Khủng hoảng chính trị ở Bangladesh ảnh hưởng đến Ấn Độ như thế nào?

Quốc tế - Ngày đăng : 17:47, 08/08/2024

Theo trang News18, sự sụp đổ của chính phủ Thủ tướng Sheikh Hasina không chỉ tác động lớn đến Bangladesh mà còn làm rung chuyển tình hình địa chính trị khu vực, trong đó có quan hệ với Ấn Độ.
Quốc tế

Khủng hoảng chính trị ở Bangladesh ảnh hưởng đến Ấn Độ như thế nào?

Cẩm Bình {Ngày xuất bản}

Theo trang News18, sự sụp đổ của chính phủ Thủ tướng Sheikh Hasina không chỉ tác động lớn đến Bangladesh mà còn làm rung chuyển tình hình địa chính trị khu vực, trong đó có quan hệ với Ấn Độ.

Bangladesh là đồng minh quan trọng của Ấn Độ từ khi bà Hasina lên nắm quyền vào năm 2009. Với sự ra đi của nữ lãnh đạo này và chính phủ lâm thời được quân đội hậu thuẫn lên nắm quyền, việc hợp tác an ninh lẫn quan hệ thương mại có thể bị ảnh hưởng.

Mối quan hệ của New Delhi với Dhaka thường xuyên căng thẳng khi đảng Dân tộc Bangladesh (BNP) lãnh đạo Bangladesh và khi chính trị gia Khaleda Zia làm thủ tướng. Khi đó, Mặt trận Giải phóng Thống nhất Assam (ULFA) cùng một số lực lượng nổi dậy khác được phép lập căn cứ trên lãnh thổ Bangladesh để lên kế họach tấn công Ấn Độ.

Sau khi Hasina trở lại nắm quyền vào tháng 1.2009, bà đã đảo ngược chính sách của chính phủ BNP. Sự hợp tác ngầm giữa các cơ quan an ninh của Bangladesh và Ấn Độ khiến nhiều kẻ nổi dậy bị bắt giữ.

Tuy nhiên thời gian gần đây nữ lãnh đạo này cũng biết tận dụng lợi thế địa chính trị của nước mình trong bối cảnh Ấn - Trung cạnh tranh mạnh mẽ, mở ra cơ hội cho Trung Quốc đầu tư hàng loạt dự án lớn, theo báo cáo của Deccan Herald. Do đó, tình hình hiện tại ở Bangladesh đặt ra một số thách thức đối với Ấn Độ.

screenshot-2024-08-06-182041.png

Thách thức an ninh phía trước

Khủng hoảng chính trị tại Bangladesh xảy ra 3 năm sau khi Taliban giành lại quyền lực ở Afghanistan, tạo lợi thế cho Pakistan và gây bất an cho Ấn Độ.

Ấn Độ càng thêm lo lắng khi bà Hasina mất đi quyền lực. Một số tổ chức cực đoan ở Bangladesh có mối liên hệ với nhóm khủng bố hàng đầu Nam Á Lashkar-e-Taiba hoạt động trên lãnh thổ Pakistan. Vì vậy New Delhi đang theo dõi chặt chẽ tình hình khủng hoảng.

Thương mại song phương

Về thương mại, Bangladesh là đối tác lớn nhất của Ấn Độ trong khu vực còn Ấn Độ là đối tác lớn thứ hai của Bangladesh (sau Trung Quốc). Tổng kim ngạch song phương năm tài khóa 2023 - 2024 đạt 13 tỉ USD.

Bangladesh là thị trường nhập khẩu bông lớn nhất của Ấn Độ khi chiếm đến 34,9% tổng kim ngạch (khoảng 2,4 tỉ USD). Mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác còn có ngũ cốc và dầu mỏ. Chiều ngược lại, Ấn Độ nhập khẩu đến 391 triệu USD hàng may mặc của Bangladesh (năm tài khóa 2023 – 2024).

Năm 2013, hai nước thảo luận về một hiệp định thương mại tự do giúp giảm hoặc xóa bỏ thuế quan cho hàng hóa giao thương.

Hạ tầng và kết nối

Kể từ năm 2016, Ấn Độ mở rộng hạn mức tín dụng cho Bangladesh vay 8 tỉ USD để phát triển hạ tầng đường bộ, đường sắt lẫn đường biển. Tháng 11 năm ngoái hai tuyến đường sắt Akhaura - Agartala và cảng Khulna - Mongla do hai nước hợp tác xây dựng được khánh thành.

Tuyến Akhaura - Agartala là tuyến đường sắt xuyên biên giới thứ 6, giúp rút ngắn thời gian di chuyển cũng như thúc đẩy du lịch lẫn thương mại.

Bất cứ gián đoạn nào trong quan hệ song phương sẽ hạn chế khả năng tiếp cận vùng Đông Bắc, vốn kết nối với đại lục nước này qua phần đất giữa bang Tây Bengal với bang Assam.

Tác động đến các công ty trong ngành hàng tiêu dùng (FMCG)

Khủng hoảng chính trị Bangladesh chưa tác động đáng kể đến các công ty Ấn Độ, nhưng doanh thu trong quý tới của họ có thể bị ảnh hưởng.

Công ty FMCG Marico thành lập công ty con ở Bangladesh vào năm 1999 và niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Dhaka vào năm 2009. Báo cáo của The Economic Times cho biết hoạt động kinh doanh ở Bangladesh chiếm đến 44% doanh thu từ thị trường nước ngoài và đóng góp đáng kể cho hoạt động chung của Marico.

Theo đánh giá của CITI, công ty Ấn Độ có nhà máy sản xuất tại Bangladesh sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất, dẫn đến tình trạng chậm trễ và thiếu hụt nguồn cung trên thị trường. Việc gián đoạn có thể buộc họ phải tìm kiếm giải pháp sản xuất thay thế để giảm thiểu những ảnh hưởng.

“Bối cảnh bất ổn ở Bangladesh làm dấy lên làn sóng chuyển dịch đáng chú ý sang các trung tâm sản xuất thay thế như động thái chiến lược nhằm đa dạng hóa cơ sở sản xuất và giảm phụ thuộc vào một thị trường duy nhất”, CITI xác định. Trung tâm dệt may Tirupur ở Ấn Độ sẽ hưởng lợi.

Bangladesh là thị trường quan trọng của hàng dệt may Ấn Độ. Quốc gia này vừa là trung tâm sản xuất vừa là thị trường nhập khẩu quan trọng của Ấn Độ.

Cẩm Bình