Sản xuất khả quan thúc đẩy nền kinh tế tiến vững chắc
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:36, 11/08/2024
Sản xuất khả quan thúc đẩy nền kinh tế tiến vững chắc
Chuyên gia cho rằng để thúc đẩy sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm cần tiếp tục những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng như kích thích tiêu dùng…
Bức tranh sản xuất rất tích cực nửa đầu năm 2024
Công nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2024 có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7.2024 ước tính tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 13,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,1%; riêng ngành khai khoáng giảm 7,0%.
Tính chung 7 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5% (cùng kỳ năm 2023 giảm 1,2%), đóng góp 8,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung…
Các chỉ số quan trọng đều tăng mạnh như: Chỉ số PMI tháng 7.2024 ngành sản xuất đạt 54,7 điểm, tăng 4 tháng liên tục và là mức cao nhất kể từ tháng 11.2018; tốc độ tăng sản lượng sản xuất công nghiệp tháng 7 cao hơn tháng 6 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 3.2011…
Những kết quả tăng trưởng của công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng nêu trên đã phản ánh một bức tranh rất tích cực của nền sản xuất trong nước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở lại đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.
Các chuyên gia của Chứng khoán MBS đánh giá chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 0,7% so với tháng trước nhờ sự gia tăng của số lượng đơn đặt hàng mới trong bối cảnh nhu cầu thị trường phục hồi nhanh chóng.
“Ngành sản xuất Việt Nam tăng trưởng ổn định với chỉ số PMI duy trì ở mức 54,7. Số lượng đơn đặt hàng mới cũng như số đơn đặt hàng xuất khẩu đều tăng mạnh trong tháng 7. Tuy nhiên, mức độ tăng của đơn đặt hàng xuất khẩu yếu hơn do chịu ảnh hưởng của chi phí vận chuyển cao”, MBS nêu.
Ngoài ra, MBS cũng cho rằng số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh đến mức các công ty phải sử dụng hàng tồn kho thành phẩm với một trong những mức độ cao nhất từng được ghi nhận, mặc những nỗ lực tăng công suất bằng việc tăng việc làm và hoạt động mua hàng hóa đầu vào.
“Với khả năng duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ của tháng 6 sang tháng 7 đã làm tăng thêm sự lạc quan rằng lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đang bước vào một giai đoạn tăng trưởng tốt giúp thúc đẩy nền kinh tế phát triển”, MBS nhận định.
Tại họp báo Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước đã khôi phục rất tích cực và sẵn sàng để tận dụng những cơ hội tiếp cận các thị trường mới trong thời gian tới.
Ngoài ra, niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng như các doanh nghiệp nước ngoài được củng cố mạnh mẽ nhờ những tín hiệu tích cực trong tăng tưởng sản xuất công nghiệp các tháng đầu năm 2024 vừa qua.
Nguyên nhân đạt được những kết quả trên là hiệu quả từ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm; kết quả thu hút, giải ngân vốn FDI khả quan giúp tăng thêm năng lực cho sản xuất trong nước; doanh nghiệp cũng tận dụng tốt các cơ hội mang lại từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết trong bối cảnh thị trường thế giới phục hồi…
Không ít thách thức những tháng cuối năm
Theo các chuyên gia, dù những tháng đầu năm sản xuất công nghiệp khả quan, nhưng thách thức trong thời gian tới còn nhiều. Nổi cộm là nội lực của các ngành sản xuất trong nước vẫn còn yếu. Những điểm nghẽn lớn của công nghiệp trong thời gian dài vừa qua vẫn chưa được khắc phục một cách hiệu quả.
Thêm nữa, nền sản xuất vẫn phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là phụ thuộc vào khu vực FDI. Giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp trong nước còn thấp. Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển. Chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp nội địa có hàm lượng công nghệ cao…
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), để thúc đẩy sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm, cần có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất cũng như kích thích tiêu dùng, hỗ trợ đầu ra cho sản xuất thông qua mở rộng đơn hàng xuất khẩu, tận dụng tốt các hiệp định thương mại đã ký kết…
Thứ trưởng Phan Thị Thắng phân tích sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện. Trong 7 tháng đầu năm 2024, còn 3/63 địa phương có IIP giảm. Một số ngành sản xuất chủ lực vẫn giảm so với cùng kỳ - như điện thoại thông minh, tivi, ô tô, sắt thép thô, bia hơi… Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực (giày dép, gỗ, điện thoại các loại và linh kiện…) mặc dù phục hồi tích cực song vẫn chưa về lại mức đỉnh của cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (EU, Mỹ) tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật. Còn trong nước, thị trường bất động sản vẫn phục hồi khá chậm. Thị trường trong nước tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ…
Bà Thắng cho hay thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Song song với đó là việc đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục tận dụng cơ hội từ các dự án đầu tư công lớn và các chính sách khôi phục thị trường bất động sản của Chính phủ…