Phó thủ tướng 2 lần yêu cầu Quảng Nam thực hiện đúng chỉ đạo vụ Thủy điện Đăk Di 4
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 13:09, 06/11/2018
Phê duyệt đánh giá tác động môi trường, không cấp chứng nhận đầu tư
Dự án thủy điện Đăk Di 4 thuộc xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam được UBND tỉnh Quảng Nam cho phép Công ty cổ phần Cung ứng đầu tư và xây lắp (sau này là Công ty cổ phần SIC và chuyển cho Công ty cổ phần Thuỷ điện Đăk Di 4) nghiên cứu đầu tư dự án tại công văn số 1748/UB-KTN ngày 24.9.2003.
UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất cho Công ty cổ phần SIC (chủ đầu tư dự án Thủy điện Đăk Di 4) chủ trì khảo sát, lập dự án đầu tư hạng mục đường dây 110kV đấu nối từ trạm biến áp 220/110kV Sông Tranh 2 đến nhà máy thủy điện Đăk Di 4 để đấu nối các dự án thủy điện.
Công văn của VPCP nêu ý kiến Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tỉnh Quảng Nam thực hiện đúng chỉ đạo.
Tuy nhiên, thực hiện ý kiến của Bộ Công Thương tại Công văn số 1833/BCT-TCNL ngày 11.3.2014 về thông báo kết quả rà soát các quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành và khai thác các công trình thủy điện báo cáo Quốc hội khóa 13, kỳ họp thứ 6, trong đó, dự án thủy điện Đăk Di 4 thuộc nhóm các dự án thủy điện tạm dừng, chưa được đầu tư xây dựng trước năm 2015.
Sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ cho phép Công ty cổ phần SIC được phép triển khai dự án Thủy điện Đăk Di 4 và Bộ Công Thương đã thống nhất cho triển khai thực hiện trong năm 2015. Năm 2016, dự án chuyển chủ đầu tư từ Công ty cổ phần SIC sang Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Di 4, được UBND tỉnh thống nhất cho chuyển chủ đầu tư và tiếp tục cho gia hạn thời gian thực hiện dự án, với yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Di 4 làm việc cùng Ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam (nay là Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư) nhằm ký cam kết tiến độ, ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án.
Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1893/QĐ-UBND ngày 1.6.2016 phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án Thủy điện Đăk Di 4. Điều kỳ lạ là thời điểm trên, UBND tỉnh Quảng Nam chưa cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư khiến doanh nghiệp khó khăn.
Nộp đủ tiền nhưng nói không nộp đúng!
Bộ Công Thương cho biết, theo cam kết với Ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp vào ngày 14.4.2016 thì công ty này phải ký quỹ với số tiền 3,84 tỉ đồng, thời hạn nộp tiền chậm nhất vào ngày 14.5.2016. Công ty đã nộp 1,2 tỉ đồng ký quỹ tại biên bản ngày 26.8.2016, đến ngày 1.9.2016 nộp tiếp số tiền 2,64 tỉ đồng.
Theo văn bản số 1297 của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng ký ngày 12.2.2018 gửi Văn phòng Chính phủ có khẳng định: “Như vậy chủ đầu tư đã nộp đủ tiền ký quỹ”. Nhưng sau đó, lấy lý do công ty nộp số tiền ký quỹ còn lại chậm so với cam kết 25 ngày, Ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức trả lại tiền cho chủ đầu tư.
Tuy nhiên, gần 9 tháng sau, báo cáo số 148/BC-UBND do ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký ngày 10.10.2018 gửi Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Công thương và VPCP lại nêu: “Công ty đã không nộp tiền theo đúng cam kết”. Từ đó, báo của UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định chủ đầu tư thực hiện hồ sơ thủ tục không đúng cam kết tiến độ.
Ngoài ra, báo cáo này còn nêu trường hợp công ty xây dựng (nhà điều hành, lán trại - NV) trái phép trong khu vực cho phép khảo sát, nghiên cứu khi UBND tỉnh chưa thống nhất quyết định chủ trương đầu tư dự án hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư. Kết thúc, báo cáo khẳng định: “UBND tỉnh Quảng Nam thông báo thu hồi chủ trương cho phép khảo sát, nghiên cứu là phù hợp với quy định của pháp luật, hợp tình, hợp lý”.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Quảng Nam không làm ảnh hưởng môi trường đầu tư trên địa bàn
Trước việc này, Bộ Công Thương kiến nghị: “UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục nghiên cứu, xem xét, đánh giá khách quan những vướng mắc khó khăn, các nội dung công việc đã thực hiện; cam kết của chủ đầu tư nếu được tiếp tục thực hiện dự án, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp phát triển theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Song song đó, chủ đầu tư đã có nhiều văn bản xin giải trình, đơn xin cứu xét và mong muốn được phép tiếp tục thực hiện dự án nhằm tháo gỡ khó khăn về các khoản góp vốn của các cổ đông, các hợp đồng kinh tế đã ký kết với các đối tác không bị hủy bỏ; các công việc đã và đang thực hiện với cam kết sẽ thực hiện ngay các tồn tại về hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan trong thời gian bị tạm dừng…
Cần thực hiện đúng chỉ đạo
Trước tình hình này, ngày 24.10.2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 10364/VPCP-CN giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp về dự án thủy điện Đăk Di 4, do Phó chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục ký, có nội dung:
“Về báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam (văn bản số 148/BC-UBND ngày 10 tháng 10 năm 2018) về tình hình giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp về dự án thủy điện Đắck Di 4, huyện Nam Trà My, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến như sau: UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp (Công ty cổ phần Thủy điện Đắck Di 4) về dự án thủy điện Đắck Di 4 theo đúng chỉ đạo tại văn bản số 9098/VPCP-CN ngày 20 tháng 9 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ thông báo để UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan biết, thực hiện".
Trước đó, tại văn bản số 9098/VPCP - CN ngày 20.9.2018 cũng nêu rõ ý kiến Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: “UBND tỉnh Quảng Nam nghiên cứu, tiếp thu kiến nghị của Bộ Công Thương, nhất là các nội dung về xem xét, đánh giá khách quan những vướng mắc, khó khăn của dự án trong quá trình thực hiện; đồng thời xem xét phương án tiếp tục triển khai dự án của chủ đầu tư để giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, không để tình trạng đơn thư kêu cứu, văn bản giải trình gửi đến các cơ quan chức năng kéo dài làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”.
Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam về trường hợp của thuỷ điện Đắk Di 4.
Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Di 4 cho hay việc thu hồi dự án khiến đơn vị gặp khó khăn vì các hợp đồng kinh tế đã ký kết với các đối tác đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ, đồng thời các công việc đã và đang thực hiện bị tạm dừng… Đơn vị này cũng giải trình việc ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói chủ đầu tư xây dựng nhà trái phép là không thỏa đáng, vì đơn vị chỉ dựng dãy nhà tạm cho công nhân ở, theo pháp luật không quy định cấp phép xây nhà tạm. Về quan điểm không triển khai đúng cam kết, đơn vị này giải thích rằng địa phương không cấp phép thì rất khó để triển khai, khi triển khai thì cáo buộc là xây dựng nhà điều hành trái phép nên rất khó cho chủ đầu tư.
Việc Quảng Nam nêu lý do công ty không có năng lực tài chính khi nộp tiền ký quỹ, Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Di 4 cho rằng theo quy định của pháp luật, việc nộp ký quỹ hoàn thành sau khi cấp chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư. Địa phương chưa cấp chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư mà yêu cầu đơn vị nộp tiền ký quỹ là không phù hợp với pháp luật hiện hành.
Ngoài ra đơn vị cũng cho rằng UBND tỉnh Quảng Nam cần kiểm tra năng lực tài chính đơn vị cụ thể mới đưa ra quan điểm cuối cùng.
Trả lời đơn kêu cứu của chủ đầu tư, Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục nghiên cứu, xem xét, đánh giá khách quan những vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp. Bộ cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp tục thực hiện dự án.
Được biết, dự án Thủy điện Đăk Di 4 được tỉnh Quảng Nam cho phép Công ty cổ phần Cung ứng đầu tư xây lắp (sau này Công ty cổ phần SIC và nay là Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Di 4) làm chủ đầu tư. Dự án có công suất 19,2 MW thuộc địa bàn xã Trà Mai (huyện Nam Trà My) có điện lượng bình quân 59,523 triệu KWh mỗi năm, dung tích hồ chứa hơn 13 triệu mét khối nước.
Nguyễn Hải