WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,1% năm nay
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:15, 26/08/2024
WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,1% năm nay
Tại buổi công bố báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam ngày 26.8, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,1% trong năm 2024, sau đó lên đến 6,5% trong các năm 2025, 2026.
Tăng trưởng đầu tư tư nhân thấp hơn trước đại dịch
Theo báo cáo của WB, GDP của Việt Nam tăng trưởng 6,4% trong nửa đầu năm 2024 (so cùng kỳ năm trước), cao hơn mức tăng trưởng 5% trong nửa đầu năm 2023, nhờ xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến được phục hồi, cũng như mức đầu tư và tiêu dùng cao hơn.
Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn so với dự báo cho nửa đầu năm 2024, nhờ sức cầu bên ngoài mạnh hơn, trong đó xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 16,9% và 17% (so cùng kỳ năm trước).
Mặc dù đóng góp ròng của xuất khẩu (chênh lệch xuất nhập khẩu) cho GDP vẫn ở mức khiêm tốn, nhưng WB cho rằng tăng trưởng thương mại đã góp phần giúp cho nhu cầu trong nước từng bước phục hồi. Trong đó tăng trưởng đầu tư và tiêu dùng đạt lần lượt 6,7% và 5,8% so cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2024.
Tuy vậy, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn dừng ở mức thấp hơn so với trước đại dịch. Doanh số bán lẻ tăng 8,8% (so với cùng kỳ năm trước) trong nửa đầu năm 2024, nhưng vẫn thấp hơn bình quân ghi nhận trước đại dịch (11,6%).
Đặc biệt, nhu cầu đối với các dịch vụ và mặt hàng không thiết yếu, như xe hơi, thiết bị gia dụng, du lịch hay nâng cấp nhà ở vẫn ở mức thấp, cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vẫn duy trì ở mức thấp.
Ngoài ra, tăng trưởng thu nhập thực vẫn yếu ở mức 2,5% so cùng kỳ năm trước vào tháng 6.2024, thấp hơn xu hướng trước đại dịch (8,4%). Tương tự, việc làm trong khu vực chính thức vẫn tương đối ổn định, tăng 0,4% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 4.2024.
Báo cáo cũng nêu rõ tăng trưởng đầu tư của khu vực tư nhân có cải thiện trong nửa đầu năm 2024, nhưng vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng trước đại dịch COVID-19.
Cụ thể, tổng vốn đầu tư tăng 6,7% (theo giá so sánh) so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2024, từ mức 4,1% so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2023, nhưng thấp hơn so với bình quân trước đại dịch COVID-19 là 7,1%. Tương tự, đầu tư của khu vực tư nhân trong nước - đóng góp gần 60% cho tổng vốn đầu tư - đóng góp 3,9% (so với cùng kỳ năm trước) cho tăng trưởng.
Chất lượng tài sản ngân hàng vẫn là một mối lo ngại
Theo WB, tăng trưởng tín dụng được cải thiện từ sau giai đoạn tăng rất chậm hồi đầu năm 2024. Tính đến cuối tháng 6.2024, tăng trưởng tín dụng đạt 13,5% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là nhờ vào các hoạt động xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, chế tạo chế biến, bất động sản, thương mại, vận tải và viễn thông được cải thiện.
Tuy nhiên, số liệu mới nhất về cho vay tiêu dùng lại cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vẫn yếu, khi các khoản vay mua nhà và xe hơi giảm trong quý 1/2024 so với cuối năm 2023.
Tổng tín dụng cho vay tiêu dùng chỉ tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước trong quý 1/2024, so với tăng trưởng nhẹ của năm 2023 và thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,1% trong 5 năm trước đây.
Báo cáo này cũng đánh giá chất lượng tài sản ngân hàng vẫn là một mối lo ngại kể từ năm 2023. Nợ xấu toàn hệ thống tăng mạnh, từ 1,9% năm 2022 lên 4,6% tổng dư nợ cho vay năm 2023, theo số liệu mới nhất có được, chủ yếu do ghi nhận nợ xấu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
Mặc dù vậy, tổng nợ vay được coi là xấu có thể lên đến 7,9% nếu tính cả các khoản vay được tái cơ cấu và nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Số liệu mới nhất cho quý 1/2024 cho thấy tỷ lệ nợ xấu của 27 ngân hàng thương mại niêm yết, chiếm 83% tổng dư nợ tín dụng trong khu vực ngân hàng, tăng từ 1,9% trong quý 4/2023 lên 2,2% trong quý 1/2024, trong điều kiện nợ xấu tăng kết hợp với tăng trưởng tín dụng chững lại.
Ngoài ra, các biện pháp gia hạn cơ cấu nợ nhằm ứng phó đại dịch, dự kiến sẽ chấm dứt vào tháng 12.2024, có thể khiến cho tỷ lệ nợ xấu còn cao hơn nữa.
Dự báo tăng trưởng 6,1% trong năm 2024
WB dự báo nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,1% trong năm 2024, sau đó lên đến 6,5% trong các năm 2025, 2026.
Một trong những rủi ro chính đối với tăng trưởng kinh tế là yếu tố bất định của tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể thấp hơn dự kiến, nhất là tăng trưởng của những đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU và Trung Quốc. Những diễn biến đó có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến của Việt Nam và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng.
Ngoài ra, đối với trong nước, sự mất ổn định của kinh tế vĩ mô có thể có tác động tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư, ảnh hưởng đến tiêu dùng và đầu tư. Thị trường bất động sản có thể hồi phục lâu hơn dự kiến, tác động xấu đến đầu tư của khu vực tư nhân. Nếu chất lượng tài sản của các ngân hàng tiếp tục yếu đi, năng lực cho vay của các ngân hàng có thể bị suy giảm…
Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cấp cao của WB tại Việt Nam, cho rằng dự báo tăng trưởng 6,1% là rất tích cực, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn chưa quay về quỹ đạo tiềm năng đầy đủ.
Bà Madani cho rằng sau khi phục hồi mạnh trong nửa đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại trong thời gian tới, chịu ảnh hưởng từ xu hướng tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Đại diện của WB khuyến nghị Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công để tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các ngân hàng cải thiện hệ số an toàn vốn, đồng thời cải thiện xây dựng hạ tầng để thu hút đầu tư tư nhân. Việc đa dạng hóa thương mại để tăng cường hội nhập hơn nữa cũng sẽ là yếu tố giúp cải thiện khả năng chống chịu của kinh tế Việt Nam.