng rất nhiều nước. Tùy theo công nghệ sản xuất và sản phẩm, lượng nước cần thiết để sản xuất 1 tấn giấy dao động từ 200-500 m3, sử dụng để rửa nguyên liệu, tẩy, xeo giấy, sản xuất hơi nước và hầu như tất cả lượng nước đưa vào sử dụng sẽ là lượng nước thải ra, mang theo rất nhiều hóa chất độc hại gây ô nhiễm môi trường.
Nếu NMG Đại Dương cần tối thiểu 200 m3 nước để sản xuất ra 1 tấn giấy thì ước tính nhà máy phải sử dụng khoảng 35 triệu m3 trong giai đoạn 1 (hơn 95.000 m3/ngày đêm) và con số này sẽ là hơn 82 triệu m3/năm (khoảng hơn 226.000 m3/ngày, đêm) khi nhà máy chạy hết công suất.
Kênh Năng, thủy lộ chính nối vùng Đồng Tháp Mười với sông Bảo Định, sông Tiền, không còn lo ô nhiễm vì nước thải của “siêu nhà máy giấy” - Ảnh: Thanh Anh
Khi đó, Công ty TNHH NMG Đại Dương cho rằng họ sử dụng giấy phế liệu để tái chế nên mỗi ngày nhà máy chỉ cần khoảng 6.000 m3 nước mặt lấy từ kênh Năng để phục vụ sản xuất (hơn 2 triệu m3/năm), trong đó lượng nước xả thải chỉ khoảng 5.000 m3 (hơn 1,8 triệu m3/năm, bình quân hơn 12,5 m3 nước để sản xuất 1 tấn giấy) và cam kết sẽ sử dụng công nghệ hiện đại nhất từ châu Âu để xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cột A theo quy định của Bộ TN&MT. Dù nước thải của nhà máy giấy có hàm lượng COD và BOD cao hơn nguồn nước mặt, nhưng khi nước thải hòa vào nước sông thì nước thải sẽ được làm sạch theo cơ chế dòng chảy tự nhiên.
Nhưng các nhà khoa học cho rằng việc sử dụng hơn 12,5 m3 nước để sản xuất 1 tấn giấy từ nguồn giấy phế liệu là không thuyết phục! Bởi lẽ sản xuất giấy từ nguồn giấy phế liệu cần rất nhiều nước với nhiều loại hóa chất độc hại để ngâm mềm, đánh tơi, tẩy rửa chất bẩn, mực in, màu sắc… của nguyên liệu. Với lượng nước thải khổng lồ như đã nêu trên thì kênh Năng không thể tự làm sạch theo cơ chế dòng chảy.
Vì vậy nước thải công nghiệp sản xuất giấy chứa nhiều hóa chất có độc tính cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Điều đáng quan ngại là từ kênh Năng nguồn nước thải này có thể lan vào vùng Đồng Tháp Mười, lưu vực sông Bảo Định, sông Tiền, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và hoạt động du lịch của các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, gây nguy cơ mắc các bệnh nan y cho người dân trong toàn khu vực.
Dự án “siêu nhà máy giấy" Đại Dương vừa chính thức bị UBND tinh Tiền Giang mạnh tay hủy bỏ vì lo ô nhiễm toàn vùng - Ảnh: Thanh Anh
Sau khi thông tin UBND tỉnh Tiền Giang công bố thông tin hủy bỏ dự án “siêu NMG Đại Dương”, nhiều người dân trong khu vực không giấu được sự vui mừng. Ông Nguyễn Hoài Sơn, người dân ấp 1, xã Tân Lập 1, cho biết trước đây khi dự án nhà máy giấy được công bố thì người dân trong xã rất lo lắng.
“Từ khi có KCN Long Giang xả nước thải ra kênh Năng thì mọi người không còn dám sử dụng nguồn nước kênh để tắm giặt, ăn uống vì ô nhiễm, ngứa ngáy, bị nhiều bệnh ngoài da, nhưng con kênh này vẫn là nguồn nước sản xuất rất quan trọng với người dân trong vùng.
Khi UBND tỉnh Tiền Giang công bố dự án “siêu NMG” với lượng nước thải xả ra kênh rất lớn thì người dân bất an, nên hàng ngàn người đã cùng ký tên vào lá đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh, yêu cầu không triển khai dự án để bảo vệ nguồn nước sản xuất. Nay nghe tin UBND tỉnh hủy bỏ dự án này, tui và bà con trong ấp thấy hợp tình, hợp lý”, ông Sơn nói.
Còn bà Nguyễn Cẩm Tú, cư dân TP.Tân An (tỉnh Long An), bày tỏ: “Nghe tin UBND tỉnh Tiền Giang dừng dự án “siêu nhà máy giấy” ở huyện Tân Phước tui và nhiều người mừng lắm. Bởi lẽ theo tui biết nước thải độc hại của dự án này sẽ xả thẳng ra kênh Năng rồi chảy vào sông Bảo Định, mà sông Bảo Định là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho TP.Tân An. Nên khi UBND tỉnh Tiền Giang công bố dự án tui và nhiều người rất lo trước nguy cơ mắc nhiều bệnh tật do nguồn nước thải gây ô nhiễm”.
Thanh Anh
Lo ngại ô nhiễm, Tiền Giang hủy dự án nhà máy giấy 220 triệu USD