Đồng Nai sẽ tháo gỡ khó khăn, đón cơ hội khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:00, 30/08/2024
Đồng Nai sẽ tháo gỡ khó khăn, đón cơ hội khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động
Khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, kinh tế Đồng Nai sẽ có thuận lợi lớn, nhiều cơ hội. Song song đó, tỉnh cũng phải đối mặt với hàng loạt thách thức.
Đó là nội dung chính trong Hội thảo chuyên đề “Cơ hội, thách thức đối với Đồng Nai sau khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động” do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức vào sáng 30.8.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, thời gian qua, tăng trưởng của Đồng Nai bắt đầu có dấu hiệu chững lại, bắt đầu xuất hiện những điểm nghẽn và nút thắt. Tuy nhiên, được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Đồng Nai đã có sự đầu tư hạ tầng hiện đại, tạo thuận lợi cho sự kết nối với các tỉnh thành khác trong cả nước. Trong đó, dự án Sân bay Long Thành chính là cơ hội để Đồng Nai trở thành trung tâm trung chuyển, kết nối tỉnh với các nước trong khu vực và thế giới.
“Thông qua hội thảo này, lãnh đạo tỉnh mong muốn nhận được chia sẻ từ những góc nhìn khác nhau của các chuyên gia nhằm loại bỏ những tiêu cực và tối đa hóa lợi ích đối với một cảng hàng không, giúp cho Đồng Nai phát triển bền vững trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.
Giám đốc Sở KH-ĐT Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2024, thu hút đầu tư trong nước của tỉnh đạt hơn 42.100 tỉ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 1,089 tỉ USD; tăng 34% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, chất lượng thu hút đầu tư vẫn chưa đạt được kỳ vọng; động lực chính vẫn từ các ngành công nghiệp thâm dụng nhiều lao động. Thu hút nhiều, nhưng chủ yếu các dự án hỗn hợp, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, sử dụng nhiều lao động phổ thông. Vì thế, giá trị gia tăng tạo ra thấp, suất đầu tư trên mỗi ha đất công nghiệp chỉ đạt khoảng 18 tỉ đồng.
Theo ông Nguyên, con số này thấp hơn nhiều so với giá trị trung bình của cả nước là 22 tỉ đồng, TP.HCM là 43 tỉ đồng, Bắc Ninh 27 tỉ đồng, Bình Dương 19 tỉ đồng. Đồng Nai có khả năng tụt hậu về kinh tế so với các tỉnh thành và đóng góp vào ngân sách nhà nước chưa cao.
Tại hội thảo, các đơn vị, chuyên gia đã có những tham luận đóng góp ý kiến cho tỉnh. PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng vùng Đông Nam Bộ, trong đó có Đồng Nai, có rất nhiều tiềm năng nhưng hiện tại phát triển kinh tế đang có dấu hiệu chững lại.
Vì vậy, Đồng Nai cần nhận ra vấn đề hiện tại của tỉnh là gì. Ngoài ra, cũng nên có tầm nhìn mới cho Đồng Nai trên cơ sở là sân bay Long Thành, từ đó giúp địa phương nhận ra những tồn đọng, tạo ra đột phá để giải tỏa các điểm nghẽn, nút thắt cho tỉnh.
Kết luận tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhận định, hiện nay hạ tầng Đông Nam Bộ đang được Chính phủ quan tâm rất nhiều. Với những lợi thế sẵn có kết hợp với đầu tư hạ tầng đồng bộ thì trong 3 năm tới, sức hút của vùng có thể sẽ quay trở lại. Đồng Nai hy vọng tỉnh sẽ đón lấy cơ hội này vì hiện nay, lợi thế của tỉnh là cảng Cái Mép - Thị Vải và sân bay Long Thành đang trở thành một trung tâm mới của vùng Đông Nam Bộ.
Ông Lĩnh đề nghị, thời gian tới, Đồng Nai phải triển khai mạnh mẽ các vấn đề như nhân lực phục vụ sân bay và vùng sân bay; đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối và hoàn thiện với sân bay.
Khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ tạo áp lực lớn lên hệ thống giao thông của Đồng Nai. Nếu không được đầu tư nâng cấp, mở rộng kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh..
Người đứng đầu đảng bộ tỉnh Đồng Nai cũng lưu ý đến việc xử lý môi trường bởi Việt Nam đang trong giai đoạn thực hiện Net Zero. Việc đưa vào vận hành sân bay là một thử thách lớn, do đó cần kiểm soát môi trường. UBND tỉnh Đồng Nai cần phối hợp với ACV để giảm thiểu tác động môi trường nhằm đưa Đồng Nai cùng với cả nước hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ đề ra.