Phát triển vùng đồng bằng sông Hồng với '5 tiên phong', chú trọng KH-CN
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 17:28, 17/08/2024
Phát triển vùng đồng bằng sông Hồng với '5 tiên phong', chú trọng KH-CN
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hiện khoa học công nghệ chưa thật sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), chưa hình thành được nhiều doanh nghiệp lớn, làm chủ công nghệ ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn...
Ngày 17.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) chủ trì hội nghị lần thứ 4 của hội đồng.
Nhiều kết quả tích cực
Thủ tướng nhấn mạnh vùng ĐBSH là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh…, là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế và là vùng đất có tiềm năng phát triển rất lớn.
“Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đau đáu về sự phát triển của các vùng; luôn nhắc nhở, chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về liên kết, phát triển các vùng”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSH 6 tháng năm 2024 đạt 7,21%; tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng đạt 521.059 nghìn tỉ đồng, giá trị xuất khẩu 7 tháng đạt trên 80,04 tỉ USD, đứng thứ nhất; giải ngân đầu tư công 7 tháng đạt 55.757 tỉ đồng…, các chỉ số này cao nhất cả nước…
Bên cạnh những kết quả, Thủ tướng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Cụ thể, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; khả năng chống chịu và ứng phó trước các yếu tố tiêu cực từ bên ngoài chưa cao.
Khoa học công nghệ chưa thật sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chưa hình thành được nhiều doanh nghiệp lớn, làm chủ công nghệ ở các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, sản xuất chip, chất bán dẫn... Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.
Các nội dung liên kết vùng quan trọng còn hạn chế, sự hỗ trợ các doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong việc hình thành cụm liên kết ngành, liên kết trong đào tạo và sử dụng lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin, hợp tác thu hút đầu tư…
Đổi mới tư duy điều phối, thúc đẩy các dự án liên vùng
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu việc điều hành phải linh hoạt, hiệu quả trên cơ sở tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; coi con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực của sự phát triển…
“Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; phát triển kinh tế theo chiều sâu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ”, Thủ tướng nêu.
Thủ tướng yêu cầu đổi mới tư duy, chú trọng hơn nữa tới vai trò liên kết, kết nối của vùng ĐBSH đối với các vùng lân cận theo tinh thần "nguồn lực bắt nguồn tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", "chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh".
“5 tiên phong” và chú trọng khoa học - công nghệ
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị vùng ĐBSH thực hiện "5 tiên phong" gồm:
Thứ nhất, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ và thành quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm.
Thứ hai, tiên phong trong cải cách hành chính, phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát.
Thứ ba, tiên phong lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, phiền phức làm ảnh hưởng và làm tăng chi phí tuân thủ với người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thứ tư, tiên phong trong huy động mọi nguồn lực xã hội, nhất là qua hợp tác công tư để phát triển nhanh và bền vững.
Thứ năm, tiên phong trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm công bằng, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng trên tinh thần "thông thoáng về chính sách, thông suốt về hạ tầng và thông minh về quản trị".
Theo đó, tập trung phát triển theo hướng 1 vùng động lực quốc gia (TP.Hà Nội và các địa bàn dọc theo trục quốc lộ 5 và quốc lộ 18 qua các tỉnh thành Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh); 2 tiểu vùng (phía bắc sông Hồng và phía nam sông Hồng); 4 cực tăng trưởng (gồm thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng); 5 hành lang kinh tế trong nước và kết nối quốc tế (Bắc Ninh - Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình; Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng; ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình; Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội) với tất cả hình thức kết nối giao thông phát triển bậc nhất cả nước.
Thêm nữa, cần tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, ưu tiên các ngành, lĩnh vực có thế mạnh; phát triển công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào chế biến, chế tạo; ưu tiên công nghiệp cơ điện tử, chip bán dẫn, sản phẩm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới...; ưu tiên đầu tư các dự án động lực, có tính lan tỏa lớn…
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh cần tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…