Xây dựng các dự án sửa đổi 13 luật để tháo gỡ các vấn đề cấp bách
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:50, 08/08/2024
Xây dựng các dự án sửa đổi 13 luật để tháo gỡ các vấn đề cấp bách
Thủ tướng giao các bộ khẩn trương nghiên cứu, thực hiện việc xây dựng các dự án luật để sửa đổi 13 luật có nhiều vướng mắc, vấn đề cấp bách cần xử lý để trình Quốc hội ngay tại kỳ họp tới.
Chiều 7.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo.
Ngay sau khi Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được thành lập, ngày 8.7, Thường trực Chính phủ và Ban Chỉ đạo đã họp phiên thứ nhất để xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã nhận được báo cáo của 15 bộ, cơ quan ngang bộ, 55 địa phương và một số hiệp hội, doanh nghiệp về rà soát văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời nhận được 594 kiến nghị đối với 13 luật.
Trên cơ sở rà soát, Bộ Tư pháp và nhóm giúp việc ban chỉ đạo đã tổng hợp, phân loại các vướng mắc, bất cập mang tính cấp bách cần xử lý tại 13 luật để tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện nay.
Trong đó, Luật Đầu tư có 4 nhóm nội dung; Luật Đầu tư công có 7 nhóm nội dung; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (luật PPP) có 5 nhóm nội dung; Luật Doanh nghiệp có 1 nội dung, Luật Quy hoạch và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch có 10 nhóm nội dung; Luật Ngân sách Nhà nước có 5 nhóm nội dung; Luật Quản lý thuế có 5 nhóm nội dung; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có 9 nhóm nội dung; Luật Kế toán có 7 nhóm nội dung; Luật Dự trữ quốc gia có 2 nhóm nội dung; Luật Kiểm toán độc lập có 7 nhóm nội dung; Luật Chứng khoán có 8 nhóm nội dung.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận Bộ Tư pháp - cơ quan thường trực đã kịp thời phối hợp các bộ, ngành, địa phương, chủ động tổ chức triển khai các hoạt động theo yêu cầu nhiệm vụ; cảm ơn Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội luôn quyết tâm, đồng hành cùng Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ trong rà soát, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý.
Thủ tướng cho rằng việc rà soát, xử lý các vướng mắc trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn. Cần tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.
Theo đó, cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, luật hóa. Việc tháo gỡ vướng mắc góp phần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tinh thần có kế thừa và phát triển, có điều chỉnh và bổ sung.
Phạm vi, đối tượng là các vướng mắc mang tính cấp bách cần xử lý, tháo gỡ để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, giảm thủ tục hành chính, phiền hà, sách nhiễu, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, thực hiện việc xây dựng các dự án luật để sửa đổi 13 luật có nhiều vướng mắc, bất cập mang tính cấp bách cần xử lý để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (tháng 10.2024), bảo đảm tính khả thi cao, hiệu quả khi các luật đi vào cuộc sống.