'Nam triều kiến mộng': Tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình của Việt Nam
Văn hóa - Ngày đăng : 17:00, 30/08/2024
'Nam triều kiến mộng': Tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình của Việt Nam
Nhà xuất bản Hội Nhà văn gần đây đã phát hành cuốn tiểu thuyết “Nam triều kiến mộng” của tác giả Bửu Nguyễn. Đây là tác phẩm hiếm hoi thuộc dòng kiếm hiệp - dã sử Việt Nam.
Võ hiệp - kiếm hiệp là một thể loại tiểu thuyết hư cấu theo dạng dã sử, các nhân vật thường thông thạo võ nghệ, sử dụng võ công theo cách phóng đại của trí tưởng tượng. Nhân vật chính luôn là hình mẫu về lý tưởng sống phục vụ cộng đồng nhưng cũng đa tình, lãng mạn.
Người Việt từng say mê Kim Dung, Cổ Long - hai tác gia được xem là nổi bật nhất của dòng tiểu thuyết võ hiệp Hoa ngữ. Thời kỳ đó cũng có một vài tác giả Việt Nam viết kiếm hiệp nhưng đã bị chìm lấp trong “cơn bão” tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung.
Thực ra tiểu thuyết dã sử, võ hiệp kỳ tình có lịch sử khá lâu đời. Tại phương Tây, các tiểu thuyết như Ba chàng ngự lâm pháo thủ của nhà văn Pháp Alexandre Dumas hay Đôn Kihôtê (Don Quijote) của văn sĩ Miguel de Cervantes Saavedra (Tây Ban Nha) có thể xem như những tiểu thuyết cùng thể loại.
Tại Việt Nam, cuốn tiểu thuyết Giọt máu chung tình của Tân Dân Tử ra đời từ năm 1926 cũng dùng bối cảnh lịch sử triều Nguyễn, với hai nhân vật chính Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà cùng với mối tình bi thảm của họ, đã trở thành cảm hứng cho các tác phẩm sân khấu, vọng cổ nổi danh về sau. Nhà văn Tân Dân Tử trong lời tựa cho cuốn tiểu thuyết chương hồi của mình có nói rõ mục đích của tác giả là muốn sử dụng chính tư liệu lịch sử của “xứ ta” để khơi dậy tinh thần tự chủ dân tộc trong văn chương.
Hiện nay, phong trào viết kiếm hiệp, sắc hiệp (đưa chuyện sắc dục vào trang sách) cũng đang nở rộ tại Trung Quốc đại lục trong khi nó dần lụi tàn tại Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc). Tại Việt Nam, rất ít tác giả khai thác đề tài này.
Tiểu thuyết Nam triều kiến mộng của Bửu Nguyễn sử dụng kỹ thuật viết theo lối kinh điển của các tiểu thuyết võ hiệp dịch tại miền Nam trước 1975 với các hành tung xuất quỷ nhập thần, các chiêu thức ngọa hổ tàng long của những người trong giang hồ để kể về một thời ly loạn. Nam triều kiến mộng được tác giả sáng tác theo lối cổ điển, nội dung lấy bối cảnh những năm đầu triều Minh Mệnh, xoay quanh địa danh Thành Gia Định hay còn gọi là Thành Quy (Thành Bát Quái).
Đây là một thời điểm đầy những biến loạn, những cuộc thanh trừng tàn khốc với các nhân vật lịch sử lừng danh như: Lê Văn Duyệt, Lê Văn Khôi, Huỳnh Công Lý… bên cạnh các nhân vật được tác giả hư cấu như Nguyễn Đăng Bảo, Nguyệt Lam, Vương Đại Lực, Pháp Châu hòa thượng, Hồng Nương Tử…
Thời kỳ lịch sử này cũng là thời điểm các nước thực dân phương Tây bắt đầu dòm ngó một nước Đại Nam vững mạnh nhưng khép kín. Tuy nhiên, các thương cảng lớn cũng là địa bàn buôn bán sôi động của các quốc gia từ châu Á đến Trung Đông, điều này gợi hứng cho tác giả đưa các loại binh khí phương Tây cùng các nhân vật ngoại quốc vào tác phẩm.
Nam triều kiến mộng dày 438 trang với những tình tiết lôi cuốn, các âm mưu của các phe phái đan xen trong cuộc tình éo le của “chàng trẻ tuổi vốn dòng hào kiệt” Nguyễn Đăng Bảo và tiểu thư Lục Linh Đan, cùng bao số phận thăng trầm theo kỳ án Huỳnh Công Lý - Lê Văn Duyệt… Bên cạnh đó là những ân oán tình cừu không thể thiếu của thể loại tiểu thuyết này.
Điều đáng quý của Bửu Nguyễn cũng giống như ý đồ của tiền bối Tân Dân Tử 100 năm trước, khi anh bộc bạch ở dòng giới thiệu khiêm tốn nhưng cũng đầy tham vọng là “muốn định hình một phong cách kiếm hiệp Việt Nam, đi sâu khai thác về đề tài văn hóa và dã sử nước nhà”. Anh còn trẻ, sức viết còn tràn trề sinh lực, mong rằng hoài bão này sớm trở thành hiện thực.
Từ Mỹ, nhà văn Cấn Vân Khánh chia sẻ: “Tiểu thuyết Nam triều kiến mộng đã đưa tôi vào một thế giới võ hiệp kỳ ảo đầy diễm lệ của Việt Nam đầu thế kỷ 19. Ở đó, mưu mô xảo trá cũng có, thực tại chua xót cũng có, nhưng vượt lên trên là sự dấn thân của những anh hùng thầm lặng, muốn đưa đôi vai gánh lấy sơn hà. Cuối cùng, tình thương là thứ duy nhất còn sót lại, cũng là thứ đã cứu rỗi cõi trần gian đầy rẫy đau khổ này”.
Còn nhà văn Lê Đức Dương thì đánh giá: “Với 438 trang dày dặn, Nam triều kiến mộng là cuốn sách hiếm hoi dạng kiếm hiệp - dã sử. Điều đáng quý là tác giả có văn phong khác biệt, thiên chất lịch sử. Đây chính là thế mạnh của cuốn sách vì tác giả cẩn thận chăm chút từng nhân vật, địa danh hay sự kiện lịch sử... nên có những trang viết rất thú vị”.