Dùng ngân sách như tiền chùa, để 'mua' thành tích, tô vẽ hình thức
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 13:22, 30/10/2018
Coi ngân sách là tiền chùa
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc thâm hụt ngân sách trong nhiều năm đã trở thành vấn đề cực kỳ nóng khiến Chính phủ lo lắng. Quy mô chi NSNN ở Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực.
Trong cơ cấu chi thường xuyên, khoản chi quản lý hành chính liên tục tăng. Việc tăng chi tiêu quản lý hành chính do cả nguyên nhân tăng lương và tăng biên chế công chức, viên chức hưởng lương ngân sách.
“Khoản chi trả lãi vay và đi kèm theo đó là khoản trả nợ gốc đang tăng lên nhanh chóng cùng với việc đến hạn trả của các khoản vay trong nước và quốc tế. Đây là điều đáng lo ngại với sự an toàn của công tác quản lý nợ vay và sự an toàn của NSNN trong những năm tới”, ông Thịnh nói.
Bình luận về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng có khá nhiều nghịch lý đã và đang đặt ra khiến cho ngân sách nhà nước khó bền vững.
Cụ thể, tốc độ tăng chi cân đối ngân sách nhà nước trung bình lớn hơn tốc độ tăng thu cân đối ngân sách nhà nước trung bình; tốc độ tăng chi thường xuyên cao hơn thu thường xuyên; chi thường xuyên tăng trong lúc chi đầu tư giảm.
“Tại sao những bất cập trong chi tiêu công đã được đặt ra từ rất nhiều năm nay nhưng chậm được khắc phục và vẫn đang tiếp tục duy trì ở mức cao? Đây là một trong những nguyên nhân gây thâm hụt ngân sách nhà nước”, bà Hoa nói.
Bà Hoa nhấn mạnh: “Chính là chúng ta đã sử dụng ngân sách một cách lãng phí. Lãng phí do tư duy coi ngân sách là tiền chùa. Lãng phí do chi sai mục đích, chi để phục vụ bệnh thành tích hoặc bệnh hình thức, chẳng hạn như tổ chức rất nhiều sự kiện, những lễ kỷ niệm, những lễ đón nhận danh hiệu một cách hoành tráng, rầm rộ, các hoạt động thăm hỏi thì rình rang và xây dựng các trụ sở nhiều hơn là thực hiện các chính sách dân sinh”.
Theo đại biểu này, cách đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách hiện nay đang có vấn đề. Chủ yếu đang đánh giá dựa trên tỷ lệ giải ngân và khi cần tiết kiệm thì thực ra chỉ là cắt giảm hoạt động một cách cơ học. Trong khi lẽ ra hiệu quả đầu tư phải được đánh giá qua sản phẩm thu được từ tiền ngân sách như thế nào.
“Một cuộc hội thảo được tổ chức hiện nay đang được đánh giá hiệu quả thông qua việc quy mô, số lượng đại biểu và thành phần tham dự như thế nào, kinh phí hội trường, kinh phí hỗ trợ cho việc đi lại, ăn nghỉ đang rất lớn. Trong khi cái cần là phải đánh giá thông qua sản phẩm được nghiệm thu, là những bài tham luận có giá trị, là những kiến nghị, đề xuất quan trọng thông qua hội thảo”, bà Hoa nêu.
Chi thường xuyên quá sức chịu đựng của ngân sách
Tại tọa đàm "Góc nhìn chuyên gia về dự thảo dự toán ngân sách nhà nước năm 2019" vừa tổ chức, TS Lê Đăng Doanh cho rằng bộ máy quản lý hiện nay quá cồng kềnh, trùng lắp khiến chi thường xuyên rất cao, nhiều khoản chi không cần thiết. Chi thường xuyên hiện quá sức chịu đựng của ngân sách.
Dẫn chứng điều này, ông Lê Đăng Doanh cho biết cấp thứ trưởng hiện nay đi công tác từ Hà Nội vào TP.HCM hoặc ngược lại đều bay hạng thương gia.
"Tôi có biết trong cùng một chuyến công tác từ Hà Nội đi TP.HCM, thứ trưởng của chúng ta thì ngồi hạng thương gia, trong khi lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) họ đều ngồi ghế hạng phổ thông, trao đổi với nhau những câu chuyện bên lề rất vui vẻ", ông Doanh nói và nêu ví dụ, gần đây có những công bố của báo chí vị A, vị B đi nước ngoài nhiều lần, vượt quá thời gian quy định rồi chi tiêu… khoản đó ai chịu trách nhiệm?
"Ngày xưa, khi chúng tôi đi khảo sát để làm dự án, tư vấn cho Chính phủ, trên đường đi công tác, phải đem tem gạo, phiếu mua thịt đi theo để ăn trên đường, nếu đến nơi hết thịt, gạo cũng phải nhờ vả mới mua được. Trong khi hiện nay, người ta đi công tác bằng máy bay, đi đến thăm được chiêu đãi, khoản này, khoản kia, các khoản đó quá sức của nền kinh tế”, ông Doanh nêu.
Chuyên gia này cũng băn khoăn việc các địa phương xây cổng chào hoành tráng: "Tôi sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chứ chưa nói gì đến nước phương Tây, họ cũng không hề có cổng chào của các địa phương, thậm chí phương Tây ranh giới các tỉnh, hạt, bang chỉ bé như biển chỉ đường. Các khẩu hiệu của địa phương chúng tôi nghĩ cũng không cần thiết, gây tốn kém cho ngân sách địa phương, trong khi chúng ta còn nhiều việc để làm như điện, đường, trường trạm...", TS Lê Đăng Doanh chia sẻ.
Còn theo TS Đinh Trọng Thịnh, cần đổi mới tư duy trong việc xây dựng dự toán và thực hiện ngân sách. Từ trước đến nay, Việt Nam quan niệm thâm hụt ngân sách là để tạo ra nền tảng cơ sở vật chất phát triển kinh tế, nên cứ lấy chi để ép thu, đó là cách làm ngược. Nếu lúc nào lập kế hoạch ngân sách cũng thâm hụt thì chỉ có cách đi vay để bù đắp, đẩy nợ công ngày càng cao lên.
Hằng năm, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính chỉ lập kế hoạch dự toán chi tiêu NSNN trên cơ sở nguồn thu NSNN. Hoặc ít nhất, chi tiêu thường xuyên NSNN phải nhỏ hơn các nguồn thu thường xuyên của NSNN.
Bên cạnh đó, cần thực hiện nguyên tắc chỉ vay nợ công để thực hiện chi tiêu đầu tư phát triển trong những khoảng thời gian và những điều kiện phù hợp với định hướng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
“Cần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nợ công theo hướng giảm thiểu nợ vay nước ngoài, tăng cường tỷ trọng nợ vay trong nước, hạn chế cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới trong nền kinh tế…”, ông Thịnh nói.
Lam Thanh