PVN có ép BSR giảm sản lượng, gây thiệt hại gần 2,9 triệu USD để cứu PVTex?
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 10:51, 02/11/2018
>> Lọc hóa dầu Bình Sơn bị tố tiêu cực gây thiệt hại hàng triệu USD
PVN buộc cắt giảm sản lượng, bán rẻ hơn giá thị trường để cứu dự án thua lỗ
Liên quan tới việc BSR bị tố có dấu hiệu tiêu cực trong việc bán sản phẩm, gây thất thoát gần 2,9 triệu USD. Ngày 26.10.2018, tại PVN, ông Đinh Văn Sơn, Thành viên HĐTV PVN đã chủ trì cuộc họp với BSR, Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí - CTCP (DMC) và các ban của PVN… để nghe báo cáo tình hình triển khai Kết luận cuộc họp ngày 17.10.2018 tại Dung Quất về tiêu thụ sản phẩm hạt nhựa PP lọc dầu Dung Quất.
Cuộc họp này diễn ra sau những chuyện lùm xùm trong việc BSR đột ngột thông báo cắt, giảm sản lượng bán sản phẩm hạt nhựa cho 5 công ty so với hợp đồng đã ký.
Cụ thể năm 2017, Tổng công ty Lọc dầu Bình Sơn (BSR) đã ký hợp đồng có thời hạn 3 năm (2018 - 2021) bán hạt nhựa PP cho 5 khách hàng là Công ty OPEC, Công ty CP hóa chất nhựa Đà Nẵng, Công ty CP thương mại dịch vụ Dầu khí miền Trung, Tổng công ty Dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí (DMC), Công ty CP Nhà và thương mại dầu khí. Tổng số hạt nhựa theo hợp đồng là 13.000 tấn/tháng, giá thỏa thuận là 15 USD/tấn.
Thế nhưng bất ngờ, ngày 25.7.2018, BSR tổ chức cuộc họp với 5 khách hàng trên để thông báo về việc sẽ cắt giảm 35% khối lượng đã ký (tương đương 4.500 tấn/tháng) để bán lại cho Công ty An Phát Holding.
Lý do được BSR đưa ra là nhằm thực hiện chỉ đạo của PVN trong việc khởi động lại nhà máy PVtex vốn đã thua lỗ nhiều năm, cần “giải cứu”. Việc này khiến nhiều đối tác của BSR bất ngờ và phản đối kịch liệt. Trong đó ngày 3.10.2018, Công ty CP nhựa OPEC đã phải gửi công văn kiến nghị PVN không dùng mệnh lệnh hành chính để can thiệp vào các hợp đồng kinh tế vì điều này sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động của công ty đang có 800 lao động và nộp thuế 300 tỉ đồng/năm này.
Trong đó có việc các công ty đã ký hợp đồng mua sản phẩm hạt nhựa với BSR đã phải gửi kiến nghị lên PVN, đề nghị không dùng mệnh lệnh hành chính, can thiệp vào các hợp đồng kinh tế, gây ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh, sản xuất.
Theo tìm hiểu của PV, tại cuộc họp ngày 26.10 vừa qua, lãnh đạo PVN tiếp tục khẳng định lại một lần nữa quyết tâm của tập đoàn này trong việc tái khởi động dự án xơ sợi đang thua lỗ nghìn tỷ PVTex Hải Phòng.
Cuộc họp cũng là để quán triệt việc triển khai Nghị quyết 5854/NQ-DKVN ngày 28.09.2018 của HĐTV PVN, về việc thông qua phương án hợp tác tiêu thụ sản phẩm hạt nhựa PP của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Theo đó lọc dầu Dung Quất sẽ ký hợp đồng bán hạt nhựa PP cho An Phát Holdings. Còn các công ty khác sẽ phải cắt giảm sản lượng hoặc chấm dứt hợp đồng mua hạt nhựa của lọc dầu Dung Quất.
Cũng tại cuộc họp ngày 26.10, ông Lê Xuân Huyên - Chủ tịch HĐQT BSR đã cho hay, BSR đã tổng hợp giá hạt nhựa giao ngay Spot tại thị trường trong giai đoạn này, sản phẩm tiền hạt nhựa tại thời điểm khoảng 31,5 USD/thùng. Hiện nay, BSR vẫn có 2 quan điểm là: bán hạt nhựa PP cần theo đấu giá; quan điểm thứ 2 là thực hiện phương án hợp tác theo phê duyệt của HĐTV tập đoàn.
Ông Huyên khẳng định tại cuộc họp này rằng: BSR tuyệt đối tuân thủ chủ trương “giải cứu” PVTex theo chỉ đạo của tập đoàn PVN và sẽ họp nội bộ để xử lý vấn đè này và có báo cáo trong thời gian 1 tuần. Ông Huyên cũng đưa ra đề nghị tập đoàn PVN cho ý kiến chỉ đạo giá bán sản phẩm cho cho An Phát Holdings (sau khi DMC, PVBuilding trả lại hàng): bán theo giá đề xuất hay bán theo đấu thầu?
Tại cuộc họp ngày 26.10, lãnh đạo lọc dầu Dung Quất cho hay đã chủ động làm việc với An Phát và OPEC theo hướng An Phát sẽ mua lại sản lượng hạt nhựa PP từ OPEC với giá chuyển tiếp của Hợp đồng OPEC mua từ BSR hoặc với giá 17 USD/tấn. Phương án khác là OPEC mua lại sản lượng của An Phát (phần BSR lấy lại từ DMC, PVBuilding bán cho An Phát Holdings). Tuy nhiên các bên không thống nhất được cả 2 phương án này.
Vì sao lại lọc dầu Dung Quất phải bán sản phẩm cho An Phát?
Thực tế, PVtex - công ty sản xuất xơ sợi là công ty đang được PVN chỉ đạo cứu. Công ty này đã đắp chiếu nhiều năm và gần đây mới khởi động lại một phần. Điều đáng nói là ngoài việc khởi động nhà máy, cứu vãn dự án xơ sợi, thì PVTex mua hạt nhựa làm gì khi mà nó không phải là nguyên liệu sản xuất xơ sợi.
Theo tìm hiểu, An Phát Holdings dùng công ty mới thành lập là Công ty CP Xơ sợi An Sơn (thành lập ngày 10.4.2018) ký hợp đồng gia công với PVtex để chạy 10 máy, chiếm 3% công suất của PVtex. An Sơn chỉ có vốn điều lệ 10 tỉ đồng, lại không có kinh nghiệm về kinh doanh xơ sợi. Thế nhưng PVN vẫn cho PVtex ký với An Sơn để sản xuất sợi DTY. Điều kiện đổi lại là PVtex hỗ trợ An Phát Holdings mua 35% sản lượng của BSR trong 5 năm, giá trị ước tính gần 150 tỉ đồng/tháng.
Theo số liệu được PVN công bố, 3 tháng sau khi “giải cứu PVtex, sản lượng xơ sợi chỉ là 500 tấn trong khi công suất của PVtex là 15.000 tấn/tháng. Điều đó cho thấy thấy PVtex khởi động không đáng kể trong khi phần đổi lại cho An Phát là quá lớn.
Trong công văn gửi PVN, OPEC nêu rõ: “Cách làm không tuân thủ pháp luật, quy trình về lựa chọn đối tác, bỏ qua các cam kết hợp đồng đã ký đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho hệ thống khách hàng của chúng tôi, đặc biệt là các đối tác nước ngoài. Các nhà phân phối có nguy cơ bị các khách hàng đầu ra khởi kiện, đền bù hợp đồng. Đồng thời ảnh hưởng lớn tới công ăn việc làm và thu nhập của hàng nghìn người lao động trong ngành nhựa Việt Nam, tạo hình ảnh xấu tới môi trường kinh doanh đầu tư ở Việt Nam”.
Công ty CP hóa chất Nhựa Đà Nẵng cũng nêu quan điểm: “Việc cắt bớt sản lượng đã ký kết để chuyển giao cho đơn vị khác là tiềm ẩn rủi ro về tính hiệu quả, cả về mặt pháp lý cũng cần để các bên xem xét toàn diện. Đây là điều mà công ty chúng tôi không đồng thuận bởi đây là bước lùi trong kế hoạch kinh doanh đã xây dựng”.
Nam Phong