Luật vừa mới thi hành, thậm chí chưa thi hành đã phải sửa

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:51, 22/08/2024

Sáng 22.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 đến hết năm 2023.
Theo dòng thời sự

Luật vừa mới thi hành, thậm chí chưa thi hành đã phải sửa

Hoài Lam 22/08/2024 13:51

Sáng 22.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 đến hết năm 2023.

Vì sao luật mới ban hành đã phải sửa?

Trả lời chất vấn về tình trạng luật vừa mới thi hành, thậm chí chưa thi hành đã phải sửa đổi, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19 (năm 2021) về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15, Quốc hội ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, từ đó Chính phủ đã có định hướng về xây dựng luật, pháp lệnh.

Thời gian qua, Chính phủ đề xuất trình bổ sung 17 dự án mới vào định hướng chương trình, nhưng vẫn chưa bao quát hết những vấn đề mới phát sinh. Qua rà soát, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, tổng hợp từ các nguồn khác nhau và dự kiến trình Quốc hội thông qua một số luật.

Cụ thể, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua 2 luật để sửa đổi, bổ sung các luật khác nhau. Dự kiến sửa đổi, bổ sung: Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật PPP, Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan để thực hiện Luật Quy hoạch. Nội dung này sẽ giao Bộ KH-ĐT là cơ quan chủ trì soạn thảo.

Nhóm thứ 2 là sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Kế toán, Luật Dự trữ quốc gia, kiểm toán độc lập và chứng khoán. Nội dung này sẽ giao Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì.

00-thuy-2.jpg
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa nhận lý do dẫn tới việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, một phần để đáp ứng nhu cầu thực tiễn nhằm xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; một phần có nguyên nhân chủ quan là chưa chủ động và nhận thức chưa hết của các bộ ngành.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) nói rằng phó thủ tướng đã đưa ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến việc cần sửa đổi luật thời gian qua, trong đó phần nguyên nhân chủ quan được nêu ra là do “anh em chưa chủ động”.

Theo đại biểu Thủy, rất cần phải nhìn thẳng vào nguyên nhân thực tế này, cụ thể là năng lực và tính chuyên nghiệp của bộ máy tham gia xây dựng pháp luật để có những giải pháp thiết thực…

Đại biểu Thủy cho hay, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tại kỳ họp thứ 8 tới của Quốc hội, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với 25 dự án và thông qua 12 dự án luật. Tuy nhiên cho đến hiện nay, Chính phủ vẫn đang tiếp tục đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh rất nhiều dự án luật khác…

Đại biểu Thủy bày tỏ lo ngại về chất lượng các dự án luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua với khối lượng công việc lớn như vậy, khi nguyên nhân chủ quan đã được nêu ra có liên quan đến vấn đề về năng lực của bộ máy tham gia xây dựng pháp luật. Do đó, vấn đề này cần phải được nghiên cứu, đánh giá một cách hết sức kỹ lưỡng.

00-thuy-1.jpeg
Đại biểu quốc hội Nguyễn Phương Thủy chất vấn

Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ: Năm 2021, trình đưa vào chương trình ban đầu 10 dự án luật, sau đó bổ sung 1 thành 11. Năm 2022, trình 11 dự án luật, bổ sung 13 dự án luật, lên 24 dự án. Năm 2023, trình ban đầu 14 dự án luật, bổ sung 12, tức là tăng lên 26. Năm 2024, trình ban đầu 16 dự án luật, nếu được Quốc hội chấp thuận thì tăng lên 34 dự án luật.

"Số liệu như vậy cho thấy thay đổi rất lớn. Tuy nhiên các đề xuất, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh rất sát với kỳ họp. Có 2 nguyên nhân của tình trạng này là do tình hình kinh tế - xã hội thay đổi nhanh chóng và khả năng dự đoán, nắm bắt trước tình hình của chúng ta có hạn, trong một số trường hợp, khả năng nhận biết còn lúng túng”, Phó thủ tướng Long nêu.

Do đó, Phó thủ tướng Long đề nghị tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện chủ động hơn nữa. Các bộ trưởng phải trực tiếp phụ trách công tác pháp chế, đồng thời cần tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, đây là vấn đề cơ bản.

Vẫn vướng trong định giá tài sản vụ buôn lậu gỗ trắc

Liên quan đến vụ án buôn lậu gỗ trắc, theo Phó thủ tướng Lê Thành Long, Bộ Tư pháp đã có công văn số 83 ngày 12.1.2015 trả lời các cơ quan tố tụng, trong đó nêu rõ, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam, Kiểm lâm vùng 2 (Cục Kiểm lâm) có đủ điều kiện để tổ chức chuyên môn theo quy định tại điều 24 Pháp lệnh giám định tư pháp để thực hiện trưng cầu theo quy định giám định của cơ quan tố tụng.

00-long-2.jpg
Đại biểu Nguyễn Công Long phát biểu

Trong phần tranh luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho biết tại cuộc trả lời chất vấn chiều 21.8, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong việc định giá tài sản, vật chứng của vụ án gỗ trắc tại Quảng Trị và dường như ý kiến của Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao vẫn là những vướng mắc về pháp luật, trách nhiệm của các bên có liên quan trong quá trình xử lý vụ việc.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Phó thủ tướng Long nêu rõ ý kiến, sáng kiến trong việc giải quyết vụ việc trên nhằm giúp cho vụ việc sớm được giải quyết đúng quy định của pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) nói hiện nay việc triển khai Nghị định số 30 trong thực hiện định giá của nhiều địa phương cho thấy đang có rất nhiều vướng mắc.

Ông Nguyễn Công Long nhấn mạnh trong tố tụng hình sự có hai hoạt động thu thập chứng cứ rất quan trọng là giám định tư pháp và định giá tài sản. Tuy nhiên, hoạt động định giá tài sản không được xếp vào hoạt động bổ trợ tư pháp và đây cũng không phải hoạt động dịch vụ.

“Định giá tài sản là hoạt động rất quan trọng để thu thập chứng cứ, quyết định có tội phạm hay không và định lượng hình phạt. Do đó, cùng với việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về hội đồng định giá thì Chính phủ cũng cần xem xét lại lĩnh vực này”, ông Long nói.

Hoài Lam