Không nhiều doanh nghiệp bất động sản có thể cơ cấu lại nguồn vốn qua kênh trái phiếu

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 17:50, 07/08/2024

7 tháng đầu năm, ngoài nhóm ngân hàng vẫn tham gia tích cực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vẫn không có nhiều doanh nghiệp bất động sản có thể cơ cấu nợ thông qua việc phát hành mới hay mua lại trước hạn.
Tài chính và đầu tư

Không nhiều doanh nghiệp bất động sản có thể cơ cấu lại nguồn vốn qua kênh trái phiếu

Lam Thanh 07/08/2024 17:50

7 tháng đầu năm, ngoài nhóm ngân hàng vẫn tham gia tích cực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vẫn không có nhiều doanh nghiệp bất động sản có thể cơ cấu nợ thông qua việc phát hành mới hay mua lại trước hạn.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong tháng 7.2024 có 56 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ thành công với số lượng khoảng 45 nghìn tỉ đồng, giảm 15% so với tháng 6, song tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023; số lượng mua lại trước hạn là 88,8 nghìn tỉ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2023.

Còn theo báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), quy mô phát hành TPDN trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt xấp xỉ 173,6 nghìn tỉ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thị trường sơ cấp TPDN trong 7 tháng đầu năm 2024 khá cô đặc khi 72% quy mô phát hành tập trung ở nhóm ngân hàng, 19% tập trung ở nhóm bất động sản (BĐS) và xây dựng.

Trong đó, những ngân hàng có quy mô phát hành TPDN lớn nhất trong 7 tháng đầu năm 2024 là ACB (23,2 nghìn tỉ đồng), TCB (22 nghìn tỉ đồng) và MBB (18,6 nghìn tỉ đồng).

Lượng TPDN phát hành ở nhóm BĐS nổi bật nhất là Tập đoàn Vingroup (8 nghìn tỉ đồng) và VHM (12,5 nghìn tỉ đồng).

Lãi suất phát hành bình quân của trái phiếu của nhóm ngân hàng giảm nhẹ 40 điểm cơ bản còn 6,4%/năm trong 7 tháng năm 2024. Trong khi đó, chi phí huy động vốn qua kênh TPDN của nhóm doanh nghiệp BĐS không thay đổi nhiều so với năm ngoái, bình quân khoảng 11,5%/năm.

tpdn.jpeg
Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất lớn

Trong khi việc phát hành TPDN có vẻ sôi động trở lại, quy mô mua lại TPDN trong 7 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt khoảng 98 nghìn tỉ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Tương tự, hoạt động mua lại cũng tập trung ở nhóm ngân hàng và BĐS, xây dựng.

Trong đó, những ngân hàng có quy mô mua lại lớn nhất trong 7 tháng đầu năm 2024 gồm có TCB ( khoảng 14 nghìn tỉ đồng), MBB (khoảng 12,7 nghìn tỉ đồng) và OCB (8,4 nghìn tỉ đồng).

Áp lực đáo hạn TPDN vẫn lớn nhất ở nhóm BĐS và xây dựng, quy mô đáo hạn 5 tháng cuối năm 2024, năm 2025 và 2026 lần lượt là 47,6 nghìn tỉ đồng, 87,6 nghìn tỉ đồng, 90 nghìn tỉ đồng.

Bình luận về điều này, các chuyên gia của VDSC cho rằng không nhận thấy nhiều sự vận động mới trên thị trường TPDN trong 7 tháng đầu năm 2024. Ngoài nhóm ngân hàng vẫn tham gia tích cực trên thị trường thì không có nhiều doanh nghiệp BĐS có thể cơ cấu nợ thông qua việc phát hành mới hay mua lại trước hạn.

Ngoài ra, chi phí huy động TPDN của nhóm BĐS vẫn duy trì ở mức cao trong 7 tháng năm 2024 phản ánh rủi ro cao của nhóm doanh nghiệp này.

Trước đó, báo cáo của Chứng khoán MB cho biết hiện tại tổng trị giá TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán ước vào khoảng 209.800 tỉ đồng, chiếm 21% dư nợ TPDN của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành BĐS tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 68% trị giá chậm trả.

Ước tính có khoảng hơn 95.300 tỉ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong 6 tháng cuối năm, trong đó chủ yếu đến từ nhóm ngành BĐS với trị giá TPDN đáo hạn lên đến hơn 61.900 tỉ đồng, chiếm 65% tổng trị giá đáo hạn.

VIS Rating cũng đưa ra ước tính có đến khoảng 60% trong 9 nghìn tỉ đồng trái phiếu đáo hạn có nguy không trả được nợ gốc đúng hạn trong tháng 7.

“Trong 12 tháng tới, khoảng 18% trái phiếu đang lưu hành với tổng trị giá là 207 nghìn tỉ đồng sẽ đáo hạn. Chúng tôi ước tính 27% trái phiếu có rủi ro không trả được nợ gốc đúng hạn chủ yếu ở các ngành BĐS dân cư và xây dựng. 65% trong số trái phiếu này đã chậm trả lãi trái phiếu trước đó”, VIS Rating dự báo.

Lam Thanh