Khánh thành trung tâm đặc sản Việt Nam lớn nhất ĐBSCL
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:28, 28/08/2024
Khánh thành trung tâm đặc sản Việt Nam lớn nhất ĐBSCL
Trung tâm đặc sản các vùng miền Việt Nam - Du lịch - Nông nghiệp (tại TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang) được đánh giá là kênh xúc tiến quảng bá tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm OCOP lớn nhất miền Tây Nam Bộ, tiến tới đưa sản phẩm OCOP, đặc sản các tỉnh tiếp cận thị trường Campuchia và khu vực.
Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới sáng 28.8, rất đông người dân đến mua sắm tại Trung tâm Thương mại đặc sản các vùng miền Việt Nam - Du lịch - Nông nghiệp (tại 103 Nguyễn Tri Phương, phường Vĩnh Mỹ, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang). Chị Tú Trinh (ngụ TP.Cần Thơ) cho biết mỗi khi đến tỉnh An Giang chị đều tìm mua các đặc sản về làm quà hoặc dùng cho gia đình.
“Nhân dịp đi công việc tại TP.Châu Đốc, tôi cùng vài đồng nghiệp ghé vào Trung tâm Thương mại đặc sản các vùng miền Việt Nam mua khô, mắm về làm quà. Tại đây có rất nhiều sản phẩm OCOP của các vùng miền nên việc lựa chọn rất dễ dàng”, chị Trinh nói.
Trung tâm đặc sản Việt Nam - Du lịch - Nông nghiệp được xây dựng trên diện tích hơn 30.000m2, phần nhà trưng bày, mua bán rộng 16.800m2, tổng vốn xây dựng hơn 96 tỉ đồng. Trung tâm gồm các khu trưng bày, giới thiệu, bày bán các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của 36 tỉnh thành trong cả nước như Trà Vinh, Bến Tre, Hà Nội, Cà Mau, Long An, Lạng Sơn, Tây Ninh, Bình Thuận, Thái Bình, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu...
Trung tâm có các khu đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP các tỉnh thành; khu phố đi bộ về đêm, phố hàng rong; khu cửa hàng sản phẩm dịch vụ du lịch, khu bán các sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp, khu tổ chức sự kiện; khu ẩm thực Việt Nam, Campuchia, Thái Lan...
Ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Tứ Sơn cho biết Trung tâm Thương mại đặc sản các vùng miền Việt Nam - Du lịch - Nông nghiệp là trung tâm đầu tiên trên cả nước giới thiệu, bày bán sản phẩm OCOP của 36 tỉnh thành với 350 sản phẩm OCOP từ 1 - 4 sao, hơn 500 loại sản phẩm đặc sản các vùng miền Việt Nam. Trong đó sản phẩm OCOP chiếm 70%.
“Sau hơn 10 ngày trung tâm mở bán, các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của nhiều tỉnh thành trong cả nước được người tiêu dùng rất ưa thích, như các đặc sản, sản phẩm OCOP bánh cốm, bánh dẻo... của tỉnh Thái Bình; bánh tráng, muối tôm Tây Ninh; các sản phẩm từ sen Đồng Tháp…”, ông Sơn cho biết.
Cũng theo ông Sơn, TP.Châu Đốc có vị trí địa kinh tế đặc biệt, trong đó thương mại dịch vụ chiếm 80% cơ cấu kinh tế của thành phố. Với lợi thế là trung tâm du lịch của tỉnh An Giang nên lượng khách du lịch đến thành phố tăng mạnh qua từng năm. Năm 2023, lượt khách tham quan đến TP.Châu Đốc đạt 5,26 triệu, so cùng kỳ tăng 30,36%, đạt 128,29% kế hoạch năm.
“Tuy nhiên, hiện tỷ lệ khách đến Châu Đốc lưu trú rất ít, chỉ chiếm 1,2% trong tổng lượng khách đến Châu Đốc du lịch và chỉ có 17% du khách chi tiêu mua sắm hàng hóa tiêu dùng mang về; bình quân mỗi du khách đến Châu Đốc chi tiêu chỉ 800.000 đồng/người. Vì vậy, việc Trung tâm thương mại đặc sản các vùng miền Việt Nam - Du lịch - Nông nghiệp được xây dựng sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch Châu Đốc phát triển và góp thêm một sản phẩm du lịch hấp dẫn để giữ chân du khách khi đến Châu Đốc”, ông Sơn nói.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang biểu dương sự nỗ lực, đóng góp của Công ty TNHH Tứ Sơn thời gian qua. Công ty vượt qua những khó khăn, nhất là giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch, sau 3 năm khởi công xây dựng, đến nay Trung tâm Đặc sản Việt Nam - Du lịch - Nông nghiệp đã khánh thành, đi vào hoạt động.
“Tôi tin tưởng rằng trung tâm sẽ luôn hướng đến những chuẩn mực trong xây dựng hệ thống sản phẩm, thương mại hàng hóa xanh - sạch - đẹp, có giá trị sử dụng và tiêu dùng cao, tiếp tục đạt được nhiều thành công và phát triển mới”, ông Tuấn nói.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết cả nước có 14.000 sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao. Thời gian qua, An Giang đã tập trung phát triển sản phẩm, đến nay có khoảng 140 sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao.
“Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP nhằm mục đích khuyến khích phát triển làng nghề, ngành nghề ở nông thôn để nâng cao thu nhập người dân; thúc đẩy chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất và người dân để tạo ra chuỗi sản xuất an toàn. Đồng thời, chương trình cũng nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới; góp phần quảng bá sản phẩm OCOP của các địa phương ra thị trường trong và ngoài nước”, ông Nam nói.
Dự án Trung tâm thương mại đặc sản các vùng miền Việt Nam - Du lịch - Nông nghiệp được Bộ Nông nghiệp - PTNT, Bộ Công Thương đánh giá cao, sẽ trở thành trung tâm phân phối, giới thiệu sản phẩm OCOP các tỉnh thành; đặc sản vùng miền đến tận tay khách du lịch trong và ngoài nước.