Các nước Ả Rập có giúp Israel chống đỡ tấn công trả đũa từ Iran lần nữa hay không?
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:08, 09/08/2024
Các nước Ả Rập có giúp Israel chống đỡ tấn công trả đũa từ Iran lần nữa hay không?
Khi Iran phóng hàng trăm tên lửa về phía Israel vào tháng 4, liên minh Ả Rập do Mỹ dẫn đầu giúp nhà nước Do Thái đánh chặn một phần.
Hành động giúp đỡ khiến thế giới chú ý nhiều hơn đến liên minh Jordan - Ả Rập Saudi - Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Thời điểm đó tổng tư lệnh quân đội Israel ca ngợi đây là động thái mở đường cho nhiều cơ hội hợp tác mới ở Trung Đông. Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby tuyên bố những gì diễn ra gửi đi thông điệp mạnh mẽ về vị trí của Israel trong khu vực.
Giờ đây Iran chuẩn bị tấn công lần nữa để đáp trả vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh ngay tại Tehran. Israel ngày càng bị cô lập do phát động chiến dịch quân sự ở Dải Gaza nên giới phân tích lo ngại nhà nước Do Thái khó lòng chống đỡ một đợt công kích quy mô lớn có phối hợp.
4 tháng trước, các nước Ả Rập dù ra tay giúp đỡ nhưng vẫn hạ thấp vai trò của bản thân do cảnh giác với nguy cơ Iran trả đũa. Ở lần này họ càng cố tránh xa căng thẳng hơn nữa.
Jordan và Ả Rập Saudi tuyên bố không muốn không phận nước mình biến thành vùng chiến sự. Ai Cập nói rõ chẳng hứng thú tham gia “trục quân sự” đẩy lùi tấn công từ Iran.
Một quan chức Israel cấp cao nhận xét loạt phát ngôn vô cùng đáng lo ngại. Quan hệ giữa các nước Ả Rập với Israel rất mong manh và mới chỉ được khảo nghiệm một lần trước đó. Nhà nước Do Thái hoàn toàn đơn độc trước viễn cảnh chiến tranh toàn diện nổ ra, theo quan chức giấu tên.
Lần tấn công tháng 4 dường như được kiểm soát để giảm thiểu thương vong. Iran phóng tên lửa từ lãnh thổ của mình, cách Israel đến hơn 1.600km nên Israel cùng liên minh Ả Rập dễ dàng triển khai chống đỡ. Lần này có thể bất ngờ hơn, quy mô lớn hơn và lâu hơn (vài ngày thay vì chỉ vài giờ). Hơn nữa không loại trừ khả năng họ phối hợp với các lực lượng ủy nhiệm ở Iraq, Yemen, Syria, Lebanon thực hiện tấn công từ nhiều hướng.
Suốt 10 tháng qua, Hezbollah ở Lebanon không ít lần dùng máy bay không người lái (UAV) cảm tử vượt qua hệ thống phòng không nổi tiếng của Israel đánh trúng địa điểm quân sự hoặc nhà riêng. UAV bay tầm thấp với tốc độ cao nên khó đánh chặn, nếu được triển khai số lượng lớn sẽ đem lại mối nguy đáng kể. Không những vậy nhóm này còn sở hữu tên lửa tầm xa.
Cựu quan chức Hội đồng An ninh quốc gia Israel Yoel Guzansky cảnh báo nguy cơ Hezbollah phát động tấn công chứ không phải Iran, nhóm có thể dùng tên lửa dẫn đường bắn về Tel Aviv. Kịch bản xấu nhất là một đợt tấn công từ nhiều hướng áp đảo hệ thống phòng không của Israel.
Phía Mỹ hỗ trợ bằng một phi đội F-22 Raptors, tuần dương hạm cùng khu trục hạm mang vũ khí đánh chặn tên lửa đạn đạo, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln. Tuy nhiên, tướng Israel về hưu Israel Ziv nhắc nhở nhà nước Do Thái không nên nghĩ rằng Mỹ lúc nào cũng hỗ trợ, đồng thời dự đoán nước này sẽ gặp khó khăn trong nỗ lực duy trì liên minh ở khu vực.
Nhà phân tích chính trị Abdullah Al-Junaid (tại Bahrain) nhận định các quốc gia vùng vịnh Ba Tư vẫn muốn hợp tác với Israel để kiềm chế Iran, nhưng liên minh lâu dài đòi hỏi nỗ lực tìm ra giải pháp cho vấn đề Israel - Palestine đạt tiến triển - điều mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu cùng nhiều quan chức cực hữu từ chối cân nhắc đến. Điều này làm trì trệ nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Israel với cộng đồng Ả Rập mà Mỹ cố gắng thúc đẩy lâu nay.