Đơn vị tội phạm mạng nhỏ với tham vọng lớn đứng sau vụ bắt giữ CEO Telegram
Thế giới số - Ngày đăng : 13:54, 31/08/2024
Đơn vị tội phạm mạng nhỏ với tham vọng lớn đứng sau vụ bắt giữ CEO Telegram
Cuộc điều tra Pavel Durov, Giám đốc điều hành Telegram, được khởi xướng bởi một đơn vị tội phạm mạng nhỏ trong văn phòng công tố ở Paris, do bà Johanna Brousse (38 tuổi) đứng đầu. Động thái đó như phát súng cảnh cáo những ông trùm công nghệ toàn cầu.
Vụ bắt giữ Pavel Durov (39 tuổi) hôm 24.7 đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong cách một số cơ quan trên thế giới có thể tìm cách đối phó với các ông chủ công nghệ miễn cưỡng kiểm soát nội dung bất hợp pháp trên nền tảng của họ.
Vụ việc báo hiệu sự quyết đoán của đơn vị tội phạm mạng J3, nhưng thử thách tham vọng của họ sẽ là liệu Johanna Brousse có thể đảm bảo một bản án dựa trên lập luận pháp lý chủ yếu chưa được thử nghiệm hay không, theo các luật sư.
Trong động thái chưa từng có với một giám đốc điều hành hãng công nghệ lớn, các công tố viên lập luận rằng Pavel Durov phải chịu trách nhiệm về hành vi bất hợp pháp bị cáo buộc trên nền tảng của mình. Điều này khiến tỷ phú 39 tuổi gốc Nga phải chịu sự điều tra chính thức về các cáo buộc tội phạm có tổ chức. Pavel Durov bị tình nghi đồng lõa trong việc điều hành nền tảng trực tuyến cho phép đăng tải hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em, buôn bán ma túy và gian lận.
Hôm 29.8, luật sư của Pavel Durov cho biết "thật vô lý" khi ông phải chịu trách nhiệm và ứng dụng này tuân thủ luật pháp châu Âu, lặp lại tuyên bố trước đó của chính Telegram.
Việc bị điều tra chính thức tại Pháp không đồng nghĩa Pavel Durov có tội hoặc nhất thiết phải ra tòa, nhưng cho thấy các thẩm phán nghĩ rằng có đủ bằng chứng để tiến hành việc này. Các cuộc điều tra có thể kéo dài nhiều năm trước khi được đưa ra xét xử hoặc hủy bỏ. Pavel Durov đã được tại ngoại, nhưng bị cấm rời khỏi Pháp.
Đơn vị của Johanna Brousse đã bắt đầu điều tra Pavel Durov từ đầu năm nay sau khi thấy ứng dụng nhắn tin mã hóa của ông được sử dụng cho vô số tội danh bị cáo buộc và ngày càng thất vọng vì "Telegram hầu như không phản hồi các yêu cầu từ tòa án", công tố viên Laure Beccuau ở Paris cho biết hôm 28.8.
Johanna Brousse từ chối bình luận.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Liberation vào tháng 1, Johanna Brousse cho biết văn phòng của bà đang giám sát một số lượng lớn cuộc điều tra liên quan đến Telegram và ứng dụng nhắn tin Discord, đồng thời nói thêm rằng việc xử lý tội phạm trên các ứng dụng này là "một trong những cuộc chiến của tôi".
Jason Citron, Giám đốc điều hành Discord, không trả lời khi được đề nghị bình luận.
J3 của Johanna Brousse là đơn vị quan trọng nhất Pháp, được cấp phép truy tố trên toàn quốc. Song, đơn vị này cũng nhỏ, chỉ có 5 công tố viên, thấp hơn nhiều so với 55 - 60 công tố viên tội phạm mạng ở Thụy Sĩ, theo báo cáo từ Quốc hội Pháp năm 2022. Với nguồn lực hạn chế, họ "ưu tiên những tội nghiêm trọng nhất", Johanna Brousse nói vào năm ngoái.
Trong một lần xuất hiện trên podcast năm 2022, Johanna Brousse tuyên bố bà muốn tỏ ra cứng rắn "để tội phạm mạng tin rằng nếu tấn công nước Pháp, chúng sẽ bị xét xử và trừng phạt rất nghiêm khắc".
"Chúng tôi muốn tội phạm bị truy tố, ở quốc gia của họ hoặc ở Pháp thông qua lệnh bắt giữ", bà nói.
Johanna Brousse nói thêm rằng văn phòng của bà đã quen với "những vụ án cực kỳ nhạy cảm".
"Đôi khi, các vấn đề pháp lý và địa chính trị lại giao thoa với nhau", Johanna Brousse cho hay.
Patrick Perrot, người điều phối các cuộc điều tra được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) tại lực lượng cảnh sát Pháp và cố vấn cho đơn vị chỉ huy mạng của Bộ Nội vụ, nói J3 đã có sáng kiến trong việc tìm cách truy tố các vụ án tạo ra tiền lệ quốc tế.
"Tôi nghĩ điều đó cho thấy bạn không thể làm bất cứ điều gì bạn muốn với những nền tảng này. Đây là một câu hỏi thực sự cho tương lai, bởi những nền tảng này sẽ không ngừng nhân lên, nên thách thức về quy định là rất cần thiết", ông chia sẻ với Reuters.
Cơ sở pháp lý
Johanna Brousse lãnh đạo J3 kể từ năm 2020, qua đó giám sát một trong những vụ án tội phạm mạng quan trọng nhất và gây tranh cãi nhất của Pháp từ trước đến nay.
Cuối năm 2020, J3 đã phụ trách cuộc điều tra Sky ECC cùng Encrochat, hai trong những dịch vụ truyền thông được mã hóa chính được sử dụng bởi bọn tội phạm để mua ma túy và vũ khí hoặc giết đối thủ.
Vài năm trước đó, cảnh sát Pháp, Hà Lan và Bỉ đã hack vào máy chủ của Sky ECC và Encrochat, được đặt ở miền bắc nước Pháp, trao cho các công tố viên Pháp quyền tài phán với nhiều cuộc điều tra sau đó.
Theo Europol (Cơ quan Cảnh sát châu Âu), đã có hơn 6.500 vụ bắt giữ kể từ khi Encrochat bị đánh sập vào năm 2020, và tính hợp pháp của các cuộc chặn thu dữ liệu bị thách thức tại các tòa phúc thẩm trên khắp châu Âu.
Paul Krusky, chủ Encrochat (người Canada), đã bị dẫn độ vào tháng 2 từ Cộng hòa Dominica đến Pháp, nơi ông đang chờ xét xử. Các luật sư của Jean-François Eap (Giám đốc điều hành Sky ECC) đang phản đối lệnh bắt giữ của Pháp với ông.
Stephane Bonifassi, luật sư cho Jean-François Eap, tuyên bố thân chủ của mình vô tội, đồng thời nói thêm rằng: "Sky ECC không được coi là công cụ cho tội phạm, cũng không được thương mại hóa với mục đích như vậy".
Antoine Vey, luật sư cho Paul Krusky, tuyên bố thân chủ của mình vô tội.
"Dịch vụ được thiết lập bởi Paul Krusky, giống như các dịch vụ khác đã thành công toàn cầu, chỉ nhằm bảo vệ quyền riêng tư và tự do trao đổi của người dùng. Không có trường hợp nào để hỗ trợ các hoạt động tội phạm," Antoine Vey nói.
Hai luật sư người Pháp khác làm việc trong các vụ án Sky ECC cùng Encrochat nói với Reuters rằng các cuộc điều tra trước đó mang lại cho các công tố viên tham vọng và một khuôn mẫu để nhắm vào Pavel Durov.
Robin Binsard, luật sư đã tham gia tranh tụng tại các vụ kiện Encrochat tại tòa án tối cao Pháp, cho biết các công tố viên sẽ cần phải chứng minh rằng Pavel Durov biết và chấp thuận hành vi phạm tội trên ứng dụng. Ông gọi lập luận của các công tố viên là "hoàn toàn đáng ngờ".
Việc Telegram không tuân thủ các yêu cầu của cơ quan thực thi pháp luật "không tự động biến một người thành đồng phạm trong dự án tội phạm", Robin Binsard nói thêm.
Robin Binsard tuyên bố rõ rằng: "Pháp đang theo đuổi các nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin được mã hóa và các hãng điều hành các ứng dụng như vậy, chẳng hạn Signal, nên quan tâm đến việc họ có tuân thủ các quy định của Pháp hay không. Thông điệp rất rõ ràng, nếu họ không tuân thủ, hành động pháp lý sẽ diễn ra".
Signal không trả lời ngay lập tức khi Reuters đề nghị bình luận.
Một nguồn tin tại văn phòng công tố Paris cho biết cuộc điều tra Sky ECC không liên quan đến việc điều tra Telegram.
Elon Musk sợ bị bắt giữ khi đi công tác giống CEO Telegram
Elon Musk ám chỉ rằng ông phải cẩn thận hơn về nơi mình đến sau khi Pavel Durov, Giám đốc điều hành Telegram, bị bắt tại Pháp.
Là chủ sở hữu X, Elon Musk đang phải đối mặt với sự giám sát trên thế giới về việc người dùng phát tán thông tin sai lệch trên nền tảng truyền thông xã hội mà ông mua lại với giá 44 tỉ USD vào tháng 10.2022. Tỷ phú giàu nhất thế giới viết trên X rằng ông có thể chỉ di chuyển đến các quốc gia mà quyền tự do ngôn luận được "bảo vệ theo hiến pháp", nhằm tránh nguy cơ bị bắt giữ hoặc gặp rắc rối do các phát ngôn của mình. Elon Musk phản hồi như vậy sau bài đăng cảnh báo ông cân nhắc đến những tác động của nơi sẽ đến.
Pavel Durov bị bắt vào tuần trước tại sân bay gần Paris (thủ đô Pháp) và phải đối mặt với các cáo buộc về tội phạm liên quan đến hoạt động bất hợp pháp trên nền tảng của mình, gồm nội dung khiêu dâm trẻ em, buôn bán ma túy và giao dịch gian lận.
Elon Musk lên tiếng bảo vệ Pavel Durov kể từ khi Giám đốc điều hành Telegram bị bắt và chỉ trích việc này là vi phạm quyền tự do ngôn luận, cảnh báo rằng điều đó báo hiệu một "thời kỳ nguy hiểm".
Pháp có luật bảo vệ quyền tự do ngôn luận, được đưa vào hiến pháp nước này.
Trong một bài đăng trên X đầu tuần, Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron đã chỉ trích những gì ông gọi là "thông tin sai lệch" về vụ bắt giữ Pavel Durov.
"Việc bắt giữ Giám đốc điều hành Telegram trên lãnh thổ Pháp diễn ra như một phần của cuộc điều tra tư pháp đang được thực hiện. Đây không phải là quyết định chính trị. Quyết định tùy thuộc vào thẩm phán", ông Emmanuel Macron viết trên X.
Elon Musk và Pavel Durov có nhiều điểm chung. Cả hai đều điều hành nền tảng bị chỉ trích vì thiếu kiểm duyệt nội dung. Những người chỉ trích cho rằng cách tiếp cận khoan dung của Telegram đã tạo điều kiện cho hoạt động tội phạm phát triển mạnh.
Telegram là ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội phổ biến tương tự như WhatsApp. Ứng dụng nhắn tin được mã hóa này, với gần 1 tỉ người dùng, đặc biệt có ảnh hưởng ở Nga, Ukraine và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Elon Musk cũng phải đối mặt với sự chỉ trích vì người dùng phát tán thông tin sai lệch trên X (trước đây gọi là Twitter).
Vào tháng 8, các cuộc bạo loạn cực hữu đã nổ ra trên khắp Anh sau vụ đâm chết người tại một lớp học khiêu vũ dành cho trẻ em. Các cuộc bạo loạn này một phần do thông tin sai lệch, được lan truyền trên X, rằng kẻ tấn công trong vụ đâm chết người nhập cảnh trái phép vào Anh.
Bản thân Elon Musk bị cáo buộc đổ thêm dầu vào lửa bằng các bài đăng về bạo lực, gồm cả tweet tuyên bố "nội chiến là điều không thể tránh khỏi" bên dưới một video về tình trạng hỗn loạn cực hữu ở Anh.
Một cựu giám đốc Twitter thậm chí còn gợi ý Elon Musk nên bị bắt nếu bị phát hiện đã gây ra tình trạng bất ổn tại Anh.
Ngoài ra, Giám đốc điều hành Tesla đang vướng vào một cuộc chiến pháp lý ở Brazil, nơi một thẩm phán Tòa án Tối cao đe dọa sẽ đình chỉ X tại đây sau khi mạng xã hội này từ chối chặn một số tài khoản bị cáo buộc phát tán thông tin sai lệch.