Chủ đầu tư thủy điện Đăk Di 4: Sẽ kiện UBND tỉnh Quảng Nam
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 17:55, 08/11/2018
Như báo điện tử Một Thế Giới đã thông tin, chủ đầu tư bị tỉnh Quảng Nam thu hồi dự án khi chỉ còn 2 tháng nữa đến thời điểm khởi công. Ngày 7.11, tỉnh Quảng Nam, dưới sự chủ trì của ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã có cuộc đối thoại với Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Di 4. Tại buổi đối thoại, ông Huỳnh Khánh Toàn vẫn cho rằng chủ đầu tư đóng tiền ký quỹ chưa đủ; chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư; chưa tiến hành thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng, năng lực tài chính không đảm bảo. Ông cho rằng thu hồi là đúng luật nhưng không dẫn ra điều luật của bộ luật nào.
Đại diện thủy điện Đăk Di 4 cho rằng nguyên nhân chậm thủ tục là do hướng dẫn của các sở ban ngành mỗi nơi một phách, chưa kể dùng mệnh lệnh bắt doanh nghiệp thay đổi thiết kế của dự án. Đường dây 110kv đến điểm đấu nối thủy điện Sông Tranh 2 từ 180 tỉ đồng, mạch đơn lên mạch kép, thay đổi tiết diện, nâng công suất lên khiến suất đầu tư tăng gấp đôi; 380 tỉ đồng, gây mất phương hướng trong hoạch định chiến lược của doanh nghiệp. Việc thay đổi này đều do Sở Công Thương tự hoạch định, sau đó bắt doanh nghiệp đóng tiền để Sở chi tiêu, các doanh nghiệp không biết Sở này căn cứ vào đâu mà tăng suất đầu tư lớn như thế.
Đại diện doanh nghiệp cũng khẳng định: “Chúng tôi nộp đủ 3,84 tỉ đồng, chỉ chậm 25 ngày chứ không đúng như thông tin là không nộp tiền ký quỹ. Về đường dây 110kv, ngày 17.5.2016, chúng tôi đang khảo sát, hướng tuyến, đồng chí giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam lúc đó chỉ mặt tôi nếu mà ông không đồng ý lên 2 mạch, tôi báo cáo ủy ban để thu hồi”. Đại diện đơn vị chủ đầu tư đã đề nghị các cơ quan tỉnh Quảng Nam phải đặt mình vào vị thế doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn.
Kết thúc buổi đối thoại, ông Huỳnh Khánh Toàn cho biết việc đối thoại là thực hiện theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nhưng do dự án không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ nên tỉnh vẫn giữ nguyên quyết định thu hồi dự án.
Đại diện của đơn vị đầu tư nói sẽ khởi kiện ra tòa, còn chỉ đạo của Phó thủ tướng là trên tinh thần kiến tạo cho nên không thể cho rằng dự án không thuộc thẩm quyền Thủ tướng. Nói như vậy là trái với tinh thần kiến tạo mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khởi xướng.
Trong cuộc họp này, ông Toàn cũng xác nhận dự án đường dây 110kv, đường dây dùng chung cho các thủy điện trên khu vực với mục đích là đấu nối vào lưới điện quốc gia, sau khi thu hồi của thủy điện Đăk Di 4 đã được Sở Công Thương Quảng Nam điều chỉnh từ 180 tỉ đồng lên 380 tỉ đồng. Điều kỳ lạ là sở này không bỏ tiền đầu tư mà thu từ 10 doanh nghiệp để triển khai đường dây, với lập luận: “Các doanh nghiệp mâu thuẫn, nên tự nhờ tỉnh đứng ra làm hộ”.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp cho biết họ không hề hay rõ tỉnh Quảng Nam chi tiêu số tiền họ đóng như thế nào, trong khi sở này làm quản lý nhà nước, lại lấy tiền doanh nghiệp vẽ dự án là không khách quan, đội lên chi phí, thiệt hại cho doanh nghiệp, mà có chắc là tối ưu như giá trị vốn 180 tỉ đồng do doanh nghiệp làm theo thiết kế trước đã được địa phương duyệt?
Nguyễn Hai