Từ trồng nấm đến kiếm tiền từ bán tín chỉ carbon
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 08:20, 14/08/2024
Từ trồng nấm đến kiếm tiền từ bán tín chỉ carbon
Trong bài Trồng nấm kết hợp trồng cây sẽ giúp chống biến đổi khí hậu, có nêu rất nhiều nông dân tham gia hưởng ứng. Không phải tất cả nông dân đều tham gia vì lòng tinh thần trách nhiệm hay sẻ chia mà vì lợi ích rất sát sườn.
Họ đều ý thức được việc đất giữ nhiều carbon hơn có nghĩa là đất màu mỡ hơn và năng suất cao hơn. Đặc biệt ở Úc, nông dân có một động lực khác. Họ hy vọng sẽ thu hoạch được thêm một khoản tín chỉ carbon từ chính phủ nếu họ có thể chứng minh rằng họ đã lưu trữ carbon dưới lòng đất. Đây không phải là lần đầu tiên người nông dân trong khu vực cố gắng kiếm tiền từ carbon trong đất.
Nông dân nóng lòng kiếm tiền từ tín chỉ carbon
Một lần, ông Stuart McDonald, 52 tuổi, đã chở bùn từ bể nước thải của Sydney đến để bón cho cánh đồng của mình và đo được một lượng nhỏ carbon trong đất. Nhưng ông không biết lượng carbon đó duy trì bao lâu. Một số nông dân khác từng trồng cây kiểu vậy và đo lượng carbon trong đất tăng lên trong vài năm, nhưng sau đó lại quay về mức ổn định ban đầu.
Những người hoài nghi cho rằng tín chỉ carbon được trao không đúng địa chỉ vì chỉ dựa trên những biến động theo mùa của thời tiết. Chẳng hạn, trong những năm ẩm ướt bất thường, carbon tích tụ trong đất, để rồi sau đó tiêu tan vào những năm khô hạn. Một nghiên cứu đã cảnh báo rằng số lượng tín chỉ carbon được cấp cho các dự án nông nghiệp đã bị thổi phồng.
Việc tính toán lượng carbon trong đất trở nên phức tạp vì nó tồn tại ở nhiều dạng khác nhau. Hầu hết carbon trong đất ở dạng chất hữu cơ dễ bay hơi. Trong nông nghiệp, nó là tàn dư thực vật hoặc phân chuồng. Do vậy, carbon dạng đó có thể quay trở lại khí quyển trong vài năm hoặc khi xảy ra hạn hán, hỏa hoạn có thể đốt cháy nó nhanh hơn, giải phóng carbon dioxit trở lại không khí.
Nhưng có những loại carbon trong đất ổn định hơn, gồm một loại bám vào khoáng chất trong đất và tồn tại ở đó trong một thế kỷ hoặc hơn. Công ty khởi nghiệp Loam Bio cho biết bào tử nấm của họ có thể giúp tạo ra carbon trong đất ổn định hơn. Họ đã tính toán độ ổn định đó bằng cách sử dụng lõi đất sâu một mét.
Nấm thực hiện công việc quan trọng dưới lòng đất. Chúng lấy carbon dioxit mà thực vật hấp thụ từ không khí trong quá trình quang hợp, cất giữ dưới lòng đất và trả lại các chất dinh dưỡng mà thực vật cần.
Từ ý tưởng đến thực tế
Đối với Alan Richardson, một nhà sinh vật học về đất tại Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung (một cơ quan chính phủ ở Úc), ý tưởng sử dụng nấm để lưu trữ carbon dưới lòng đất là khả thi. Nhưng nó chỉ hiệu quả nếu nông dân sử dụng nấm hằng năm, cho phép đất tích tụ carbon trong nhiều năm. Richardson nhận định: “Nguyên lý cơ bản đằng sau việc dùng nấm cố định carbon là hợp lý, nhưng liệu nó có thể chuyển hóa thành thực tế hay không thì chúng ta chưa biết rõ”.
Tuy nhiên, Steve Nicholson, một người nông dân gần thị trấn Forbes, rất lạc quan về triển vọng này đến nỗi ông đã ký hợp đồng 25 năm với công ty Loam Bio. Nicholson thừa nhận: “Đó là một canh bạc. Nhưng cửa thắng rất cao”.
Các kỹ thuật viên của Loam Bio đã đo lượng carbon trong đất của Nicholson vào tháng 2, khi mùa khô nóng lên đến đỉnh điểm. Họ sẽ quay lại để tìm hiểu xem lượng carbon trong đất của ông có tăng vào tháng 2 năm sau không và xác định xem có bao nhiêu trong số đó được lưu trữ ở dạng ổn định hơn.
Bà Tegan Nock, người đồng sáng lập của Loam Bio, nói với khách hàng rằng họ có thể kỳ vọng sẽ lưu trữ được một đến hai tấn carbon ổn định trên mỗi hecta.
Cơ quan cấp tín dụng carbon do chính phủ Úc điều hành sẽ phải xác minh lượng carbon mà Nicholson đã cố định được trong đất trước khi chi trả bất kỳ khoản tín dụng nào. Ông Nicholson hy vọng sẽ thu được tiền vào tháng 7 năm sau.
Thu nhập của ông sẽ phụ thuộc vào giá tín chỉ carbon của Úc tại thời điểm đó. Ông đang kỳ vọng sẽ kiếm hơn 100 AUD, hay khoảng 65 USD trên mỗi hecta.
Đất đai bị tàn phá của thế giới
Nông nghiệp ngày càng bị tàn phá bởi chính thiệt hại về môi trường của nó. Gánh nặng nuôi sống thế giới đã tàn phá đất đai, đồng thời thải ra một lượng lớn khí nhà kính. Phá rừng. Cày bừa đất. Bón phân hóa học. Những noạt động này đã làm thay đổi hầu hết Trái đất.
Những thay đổi này thể hiện rõ trên trang trại của ông McDonald. Tổ tiên của ông, những người định cư từ Anh, bắt đầu cày ruộng ở Úc vào năm 1888. Họ trồng hàng hecta lúa mì, một loại cây xa lạ với lục địa này. Họ chăn nuôi gia súc và cừu, cũng là những loài vật ngoại lai. Trong nhiều thập niên, Úc đã trở thành một cường quốc nông nghiệp.
Đổi lại, khi hoạt động nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, các lớp đất mặt bị xói mòn. Hệ quả là nồng độ carbon trong đất giảm xuống dẫn đến đất bị thoái hóa. Ông McDonald cho biết: "Xói mòn là điều mà mọi người đều buộc phải chấp nhận".
Nhưng rồi đến lúc họ cũng không còn có thể chấp nhận được nữa. Khoảng 20 năm trước, ông McDonald, giống như nhiều người quanh vùng, đã phải ngừng cày ruộng. Sau mỗi vụ thu hoạch, ông để rơm rạ phân hủy tự nhiên thay vì đốt như trước. Theo các nghiên cứu khoa học, rơm rạ giúp giữ độ ẩm trong đất và làm chậm quá trình xói mòn, nhưng chúng cũng không giúp tích tụ carbon trong đất.
Hiện nay, biến đổi khí hậu đặt ra một rủi ro mới. Theo các mô hình dự báo, tương lai khô hạn và nóng hơn đe dọa giải phóng nhiều carbon hơn từ đất.
Các mục tiêu về khí hậu của Úc có nghĩa là canh tác nông nghiệp phải thay đổi. Chính phủ nước này đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030, lượng khí thải nhà kính giảm 43% so với mức năm 1990. Nông nghiệp chiếm khoảng 14% lượng khí thải đó.
Neil Westcott, cũng là một nông dân trồng lúa mì và cải dầu rất chú ý các mục tiêu đó. Ông muốn giảm thiểu tác động của trang trại đối với khí hậu. Westcott cho rằng chẳng bao lâu nữa, ông có thể phải làm như vậy một khi chính phủ yêu cầu cắt giảm ô nhiễm khí hậu hoặc khách hàng ở nước ngoài muốn trồng các loại cây ít thải carbon.
Chính vì thế, Westcott đã ngừng nuôi cừu vì loài này thải ra loại khí nhà kính mạnh là mê tan, đồng thời ông đã gieo khoảng một phần tư trong số diện tích đất rộng 24 cây số vuông của mình bằng bụi nấm. Ông hy vọng sẽ kiếm được tín chỉ carbon, nhưng không phải bán chúng mà làm “của để dành”. Ông muốn giữ chúng lại để phòng khi phải trung hòa lượng khí thải carbon của trang trại. Khi đó, ông không cần tốn tiền mua tín chỉ carbon bên ngoài mà vẫn giữ đảm bảo tiêu chí xanh cho các sản phẩm của trang trại nhà.