Hiện tượng bùng nổ thông tin và những hệ quả

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 20:44, 08/08/2024

“Bùng nổ thông tin” là thuật ngữ đặc trưng cho sự gia tăng mạnh mẽ các sản phẩm thông tin tư liệu trên thế giới trong mấy chục năm gần đây.
Kiến thức - Học thuật

Hiện tượng bùng nổ thông tin và những hệ quả

theo Giáo trình thông tin học {Ngày xuất bản}

“Bùng nổ thông tin” là thuật ngữ đặc trưng cho sự gia tăng mạnh mẽ các sản phẩm thông tin tư liệu trên thế giới trong mấy chục năm gần đây.

tt.jpg
Thế giới đang trong giai đoạn bùng nổ thông tin với tốc độ mạnh mẽ nhất trong lịch sử loài người

Khái niệm này được đưa ra chính thức vào năm 1986 bởi Derek de la Solla Price, với ý nghĩa là sự phát triển bùng nổ của các tạp chí khoa học. Một vài con số dưới đây cho phép ta đánh giá mức độ của hiện tượng và xu thế của nó.

Hiện tượng bùng nổ thông tin

Từ vài vạn tên tạp chí vào đầu thế kỷ 20, đến năm 1972 đã có tới 170.000 ấn phẩm định kỳ. Trong năm 1970 trung bình mỗi ngày có 600 tài liệu khoa học được công bố (tức là khoảng 2.000.000 tài liệu mỗi năm). Con số này tăng lên từ 4 đến 5 lần vào năm 1985.

Đó là một tỷ lệ tăng rất nhanh. Một đặc trưng của hiện tượng này là độ gia tăng của nó còn tiếp tục trong những năm gần đây. Tỷ lệ này là 9,5% trong những năm 60 và đạt tới 10,5% vào năm 1971. Trái với một vài dự báo về sự bão hoà, nó còn tiếp tục gia tăng ngày càng nhanh, đặc biệt khi internet và mạng xã hội ra đời.

Hiện tượng này gây ra chủ yếu bởi sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật hiện đại và sự đổi mới công nghệ. Người ta có thể mô tả điều đó bằng hình ảnh sau. Theo tổ chức Liên hiệp Giáo dục Quốc gia Mỹ: “Từ Thiên Chúa giáng sinh đến 1750 năm sau, tri thức loài người mới tăng gấp đôi. Việc tăng gấp đội lần thứ hai được thực hiện trong vòng 150 năm sau, tức là vào năm 1900... Việc tăng gấp đôi lần thứ tư chỉ diễn ra trong vòng một thập niên sau năm 1950. Nói cách khác cứ 50 năm tri thức khoa học lại tăng lên 10 lần”.

Sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ thể hiện ở chỗ ngày nay những thành tựu của khoa học và công nghệ ngày càng nhanh chóng đi vào đời sống. Khoảng thời gian từ lúc xuất hiện các ý tưởng khoa học, phát minh ra một công nghệ mới đến khi áp dụng rộng rãi vào sản xuất ngày càng được rút ngắn. Chẳng hạn để đưa vào áp dụng nguyên tắc chụp ảnh phải mất hơn 100 từ khi phát minh ra nó (1727. 1839); để thực hiện ý tưởng liên lạc bằng điện thoại đã mất hơn 50 năm (1820-1876); kỹ thuật vô tuyến 35 năm (1867. 1902); ra đa 15 năm (1925-1940); vô tuyến truyền hình 12 năm (1922-1934); kỹ thuật bán dẫn 5 năm (1948-1953); mạch vi điện tử 3 năm (1958-1961) còn đến laze chưa đầy 2 năm.

Lực lượng những người làm khoa học cũng gia tăng nhanh chóng... Năm 1950 trên thế giới có khoảng 1 triệu nhà nghiên cứu, kỹ sư. Trong khi đó vào năm 1900 số đó chỉ có 100.000, năm 1850 là 10.000, năm 1800 là 1000.

Như vậy, số lượng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nguồn chủ yếu của tri thức và thông tin khoa học không ngừng tăng nhanh. Ngày nay con số đó lên tới 10 triệu người. Nhiều nghiên cứu khẳng định rằng 9/10 các nhà khoa học trong cả chặng đường lịch sử loài người là những người đang sống cùng thời với chúng ta và 99% tri thức nhân loại là thuộc về những nhà bác học đó.

Ngoài ra cộng đồng khoa học còn được bổ sung thêm nhiều loại người dùng tin: các nhà quản lý, các giám đốc xí nghiệp, các nhà công nghệ, luật gia, các cán bộ chính trị, các nhà giáo dục... Họ không chỉ là những người dùng tin, mà còn là những người sản sinh ra những thông tin mới.

Tất cả những ai, bằng cách này hay cách khác, tham gia vào nền “công nghiệp sản xuất tri thức”, tức là sản xuất, phổ biến và tiêu thụ thông tin, đều thuộc vào những nhóm người dùng tin trên đây.

Về nguyên tắc, người ta có thể nói rằng “mọi sự chuyển giao tri thức tương đương với sự chuyển giao thông tin và ngược lại” và nền công nghiệp sản xuất tri thức khoa học, mà cơ sở của nó là truyền tri thức thông tin, tiếp tục tăng nhanh trong một thế giới xây dựng trên cơ sở của tiến bộ khoa học và công nghệ.

Hệ quả của bùng nổ thông tin

Sự gia tăng nhanh chóng khối lượng tri thức khoa học không thể không ảnh hưởng tới thành phần cơ cấu của kho tài liệu. Ngoài các sách báo và các ấn phẩm định kỳ xuất bản theo chu trình thương mại truyền thống, xuất hiện một loạt các tài liệu thuộc đủ các loại, không xuất bản, được phân phối ở mức độ hẹp như: các báo cáo, luận văn, tổng kết hội nghị, giáo trình, tài liệu nghiên cứu, tài liệu chuẩn bị xuất bản... Chúng tạo thành những tài liệu không công bố.

Bắt nguồn từ những cơ sở rất khác nhau như các viện nghiên cứu, các trường đại học, các hoạt động học tập nghiên cứu... những tài liệu này thường chứa những thông tin mới nhất trong lĩnh vực mà nó xem xét và chúng trở thành công cụ ưu tiên đặc biệt cho những giao lưu trực tiếp giữa các nhà khoa học. Mặc dù khó có thể biết được số lượng của những tài liệu này là bao nhiêu, nhưng người ta biết chắc rằng số lượng của chúng hiện nay tăng lên rất đáng kể.

Một hệ quả nữa của hiện tượng bùng nổ thông tin là sự rút ngắn đáng kể thời gian hữu ích của một tài liệu. Đó là tính lỗi thời của tài liệu. Trong một vài lĩnh vực, tri thức luôn tự đổi mới với một tốc độ rất nhanh, đến nỗi người ta có thể nói rằng một quyển sách có thể trở thành vô giá trị ngay sau khi xuất bản nó. Do đó người ta phải thường xuyên bổ sung vốn tài liệu và không ngừng phải xử lý chúng, hoặc bằng thủ công hoặc bằng phương tiện tự động hoá.

Ngoài ra, bên cạnh những tài liệu văn bản in trên giấy, còn có thêm những tài liệu không ở dạng sách như: đĩa, ảnh, băng từ... Sự xuất hiện của những tài liệu loại này trong sự chuyển giao thông tin tương ứng với một yếu tố quan trọng trong xã hội ngày nay là: sự xuất hiện các phương tiện nghe nhìn. Với một tương lai rất hứa hẹn, chúng đặt ra cho những vấn đề về xử lý và phổ biến thông tin, dựa trên những kỹ thuật đặc biệt và dựa trên những kênh thông tin rất đa dạng.

theo Giáo trình thông tin học