Việt Nam lên kế hoạch tăng mua than từ Lào

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:29, 27/08/2024

Hợp tác mua bán than giữa Việt Nam và Lào là vấn đề hết sức quan trọng, vừa là nhiệm vụ phát triển kinh tế, thương mại, vừa là nhiệm vụ chính trị giữa hai nước.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Việt Nam lên kế hoạch tăng mua than từ Lào

Tuyết Nhung {Ngày xuất bản}

Hợp tác mua bán than giữa Việt Nam và Lào là vấn đề hết sức quan trọng, vừa là nhiệm vụ phát triển kinh tế, thương mại, vừa là nhiệm vụ chính trị giữa hai nước.

Ngày 27.8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc với các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản về việc hợp tác mua bán than với Lào.

than.jpg
Việt Nam muốn tăng nhập khẩu than từ Lào để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước, thông qua khởi động quá trình xây dựng Hiệp định thương mại hợp tác mua bán than với quốc gia này - Ảnh: IT

Theo nội dung của Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực than đã được ký bởi Bộ Công Thương và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào thì hai bên sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác và đầu tư trong khai thác, chế biến và xuất khẩu than với Lào. Đồng thời, Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động mua bán than giữa doanh nghiệp hai bên, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng năng lực trong khai thác và chế biến than nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và hợp tác về năng lượng giữa hai nước.

Lãnh đạo Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua đã tham mưu cho lãnh đạo bộ chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện và các đơn vị liên quan xem xét việc mua than của Lào cho sản xuất điện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu hiệu quả thực tế.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, hợp tác mua bán than giữa Việt Nam và Lào là vấn đề hết sức quan trọng, vừa là nhiệm vụ phát triển kinh tế, thương mại, vừa là nhiệm vụ chính trị giữa hai nước. Do vậy, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã có rất nhiều cuộc họp và văn bản chỉ đạo về vấn đề này.

Thời gian tới, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh việc hợp tác thương mại than giữa Việt Nam và Lào theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động hợp tác thương mại với Lào, trong đó có việc xây dựng hiệp định hợp tác thương mại mua bán với than với Lào.

Để có cơ sở xây dựng hiệp định hợp tác nêu trên, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng trong bộ cũng như các tập đoàn, tổng công ty có báo cáo đánh giá toàn diện về nhu cầu mua bán than giữa hai nước và các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện được thuận lợi, đúng quy định. Nội dung hiệp định tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: sản lượng nhập khẩu có thể điều chỉnh theo nhu cầu thực thế; phương thức mua bán, phân bổ số lượng nhập khẩu than từ Lào cho các tập đoàn, tổng công ty đầu mối.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Vụ Dầu khí và Than lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan để sớm hoàn thiện dự thảo hiệp định trình Chính phủ, đảm bảo chất lượng và tiến độ được giao.

Dù Lào đang có trữ lượng than lớn mà Việt Nam có thể nhập về nhưng việc mua bán giữa hai bên vẫn còn những hạn chế. Vụ Dầu khí và Than cho biết, thời gian qua, hợp tác mua bán than với Lào vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng giao thông hạn chế, chi phí vận chuyển cao dẫn đến giá than nhập khẩu từ Lào cao, không đảm bảo tính cạnh tranh với giá than sản xuất trong nước hay than nhập khẩu từ các quốc gia khác...

Bộ Công Thương kỳ vọng việc triển khai xây dựng hiệp định thương mại hợp tác mua bán than với Lào là nhằm đảm bảo cho Việt Nam có nguồn cung than ổn định. Hồi tháng 7 năm nay, Bộ Công Thương cùng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào ký biên bản ghi nhớ về hợp tác lĩnh vực than trong 5 năm. Theo đó, Lào dự kiến xuất khẩu khoảng 20 triệu tấn than mỗi năm sang Việt Nam, tùy nhu cầu và điều kiện thực tế thị trường.

Để đảm bảo cung ứng đủ than cho sản xuất điện năm trong 2024, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than được giao chịu trách nhiệm thu xếp 74,307 triệu tấn than, trong đó, các nhà máy thiết kế sử dụng khoảng 26,1 triệu tấn than nhập khẩu.

Tuyết Nhung