Kính thông minh AI thành cơn sốt công nghệ mới nhất của các hãng Trung Quốc

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 12:45, 22/08/2024

Kính sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành xu hướng tiện ích thông minh mới nhất với các hãng công nghệ Trung Quốc đang chạy đua để kiếm lợi nhuận từ sự phấn khích của người tiêu dùng, khi kết hợp AI tạo sinh với thiết bị đeo.
Nhịp đập khoa học

Kính thông minh AI thành cơn sốt công nghệ mới nhất của các hãng Trung Quốc

Sơn Vân 22/08/2024 12:45

Kính sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành xu hướng tiện ích thông minh mới nhất với các hãng công nghệ Trung Quốc đang chạy đua để kiếm lợi nhuận từ sự phấn khích của người tiêu dùng, khi kết hợp AI tạo sinh với thiết bị đeo.

Một trong những hãng mới nhất tham gia thị trường là công ty khởi nghiệp Superhexa do Xiaomi hậu thuẫn. Công ty này đã ra mắt kính âm thanh AI Jiehuan trong tháng 8 này.

So với các sản phẩm ở nước ngoài, kính Jiehuan có giá cạnh tranh là 699 nhân dân tệ (98 USD). Song về mặt chức năng, Jiehuan tương tự như các đối thủ ở chỗ cung cấp quyền truy cập nhanh vào mô hình ngôn ngữ lớn, công nghệ hỗ trợ các chatbot AI, thông qua việc sử dụng loa và micro tích hợp.

"Phải mất hàng triệu năm để con người tiến hóa và phát triển hai bàn tay. Việc cầm smartphone bằng một tay thật lãng phí", Xia Yongfeng, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Superhexa, nói đùa với hãng tin địa phương TMTPost.

Sự phát triển nhanh chóng của AI tạo sinh trong vài năm qua đã mang đến cho kính thông minh một bản nâng cấp trí thông minh lớn, giúp thúc đẩy sự quan tâm đến thiết bị đeo bằng cách cho phép người dùng truy vấn mô hình ngôn ngữ lớn ngay lập tức về môi trường xung quanh hoặc dịch các cuộc trò chuyện theo thời gian thực.

Ray-Ban và Meta Platforms là những bên hưởng lợi lớn nhất từ ​​xu hướng này kể từ khi bổ sung khả năng AI vào chiếc kính thông minh có camera trị giá 300 USD năm ngoái. Francesco Milleri, Giám đốc điều hành EssilorLuxottica - hãng kính mắt khổng lồ Ý-Pháp sở hữu Ray-Ban, nói với Reuters vào tháng 7 rằng các phiên bản mới đã bán chạy hơn chỉ trong vài tháng so với các bản trước đó từng bán 2 năm.

Sinolink Securities dự kiến ​​tổng số kính thông minh xuất xưởng sẽ đạt 2 triệu chiếc vào cuối năm 2024. Để so sánh, tổng số kính thực tế tăng cường (AR) xuất xưởng vào năm 2023 chỉ đạt 480.000 chiếc, theo Sinolink Securities.

Sinolink Securities là công ty chứng khoán có trụ sở tại Trung Quốc. Công ty này đóng vai trò quan trọng trong thị trường tài chính Trung Quốc, cung cấp nhiều dịch vụ tài chính khác nhau cho cả khách hàng cá nhân và tổ chức.

Các đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc đang tìm cách cung cấp chức năng tương tự như kính Ray-Ban, nhưng với chi phí thấp hơn nhiều.

Với kính Jiehuan, điều này có nghĩa là 11 giờ phát nhạc và thời gian chờ lên đến nửa tháng trong gọng kính chỉ nặng 30 gram, theo công ty này. Các tính năng khác gồm điều hướng bằng giọng nói, trò chuyện AI và dịch âm thanh.

Theo một khách hàng đã thử kính Jiehuan và đăng về trải nghiệm trên nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu, Superhexa cung cấp nhiều lựa chọn phong cách cho gọng kính, có chất lượng âm thanh tốt nhưng gặp khó khăn trong việc nhận dạng giọng nói trong môi trường ồn ào.

kinh-thong-minh-ai-thanh-xu-huong-tien-ich-moi-nhat-cua-cac-cong-ty-trung-quoc.jpg
Superhexa ra mắt kính thông minh Jiehuan tại Trung Quốc với giá chỉ 699 nhân dân tệ trong bối cảnh nhu cầu về các tiện ích cho phép mọi người trò chuyện với AI tăng cao - Ảnh: Superhexa

Từ tháng 4 đến tháng 5, các công ty khởi nghiệp như Liweike (có trụ sở tại thành phố Hàng Châu) và Sharge (có trụ sở tại Thâm Quyến) cùng gã khổng lồ công nghệ như Huawei đã liên tiếp ra mắt kính AI riêng. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo rằng có thể không có nhiều không gian để phát triển trong lĩnh vực này.

Ivan Lam, nhà phân tích cấp cao tại hãng tư vấn thị trường Counterpoint, nói kính AI hiện tại giống như kính đeo mắt hoặc kính râm thông thường nhưng được trang bị loa, camera và AI.

Những người dùng đầu tiên có thể bị thu hút bởi sự mới lạ, nhưng nhiều người không cần đeo kính có thể không thích đeo chúng mọi lúc, đặc biệt là khi các thành phần điện tử trong đó có thể làm tăng thêm trọng lượng, theo Ivan Lam. "Các nhà sản xuất sẽ cầngiảm thêm trọng lượng, cải thiện trải nghiệm đeo và thời lượng pinđể tiếp tục phát triển", ông nhận định.

Một số công ty kính thông minh hiện ưu tiên kiểu dáng và trọng lượng. Solos (có trụ sở tại Hồng Kông) đặt mục tiêu cạnh tranh trực tiếp với Ray-Ban và Meta Platforms vào mùa thu năm nay với kính thông minh AirGo mới có gắn camera. Kính đó sẽ nặng 30 gram, rẻ hơn kính Ray-Ban và có giá tương tự. Kính AirGo 3 hiện tại không có camera, giá khởi điểm là 250 USD.

Even Realities, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Thâm Quyến mới thành lập một năm, cũng đã ưu tiên kiểu dáng với chiếc kính G1 mới của mình, bắt đầu được giao hàng quốc tế hôm 22,8. Những chiếc kính này sở hữu màn hình LED siêu nhỏ trên tròng kính nhưng thiếu loa, có giá khởi điểm là 600 USD.

Hãng Brilliant Labs, được thành lập tại Hồng Kông nhưng sau đó chuyển đến Singapore, năm nay đã ra mắt kính thông minh Frame với giá 350 USD. Bobak Tavangar, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Brilliant Labs, cho biết công ty hy vọng phương pháp tiếp cận nguồn mở của mình sẽ thúc đẩy việc áp dụng trong nhiều tình huống khác nhau, gồm cả doanh nghiệp.

Bobak Tavangar nói: “Cơ hội lớn mà chúng tôi thấy là biến kính thành nguồn mở và cho phép các nhà phát triển đang làm việc trên AI xây dựng mọi loại ứng dụng sáng tạo”.

Theo Bobak Tavangar, các nhà phát triển đã xây dựng một ứng dụng cho Frame giúp những người mắc chứng tự kỷ giải mã cảm xúc của người khác và ứng dụng khác dành cho bác sĩ, y tá sử dụng AI để đưa ra ý kiến ​​thứ hai về chẩn đoán.

Tuy nhiên, việc bán kính với giá cao hơn nhiều so với Superhexa, các công ty này chủ yếu nhắm đến các thị trường bên ngoài Trung Quốc - nơi quyền truy cập vào các mô hình AI quốc tế bị kiểm soát chặt chẽ.

Mark Zuckerberg: Kính AI giá 300 USD sẽ được hàng trăm triệu người sử dụng

Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Platforms, thừa nhận rằng mạng xã hội thực sự khá "phản xã hội" và hy vọng rằng công nghệ đeo thông minh sẽ cải thiện điều đó.

Trong cuộc phỏng vấn với South Park Commons - cộng đồng công nghệ tại thành phố San Francisco (Mỹ) gần đây, Mark Zuckerberg cho biết cách người dùng trải nghiệm mạng xã hội trên màn hình nhỏ là hạn chế. Đó là một phần lý do khiến tỷ phú 40 tuổi người Mỹ theo đuổi kính thông minh Ray-Ban Meta.

Meta Platforms sở hữu Facebook, Instagram, WhatsApp và Threads, các nền tảng mạng xã hội lớn thường được truy cập qua smartphone.

Mark Zuckerberg cảm thấy rằng việc tương tác qua các ứng dụng xã hội trên một màn hình nhỏ của điện thoại di động có thể tạo cảm giác thiếu kết nối thực sự và không tự nhiên. Theo một số cách, điều này giống như hình thức phản xã hội thực sự. Ông cho rằng kính thông minh sẽ cung cấp một cách tiếp cận tự nhiên và thân thiện hơn trong việc kết nối và tương tác xã hội.

Kính thông minh của Meta Platforms cho phép người đeo chụp ảnh, phát trực tiếp trên Instagram và sử dụng trợ lý AI để đặt câu hỏi, cùng với các tính năng khác.

Kính không được trang bị AR như Meta Quest, nghĩa là người dùng sẽ không thấy màn hình ảo bật lên trong môi trường xung quanh của họ. Tuy nhiên, Mark Zuckerberg vẫn tin rằng công nghệ đeo này sẽ được đón nhận.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây cùng Giám đốc điều hành Nvidia - Jensen Huang, Mark Zuckerberg nói ông tin rằng hàng triệu người sẽ đeo kính AI không có màn hình.

"Dựa trên những gì chúng ta đang thấy với kính Ray-Ban Meta, tôi đoán rằng kính AI không màn hình ở mức giá 300 USD sẽ là một sản phẩm thực sự lớn mà hàng chục triệu người hoặc hàng trăm triệu người cuối cùng sẽ sở hữu. Bạn sẽ có trải nghiệm tương tác mạnh mẽ với AI", ông nói.

kinh-thong-minh-ai-thanh-xu-huong-tien-ich-moi-nhat-cua-cac-cong-ty-trung-quoc1.jpg
Mark Zuckerberg tin rất nhiều người sẽ sở hữu kính AI không màn hình giá 300 USD - Ảnh: Getty Images

Cuối tháng 6, Mark Zuckerberg cho biết Meta Platforms sẵn sàng giới thiệu nguyên mẫu kính AR mới nhất và ông có vẻ rất hào hứng.

Mark Zuckerberg đã giới thiệu về chiếc kính full holographic (toàn ảnh 3D) sắp ra mắt của công ty trong cuộc phỏng vấn với YouTuber Kane Sutter (còn được gọi là Kallaway).

Full holographic là kính có khả năng hiển thị hình ảnh 3D một cách toàn diện và chân thực. Công nghệ này cho phép người dùng nhìn thấy và tương tác với các hình ảnh 3D nổi bật trong không gian thực tế, như thể chúng đang tồn tại thực sự trước mắt họ. Kính full holographic được kỳ vọng sẽ tạo ra trải nghiệm AR mạnh mẽ hơn, nơi các hình ảnh số hóa hòa quyện vào thế giới thực một cách liền mạch và sống động.

Meta Platforms có thể sẽ trình diễn phiên bản đầu tiên kính AR "thực sự", dự án được gọi nội bộ là Orion, vào mùa thu trong hội nghị Connect hàng năm của công ty, trang Insider đưa tin.

Những chiếc kính này dự kiến ​​sẽ không có sẵn để mua trong một thời gian nữa, nhưng việc khoe công nghệ tiên tiến có thể tạo ra sự hứng thú xung quanh khoản đầu tư liên tục của Meta Platforms vào lĩnh vực này.

Mark Zuckerberg nói: “Chúng tôi đang tập trung vào việc xây dựng phiên bản tiêu dùng đầy đủ của kính AR này thay vì bán nguyên mẫu".

Ông tiết lộ rằng nguyên mẫu "không sở hữu kiểu dáng đẹp nhất" và có thể sẽ có khung dày hơn để phù hợp với công nghệ AR. Tuy nhiên, ông đảm bảo với người tiêu dùng rằng đó là "chiếc kính không thể nhầm lẫn" chứ không phải headset (thiết bị âm thanh gồm tai nghe và micro tích hợp hoặc kết hợp với nhau) như Meta Quest hay Vision Pro của Apple.

Andrew Bosworth, Giám đốc công nghệ Meta Platforms và người đứng đầu bộ phận Reality Labs của công ty, cho biết năm ngoái rằng kính AR sắp ra mắt có thể là “công nghệ tiên tiến nhất trên hành tinh trong lĩnh vực này”.

Mark Zuckerberg cho biết vì nhu cầu về Ray-Ban (gồm camera và AI tích hợp nhưng không có màn hình) vượt quá mong đợi, nên công ty tập trung vào việc tích hợp nhiều công nghệ AR nhất có thể trong khi vẫn duy trì hình thức tốt nhất cho kính hiện đại.

"Trước đây, tôi nghĩ rằng chúng tôi cần các full hologram để chứng tỏ sự hiện diện. Thế nhưng, AI đã có những bước nhảy vọt lớn đến mức tôi nghĩ ngay cả thứ gì đó là một sản phẩm đơn giản hơn cũng sẽ sớm hấp dẫn hơn", Giám đốc điều hành Meta Platforms nói.

Meta Platforms đã rót hàng tỉ USD vào Reality Labs trong nhiều năm qua. Bộ phận này chịu trách nhiệm cho các nỗ lực xây dựng các sản phẩm tiên tiến, gồm cả các thiết bị đeo VR (thực tế ảo) và AR, cũng như phần mềm metaverse làm nền tảng cho chúng.

Mark Zuckerberg nhấn mạnh rằng sẽ phải mất nhiều năm để các sản phẩm này bắt đầu mang lại lợi nhuận đáng kể.

Sơn Vân