GS-TS Võ Xuân Vinh: Muốn phát triển xanh, con người phải là trọng tâm
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 21:52, 16/08/2024
GS-TS Võ Xuân Vinh: Muốn phát triển xanh, con người phải là trọng tâm
Ngày 16.8, tại Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn đã diễn ra tọa đàm "Tín chỉ carbon và nguồn nhân lực cho thị trường carbon" nhằm thảo luận về thị trường tín chỉ carbon và sự cần thiết đào tạo nhân lực cho thị trường này.
Tại tọa đàm, TS Nguyễn Trung Đông, Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn cho biết, với những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), việc trung hòa carbon sẽ dần là xu hướng và là nghĩa vụ bắt buộc của các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai để đảm bảo mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bởi phát thải khí nhà kính cũng như cam kết giảm phát thải carbon về mức 0 vào năm 2050, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên xây dựng các chính sách thị trường carbon, cho phép các hoạt động trao đổi tín chỉ carbon phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Cũng theo TS Đông, mặc dù tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam rất lớn nhưng hiện nay chúng ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, cần có hoạt động đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng đúng quy định của từng thị trường, khai thác có hiệu quả năng lực giảm phát thải hay hấp thụ của từng loại cây, đưa ra các quyết định quản lý nhà nước đúng với định hướng của ngành, lĩnh vực về giảm phát thải.
GS-TS Võ Xuân Vinh - Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế TP.HCM - đánh giá việc xây dựng, triển khai thị trường carbon mang lại nhiều lợi ích và nguồn thu cho Việt Nam. Đặc biệt, ngành nông nghiệp nước ta lại có lợi thế lớn khi tham gia vào thị trường carbon trong và ngoài nước. Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đi đầu trong bán tín chỉ carbon.
Năm 2023 là một bước tiến quan trọng khi Việt Nam lần đầu tiên bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỉ đồng).
Vì vậy, ông Vinh hy vọng Việt Nam sẽ tích cực tham gia vào thị trường toàn cầu hơn nữa, đặt mục tiêu trong năm nay và năm sau bán thêm 5 triệu tín chỉ, nâng tổng số lượng carbon bán ra lên 25 triệu tín chỉ. Dự kiến, dịch vụ hấp thu và lưu giữ carbon rừng sẽ là một trong những lợi thế của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, truyền thông và phát triển nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng. Thực hiện trên quan điểm “muốn phát triển xanh, con người phải là trọng tâm”, tăng trưởng xanh lấy con người làm trung tâm, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu; khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại, hài hòa với thiên nhiên và môi trường.
Để chuyển biến và tham gia vào thị trường carbon, Việt Nam cần đào tạo, nâng cao trình độ của nguồn nhân lực và các chuyên gia để thực hiện bài bản các bước từ đo đạc, báo cáo đến thẩm định. Đồng thời, áp dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững; tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xanh. Các cơ quan, đơn vị cần thúc đẩy, nâng cao nhận thức của người dân, hướng đến phát triển một đất nước xanh, bền vững.
Ông Vinh khuyến khích các viện đào tạo và nghiên cứu cố gắng tham gia vào mạng lưới đào tạo quốc tế về tín chỉ carbon, với mục tiêu chia sẻ cùng Chính phủ trong triển khai thực hiện các chính sách, cam kết và lộ trình tăng trưởng xanh.
Theo TS Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty The VOS, Việt Nam có khoảng 5 tỉ tín chỉ carbon vì lợi thế địa hình trải dài qua 16 độ vĩ tuyến, không những có trữ lượng lớn mà còn có thể phát triển organic carbon. Hiện Việt Nam cần khoảng 150.000 lao động chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên sâu về cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon. Trong đó, đào tạo thẩm định viên carbon có chuyên môn và chứng nhận quốc tế là một mắt xích quan trọng giúp vận hành thị trường tín chỉ carbon.