Thu ngân sách đủ chi thường xuyên và trả nợ là bước tiến đáng kế
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 14:00, 21/10/2018
Thu ngân sách đủ chi thường xuyên và trả nợ
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá thu ngân sách mới chỉ đủ chi thường xuyên và trả nợ.
Trước nhận xét trên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giải thích: sau khi tính toán kỹ, hằng năm ngoài bội chi, thu sử dụng đất... thì năm 2016 Chính phủ tích luỹ đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng, năm 2017 là 69.000 tỉ đồng, năm 2018 là 63.500 tỉ đồng, dự toán năm 2019 tích luỹ được 67.300 tỉ đồng cho đầu tư.
Bên cạnh đó, ông Huệ cho biết, cơ cấu chi chuyển biến tích cực như chi thường xuyên đầu nhiệm kỳ chiếm 70% chi ngân sách đã được kéo xuống còn 64%. Ông đề nghị: “Đây là thành tựu rất lớn phải nhấn mạnh trong báo cáo của Quốc hội”.
“Báo cáo thẩm tra đánh giá thu ngân sách chỉ đủ chi thường xuyên và trả nợ thôi là chưa chính xác”, Phó thủ tướng nói và đề nghị: “Vậy nên nói thu ngân sách cơ bản đủ chi thường xuyên và trả nợ là hợp lý”.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc thâm hụt ngân sách trong nhiều năm đã trở thành vấn đề cực kỳ nóng khiến Chính phủ lo lắng.
‘Có nhiều năm, thu thường xuyên không đủ chi tiêu thường xuyên. Do đó, thành tích này là một bước phát triển mới trong quá trình thu chi ngân sách nhà nước cũng như trong việc cân đối ngân sách trong thời gian qua”, ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, việc giảm chi thường xuyên còn 64% cũng là bước tiến đáng kể. Trong thu ngân sách, thu từ nội địa đã chiếm tỷ trọng lớn, còn thu từ dầu mỏ, thuế xuất nhập khẩu đang giảm đi rất nhanh. Đây là điều đáng mừng trong thu chi ngân sách.
Một nguyên nhân khiến giảm chi thường xuyên nữa là trước đây, phần trả nợ vay nước ngoài được tính như khoản chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, tuy nhiên hiện nay thì đã loại khoản này khỏi kết cấu chi thường xuyên.
Cơ cấu nguồn thu chuyển động tích cực
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho biết, nguồn thu NSNN trong những năm gần đây đang có những biến động về cơ cấu. Các khoản thu từ nội địa đã có xu hướng thay đổi tích cực theo chiều hướng tăng lên bền vững trong suốt thời kỳ 2011-2017 từ mức 64,2% tổng nguồn thu năm 2011 lên 81,7% năm 2017.
Các khoản thu nội địa gia tăng này đã góp phần bù đắp xu hướng thu từ thuế xuất nhập khẩu liên tục giảm theo các thỏa thuận cắt giảm thuế quan khi thực hiện các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.
Bên cạnh đó, nguồn thu từ dầu thô đóng góp cho NSNN có xu hướng giảm nhanh trong cả giai đoạn 2011-2017. Đây được coi là thành công của tái cấu trúc nền kinh tế, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giảm khai thác và xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên. Mặc dù giá dầu tăng cao trong năm 2017, nhưng mức đóng góp của nguồn thu từ dầu thô chỉ ở mức 3,84% tổng nguồn thu NSNN.
Các nguồn thu từ viện trợ của các quốc gia và tổ chức quốc tế cũng không ngừng giảm sút về tỷ trọng trong tổng nguồn thu của NSNN. Một phần do Việt Nam đã đạt được mức thu nhập trung bình nên các khoản viện trợ cũng giảm đi, một phần do nguồn thu của NSNN không ngừng tăng lên làm tỷ trọng của nguồn thu này bé đi.
Trong các khoản thu nội địa, thì thu từ các DNNN vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất nhưng đang có xu hướng giảm dần tỷ trọng. Các khoản thu từ khu vực kinh tế tư nhân có xu hướng tăng lên nhanh chóng. Những năm gần đây, những khoản thu từ nhà đất cũng đang tăng lên và đóng góp khoảng 10% các khoản thu NSNN…
Quy mô chi ngân sách vẫn lớn
Trong khi đó, ông Thịnh cho hay, quy mô chi NSNN ở Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực. Thậm chí năm 2012 chiếm tới 31% GDP, sau đó giảm dần về mức 24,9% GDP năm 2014 và tăng lên mức 27,3% GDP năm 2017.
Trong cơ cấu chi thường xuyên của NSNN, khoản chi quản lý hành chính liên tục tăng. Việc tăng chi tiêu quản lý hành chính do cả nguyên nhân tăng lương và tăng biên chế công chức, viên chức hưởng lương ngân sách.
Ngoài ra, khoản chi trả lãi vay và đi kèm theo đó là khoản trả nợ gốc đang tăng lên nhanh chóng cùng với việc đến hạn trả của các khoản vay trong nước và quốc tế. Đây là điều đáng lo ngại với sự an toàn của công tác quản lý nợ vay và sự an toàn của NSNN trong những năm tới.
Theo chuyên gia này, mức độ thâm hụt NSNN hàng năm tương đối cao, tỷ lệ bội chi NSNN tính theo GDP cũng là những con số khá lớn. Ví dụ như năm 2017, theo số liệu rà soát lần 2 và với cách tính mới, mức độ thâm hụt cũng đến 3,48% GDP.
“Có những năm phải vay nợ để bù đắp chi tiêu thường xuyên. Điều nguy hiểm là các khoản bội chi ngân sách luôn tồn tại và tích tụ trong các dự toán NSNN cũng như trong các báo cáo quyết toán NSNN như một lẽ đương nhiên, không thể thay đổi được qua rất nhiều năm, rất nhiều nhà quản lý tài chính”, ông Thịnh nói.
Cùng với đó, chính việc thâm hụt NSNN đang buộc Chính phủ phải đẩy mạnh vay nợ trong và ngoài nước. Nhưng việc vay nợ để bù đắp thâm hụt NSNN cũng đang bị giới hạn bởi trần nợ công mà Quốc hội quy định khi nợ công của Việt Nam đã tương đương 63,7% GDP vào năm 2016 và 61,4% GDP năm 2017.
Cần đổi mới tư duy ngân sách
Theo ông Thịnh, trước hết, cần đổi mới tư duy trong việc xây dựng dự toán và thực hiện NSNN. Từ trước đến nay Việt Nam quan niệm thâm hụt ngân sách là để tạo ra nền tảng cơ sở vật chất phát triển kinh tế nên cứ lấy chi để ép thu, đó là cách làm ngược. Nếu lúc nào lập kế hoạch ngân sách cũng thâm hụt thì chỉ có cách đi vay để bù đắp, đẩy nợ công ngày càng cao lên.
Hàng năm Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính chỉ lập kế hoạch dự toán chi tiêu NSNN trên cơ sở nguồn thu NSNN. Hoặc ít nhất, chi tiêu thường xuyên NSNN phải nhỏ hơn các nguồn thu thường xuyên của NSNN.
Chỉ khi nào thấy ngân sách ổn định, bền vững và trong giai đoạn nào đó cần đẩy mạnh đầu tư để kích cầu kinh tế hoặc phát triển một ngành, khu vực kinh tế nào đó thì hãy nghĩ đến việc dùng thâm hụt ngân sách để đẩy mạnh đầu tư.
Bên cạnh đó là thực hành nghiêm chỉnh kỷ luật tài khóa ở tất cả các cấp ngân sách nhà nước; tiếp tục tái cấu trúc nguồn thu để nâng cao tỷ lệ thu nội địa; cải cách hệ thống thuế…
Ví dụ như giảm thiểu thích hợp thuế suất một số loại thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế sử dụng đất nông nghiệp… để khuyến khích đầu tư; đồng thời điều chỉnh tăng dần thuế suất với thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt…
Cùng với đó, ông Thịnh đề nghị nghiên cứu áp dụng các loại thuế mới như thuế tài sản, hình thành một số khoản thu gắn với các nhiệm vụ chi cụ thể theo Luật NSNN như chi cho giáo dục, y tế… để bổ sung đầu tư cơ sở hạ tầng cho các lĩnh vực này.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chống thất thu thuế, chuyển giá và các hành vi trốn thuế, trục lợi về thuế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thiểu biên chế; Nâng cao hiệu quả đầu tư công trên cơ sở tránh dàn trải, đảm bảo đầy đủ vốn và nguồn lực thực hiện nhanh chóng, dứt điểm các công trình.
Thực hiện nguyên tắc chỉ vay nợ công để thực hiện chi tiêu đầu tư phát triển trong những khoảng thời gian và những điều kiện phù hợp với định hướng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
“Cần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nợ công theo hướng giảm thiểu nợ vay nước ngoài, tăng cường tỷ trọng nợ vay trong nước, hạn chế cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới trong nền kinh tế…”, ông Thịnh nói.
Lam Thanh